Những câu chuyện dí dỏm, hài hước được nhiều bạn trẻ giới thiệu qua những nét vẽ rage comics đơn giản.
Thành Trung, học sinh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người biết đến thú vui này từ năm 2009, cho biết đây là hình thức sáng tạo ra những mẩu truyện tranh, trong đó sử dụng một nhóm các nhân vật sẵn có để thể hiện những câu chuyện trong cuộc sống mang màu sắc châm biếm, đem lại tiếng cười cho người xem.
Nội dung lời thoại của những tác phẩm thường xoay quanh những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống, thể hiện sinh động những sắc thái đời sống vật chất, tinh thần của con người, hoặc để thể hiện cảm xúc, quan điểm cá nhân một cách hài hước nhất về các đề tài trong xã hội, kinh tế… hay đơn giản hơn là cuộc sống thường nhật. Cuối truyện sẽ là những kết thúc đầy bất ngờ, thú vị.
Vẽ rage comics không khó, bởi có thể vẽ bằng công cụ Paint sẵn có trên Windows trong máy tính với những thao tác đơn giản.
Theo Quốc Huy - sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đặc biệt yêu thích vẽ. Chính vì thế mỗi ngày có hàng trăm mẩu truyện được đăng tải trên các mạng xã hội, diễn đàn, trang cá nhân… Tại Facebook có hẳn hội những người thích chơi rage comics. Đặc biệt, những bạn trẻ mê vẽ ở Việt Nam còn tạo ra những không gian riêng dành cho thú vui này với các trang ragemaker.net, memebase.com, cab.vn... với những chỉ dẫn chi tiết cách thức vẽ cho người mới; đăng tải những bài viết của giới trẻ trên thế giới về rage comics giúp bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm thông tin; là nơi để những người có chung sở thích giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, khoe những tác phẩm rage comics do mình sáng tác...
“Sở dĩ vẽ rage comics thu hút được nhiều người như vậy bởi đây là thú vui giải trí, đem lại những tiếng cười sảng khoái. Ngoài ra, chính thú vui này đã giúp các bạn trẻ thể hiện bản thân, rèn luyện khả năng sáng tạo, óc hài hước”, Huy chia sẻ.
|
Trần Hoàng, SV Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, bắt đầu tiếp xúc với thú vui này cho biết, có rất nhiều nhân vật thường được sử dụng khi vẽ rage comics, bởi mỗi người mỗi ý tưởng, sở thích khác nhau, nhưng hầu hết những tác phẩm đều phải sử dụng những nhân vật mẫu phổ biến như Okay guy, Trollface, Rage guy… Vì thế, cần lưu ý đặc điểm, hình dạng của những nhân vật có sẵn này để có thể áp dụng hợp lý vào từng bối cảnh câu chuyện, sắc thái tâm lý nhân vật…
“Khi muốn bày tỏ sự thất vọng, không hài lòng hoặc tức giận tột độ thì phải sử dụng hình ảnh nhân vật Rage guy. Muốn diễn đạt một câu chuyện với ý nghĩa châm chọc, chế nhạo người khác thì nên vẽ hình ảnh nhân vật Trollface với khuôn mặt “đểu” có nụ cười nham nhở. Okay guy thường có khuôn mặt thúc thủ, nhẫn nhịn, luôn luôn thể hiện thái độ đồng ý bằng cách nói “Okay” trong mọi hoàn cảnh mà có thể các nhân vật trong truyện sẽ phản đối hoặc phản ứng tiêu cực. Khi cần thể hiện sự tự mãn, niềm tự hào chiến thắng dù là những sự việc rất nhỏ thì vẽ mặt nhân vật Fuck yeah guy. Còn Forever alone guy là nhân vật được sử dụng để thể hiện sự cô đơn và thất vọng với cuộc sống…”, Hoàng tỏ ra am hiểu.
Hưng Việt, HS Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng vẽ rage comics không giống như việc chế truyện tranh Doraemon, bởi không phải dựa vào những hình ảnh, tình huống có sẵn trong truyện để đặt lời thoại hợp lý mà người vẽ rage comics phải tự mình suy nghĩ tình tiết câu chuyện, tự vẽ và cuối cùng là chèn hình nhân vật có sẵn để làm “cái kết” cho câu chuyện ấy với các cung bậc cảm xúc khác nhau, những “cái kết” bất ngờ với người xem.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)