Vui tết của cô bé không còn mang 'mai rùa'

Trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu, chúng tôi đã đến thăm cô bé 'mai rùa' Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Đây là cái tết đầu tiên của cô bé sau khi được gỡ bỏ 'mai rùa'.

Đã gần 5 tháng sau khi bé Thắm được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) bóc tách thành công khối bướu “mai rùa” nặng hơn 1 kg khỏi lưng mà bé đã phải mang trên cơ thể suốt 10 năm qua. Chị Thạch Thị Đa Ny (34 tuổi, mẹ bé Thắm), vui mừng cho biết: Đến nay, sức khỏe cháu đã ổn định hơn, vết mổ bóc khối u trên lưng và vết sẹo ở đùi do lấy da ghép lên lưng cũng đã lành. Chỉ có điều, vết sẹo trên lưng vẫn còn đau và hay bị ngứa vào ban đêm nên còn gây khó chịu cho cháu.

Sức khỏe của cháu đã ổn định rồi. Bây giờ tới lớp các bạn không chọc cháu là “mai rùa” nữa

Bé Trần Thị Ngọc Thắm

“Mới đây, khi đưa cháu đi tái khám, các bác sĩ cho biết sức khỏe cháu đã ổn định, không có gì khác thường. Nghe bác sĩ cho biết như vậy, gia đình mừng lắm! Chúng tôi cảm ơn tất cả mọi người đã đem lại niềm vui cho cháu Thắm và gia đình”, chị Đa Ny chân chất tâm sự.
Với Thắm, khi chúng tôi hỏi thăm, bé cười cho biết: “Sức khỏe của cháu đã ổn định rồi. Bây giờ tới lớp các bạn không chọc cháu là 'mai rùa' nữa”. Nói xong, Thắm chạy lại bàn lấy sách vở ra đọc và viết bài một cách tự tin.
Sau khi được phẫu thuật gỡ bỏ “mai rùa”, bé Thắm đã được gia đình xin đi học lại lớp 3. Trước đó, bé đã nghỉ học ba năm nay vì mặc cảm với chiếc “mai rùa” trên lưng, khác các bạn.
Gia đình đón tết vui vì lần đầu tiên con gái không phải mang “mai rùa” trên lưng, có thể mặc áo đẹp đi chơi tết, chơi cùng các bạn. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình bé Thắm hiện nay vẫn rất khó khăn. Cả nhà 4 miệng ăn nhưng không có ruộng đất sản xuất. Cha Thắm là anh Trần Thăng (38 tuổi), đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nặng nhọc, nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng. Còn mẹ bé ở nhà trông coi hai anh em Thắm.
Trong đó, anh trai của Thắm là Trần Hoàng Thái (12 tuổi) đang học lớp 4 thì phải nghỉ học do nhà quá nghèo và cũng vừa trải qua ca phẫu thuật mổ ruột thừa. Hiện nay, Thái ở nhà chăn gà vịt phụ giúp cho gia đình. Còn bé Thắm định kỳ hai tháng phải đi tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Sau khi được gỡ bỏ "mai rùa", cô bé đã đi học lại lớp 3 Hoàng Vân

Như đã thông tin Báo Thanh Niên đã đưa, ngày 29.8.2016, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành ca phẫu thuật cắt bướu thành công cho cô bé “mai rùa” Trần Thị Ngọc Thắm. Sau 90 phút nỗ lực, các bác sĩ đã bóc tách thành công toàn bộ khối bướu có đường kính 22 cm, cân nặng 1,05 kg ra khỏi lưng cho bé. Sau đó các bác sĩ đã dùng chính phần da mặt trước đùi của cháu để phủ lên vùng trống ở lưng.
Khối bướu trên lưng bé Thắm được các chuyên gia y tế chẩn đoán là bướu hắc tố bẩm sinh (tên khoa học là Congentinal melano citye Nevi) kích thước lớn chưa từng thấy tại Việt Nam. Ngoài khối bướu, trên cơ thể bé còn có 232 nốt ruồi lớn nhỏ (gọi là bướu vệ tinh) mà nếu để quá lâu sẽ có nguy cơ chuyển sang ung thư. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, người phẫu thuật cho bé Thắm, đây là trường hợp cực kỳ hiếm. Cho đến nay, y văn thế giới chỉ ghi nhận một trường hợp mắc phải là cậu bé 6 tuổi, người Colombia, đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Great Ormond Street (London, Anh) phẫu thuật thành công.
Ca bệnh này cũng được xếp vào một trong 8 ca dị nhất thế giới.
Chị Thạch Thị Đa Ny cho biết thêm từ khi mới chào đời, sau lưng Thắm đã xuất hiện một cục u màu đen như quả cam nằm ở vị trí giữa hai xương vai. Tuy nhiên, do hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện chữa trị sớm, vì vậy khối bướu phát triển to hơn. Đặc biệt, do mang khối bướu trên lưng nên Thắm bị bạn bè trêu chọc, xa lánh vì mang “mai rùa”, khiến bé mặc cảm, bỏ học. Sau 10 năm, khối bướu phát triển nhanh, lớn dần nên gia đình mới gom tiền đưa con đến bệnh viện chữa trị.

tin liên quan

Khám phá ca mổ bằng robot tại Bệnh viện Bình dân TP.HCM
Phẫu thuật bằng robot cho người lớn được Bộ Y tế đánh giá là một thành tựu y khoa của Việt Nam năm 2016. Thật thú vị khi khám phá một ca phẫu thuật mà bác sĩ mổ chính như đang... chơi game thực tế ảo.

tin liên quan

Bác sĩ sản kể chuyện những ca sinh hy hữu vào giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng dành cho sự đoàn viên gia đình. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa lại thường xuyên đón giao thừa trong bệnh viện. Và giao thừa mỗi năm như thế lại có những ca sinh đặc biệt.

tin liên quan

Tết của bác sĩ 'xuất ngoại' tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh
Phẫu thuật cấp cứu xong, nhìn đồng hồ, đã 2 giờ sáng. Thế là, giao thừa đã qua và một năm mới đã đến. Bệnh viện thật yên ắng. Bên ngoài, đường phố cũng ngủ im, không ai hối hả đi chùa, xông đất, xuất hành đón năm mới. Các bác sĩ cầm điện thoại gọi về nhà chúc tết gia đình, bạn bè. Thế là tết!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.