Bạc Liêu chiều dài bờ biển trên 56 km, với vùng đất bãi bồi, các cánh rừng ngập mặn rộng lớn và rất nhiều loài thủy hải sản…Đây được xem là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn có một quần thể sinh thái với trên 10 vườn chim lớn, đặc biệt là Vườn chim Bạc Liêu ngay tại trung tâm thành phố, được coi là “độc nhất vô nhị” ở ĐBSCL.
|
Vườn chim Bạc Liêu có diện tích lên đến 130 ha, với hơn 60.000 cá thể chim, cò các loại, trong đó có rất nhiều loài chim trong Sách đỏ Việt Nam. Vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, do đó càng có điều kiện để thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có khu vườn nhãn cổ chạy dài ven biển, có tuổi thọ trên 100 năm. Nhãn Bạc Liêu gốc rất to, cành lá sum suê, trái thơm ngon nức tiếng. Bạc Liêu còn có nhiều điểm thắng cảnh độc đáo, thu hút du khách như: Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Ninh Thạnh Lợi, Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi), Đồng hồ đá duy nhất Việt Nam, Tháp cổ Vĩnh Hưng, đồng muối trắng rộng lớn… Đặc biệt, Bạc Liêu là quê hương, xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang, do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác - là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay và là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Bạc Liêu còn là vùng đất nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh thông qua những giai thoại ăn chơi của công tử Bạc Liêu. Ngày nay, với cụm nhà cổ độc đáo của công tử Bạc Liêu cùng những địa điểm du lịch nêu trên, mảnh đất này càng hấp dẫn đối với du khách.
Ông La Thanh Việt, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Theo đó, mục tiêu là tận dụng những đặc điểm và lợi thế phát triển mạnh ngành du lịch, sớm đưa Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng ĐBSCL, Nam bộ và cả nước.
Để sớm đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung đầu tư, tôn tạo nhiều điểm tham quan, du lịch đặc biệt hiện có; đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, đáp úng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng đã dành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, mở rộng thêm các dự án, các điểm du lịch sinh thái, du lịch vườn; đồng thời huy động toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ du lịch, với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang quan tâm nâng cao tính văn minh của du lịch Bạc Liêu, trọng tâm là xây dựng con người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp trong phục vụ, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về truyền thống lịch sử và văn hóa của địa phương gắn liền với giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)