Vui buồn làm báo ở Singapore

09/02/2016 06:00 GMT+7

Singapore xếp hàng đầu thế giới về nhiều mặt. Riêng địa hạt báo chí thì có phần “trũng”. Nhưng Thanh Niên đã tiên phong bước vào khám phá những câu chuyện thiết thực với độc giả Việt.

Singapore xếp hàng đầu thế giới về nhiều mặt. Riêng địa hạt báo chí thì có phần “trũng”. Nhưng Thanh Niên đã tiên phong bước vào khám phá những câu chuyện thiết thực với độc giả Việt.

Phóng viên Thục Minh trong một lần tác nghiệp tại Singapore Airshow - Ảnh: Anh TrươngPhóng viên Thục Minh trong một lần tác nghiệp tại Singapore Airshow - Ảnh: Anh Trương
Mở đường
Một buổi sáng giữa tháng 7.2007, khi đang thường trú ở Bangkok (Thái Lan), tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của tổng biên tập từ Singapore: “Cô bay sang đây ngay đi. Chúng ta mở một văn phòng nữa tại đây”. Không chỉ là một mệnh lệnh hệ trọng đối với tôi, quyết định chớp nhoáng ấy là một bước đi khá táo bạo của người đứng đầu Báo Thanh Niên khi ấy.
Tôi soạn ít đồ, bay vội về TP.HCM, rồi cùng đồng nghiệp bay sang đảo sư tử. Việc trước tiên của tôi ở quốc đảo này khi đó là hỗ trợ nhóm tổ chức chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 18. Chương trình nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Singapore trong mùa đảo quốc tưng bừng mừng Quốc khánh.
Xong Vui buồn làm báo bầu đoàn kéo về nước. Riêng tôi tiếp tục ở lại Singapore làm báo, với tấm thẻ do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp khi ấy chỉ có tiếng Việt và thẻ do Cục Quan hệ công chúng Thái cấp, cùng một mớ danh thiếp mang địa chỉ ở... Bangkok! Mãi đến tháng 11.2007, thủ tục đăng ký hoạt động với Bộ Nhân lực và Bộ Thông tin - Truyền thông và Nghệ thuật (MICA) Singapore mới hoàn tất, kịp cho tôi tham gia đưa tin Thượng đỉnh ASEAN thứ 13 với tư cách báo chí tại chỗ.
Hơn 5 năm trời, chỉ có mình tôi là phóng viên Việt Nam thường trú tại Singapore. Bên cạnh những câu chuyện buồn vui của cộng đồng hơn 1 vạn người Việt trên hòn đảo 5 triệu người, những thông tin về giáo dục, y tế, kinh doanh và du lịch ở xứ này được phản ánh trên Báo Thanh Niên thu hút sự quan tâm của hàng triệu độc giả trong nước vốn coi Singapore là địa chỉ du học, chữa bệnh, làm ăn, du ngoạn thuận tiện và tân tiến.
Cuối năm 2012, Đài truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam cũng mở văn phòng tại Singapore. Mỗi cơ quan cử đến 3 người. Nhiều báo đài khác được biết cũng ngắm nghía địa bàn này.
Vui buồn làm báo ở Singapore 2Tác giả phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La 2013 - Ảnh: Văn Yên
“Đặc biệt quan tâm”
Môi trường báo chí Singapore thường bị coi là tẻ nhạt, bởi nước này ít có biến động chính trị; xì căng đan hơi hiếm; tham nhũng thuộc loại “sạch” nhất nhì thế giới; chính thể gần như độc đảng; xã hội trật tự và người dân có phần ngại phát biểu công khai chính danh. Tuy vậy, báo chí, đặc biệt báo nước ngoài thường trú, được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng. Tôi từng gặp những người làm trong ngành quan hệ công chúng (PR) tại Việt Nam. Họ nói với tôi rằng, đại diện của Tổng cục Du lịch Singapore tại TP.HCM được chỉ đạo “đặc biệt quan tâm đến Báo Thanh Niên” vì “Báo này có người thường trú tại Singapore”.
Có lẽ vì thế mà bài vở của tôi cũng được chú ý đến từng chữ. Nhớ hồi đầu năm 2008, tôi viết bài Ông Lý Quang Diệu không đủ chuẩn người già. Bài thuật lại cuộc nói chuyện của ông Lý về tuổi già, trong đó ông có nhắc tới một người dượng (uncle-in-law) của ông đã chết sớm do ít vận động sau khi nghỉ hưu. Chẳng biết ai đó đọc chữ “dượng” thành “cha dượng” (step-father) và chuyển cho Bộ Ngoại giao Singapore (MFA). MFA đã gửi email “nhắc nhở” tôi và thông báo cho MICA. Sau khi chứng minh tôi đã viết đúng, MFA lập tức xin lỗi vì “sai sót dịch thuật quá rõ ràng”.
Cũng trong năm 2008, Báo Thanh Niên đăng nhiều bài về những bất cập tại các bệnh viện tư của Singapore, khiến một số bệnh nhân Việt Nam bất bình do “tiền mất tật mang”, hoặc bị “chém đẹp”. Sự bất cập không chỉ xảy ra đối với người Việt, mà còn có tính hệ thống đến mức em gái Thủ tướng Lý Hiển Long là bác sĩ Lý Vỹ Linh cũng lên tiếng.
Về sau, báo Straits Times, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Singapore, nhiều lần nhắc lại rằng các bệnh viện tư của nước này đã bị ảnh hưởng nặng sau khi “những thông tin xấu được loan đi trên truyền thông Việt Nam năm 2008”. Vụ này cũng khiến cái tên Thanh Niên trở nên “quen” với các công ty PR ở Singapore. Năm 2011, tôi gặp một người Việt quốc tịch phương Tây, làm việc cho một công ty PR quốc tế có chi nhánh ở Singapore. Người này cho tôi biết, sau các bài báo của Thanh Niên, chính phủ Singapore một mặt chấn chỉnh các bất cập, mặt khác liên hệ một số công ty PR lớn, nhằm tìm cách vẽ lại hình ảnh nền y tế quốc gia, vốn được xác định là một trong các mũi nhọn kinh tế, hút ngoại tệ từ bệnh nhân nước ngoài.
Tháng 11.2014, khi xảy ra vụ một du khách Việt Nam bị cửa hàng điện thoại ở Trung tâm thương mại Sim Lim Square gạt tiền, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã hồi âm chất vấn của Thanh Niên chỉ trong vòng 4 giờ - nhanh kỷ lục so với những lần chờ câu trả lời từ các cơ quan chính phủ khác của nước này. Chưa hết, STB cũng ra thông cáo gửi đến nhiều tờ báo lớn của Việt Nam - thị trường nằm trong top 10 về tăng trưởng lượng khách đến Singapore mỗi năm.
Ngoài đưa tin tại chỗ, Văn phòng Singapore cũng đưa tin về các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar... Trú tại trung tâm kinh tế, giáo dục, nghiên cứu và hội nghị của khu vực, văn phòng có điều kiện tiếp cận trực tiếp thông tin đa chiều, giới chuyên gia và cộng đồng cư dân quốc tế. Nhờ đó có thể kiểm chứng thực tế, tránh được sự lệ thuộc vào thông tin và quan điểm của các cơ quan truyền thông khác, tránh bị cuốn vào những vụ việc mang tính giật gân hoặc bị thổi phồng đến lệch lạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.