Tiết kiệm điện, trong nỗ lực chung của cộng đồng hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, người trẻ phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng cách tích cực tham gia phong trào tiết kiệm điện, hình thành thói quen sử dụng điện năng một cách hợp lý, gói ghém nhu cầu cá nhân để hòa chung vào xu hướng phát triển bền vững.
Tôi là giáo viên trung học cơ sở, mỗi ngày đối diện với con trẻ tuổi mười hai nhí nha nhí nhố đủ cung bậc niềm vui, lẫn nỗi buồn. Các con đang tuổi lớn, học điều tốt rất nhanh mà nhiễm tính xấu cũng khá dễ dàng. Vì vậy việc uốn rèn sắp nhỏ vào điều hay việc tốt luôn là ưu tiên hàng đầu. Một trong những việc cỏn con lại được nhà trường và giáo viên thường xuyên nhắc nhở là thói quen tiết kiệm điện.
Các bài học lồng ghép về tiết kiệm điện, trong điều kiện biến đổi khí hậu cùng kỹ năng sử dụng điện hiệu quả, ít nhiều tác động giúp học sinh thấu hiểu hành động nhỏ của chính mình: tắt bóng đèn khi không sử dụng, tránh bật quạt trong thời tiết dịu mát, kéo rèm và mở cửa sổ để đón ánh sáng kèm gió trời vào phòng…
Bảng quy định sử dụng điện được treo ngay cạnh công tắc điện của lớp. Mùa đông bật đèn từ lúc mấy giờ, mùa hạ dùng quạt từ giờ nào đều có quy định rõ ràng. Không phải trường học hạn chế nguồn sáng hay bắt trò học trong điều kiện nóng bức mà quy định cùng lời nhắc nhở từ thầy cô ít nhiều tác động để trẻ biết trân quý nguồn năng lượng, trân quý sức lao động của bố mẹ đóng góp các khoản về nhu cầu sử dụng điện, nước.
Bên cạnh đó, để ràng buộc ý thức trách nhiệm của học sinh, nhà trường còn quy định rõ ràng lớp nào ra về quên khóa công tác điện để đèn, quạt chạy vù vù sẽ bị trừ điểm thi đua và phạt lao động vệ sinh. Và để đảm bảo lớp mình không bị nêu tên trước cờ, tôi giao khoán việc kiểm tra điện cho nhóm học sinh vệ sinh lớp cuối buổi học.
Năm nay sự kiện Giờ Trái đất diễn ra vào lúc 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 23.3 đã được tuyên truyền sâu rộng trong học sinh vào giờ chào cờ, được giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở trong tiết sinh hoạt lớp rồi công văn tuyên truyền gửi lên nhóm lớp online, để phụ huynh nắm bắt và hưởng ứng phong trào.
Ngày đầu tuần vào lớp ngay sau đó, tôi lên tiếng hỏi bọn trẻ: “Hôm thứ 7 vừa rồi bạn nào trong lớp mình có tham gia sự kiện Giờ Trái đất?”. Lớp xôn xao hẳn lên khi những cánh tay dong dỏng đưa lên cao kèm khuôn miệng nhí nhố “dạ cháu”, “cháu có”…
Không phải toàn bộ học sinh đều nhớ và thực hành bài học tắt thiết bị điện không cần thiết trong khung giờ ấy để hưởng ứng thông điệp quốc gia. Vẫn còn một số cháu ngồi xụi lơ và tiêng tiếc vì quên mất lời cô dặn. Dù vậy, chỉ cần ngắm ánh mắt háo hức khoe việc tốt mình đã làm hoặc nuối tiếc vì lỡ mất Giờ Trái đất trong mắt bọn trẻ tuổi mười hai ấy là lòng tôi đã đong đầy sự hài lòng.
“Năm 2023 nước ta tiết kiệm được hơn 550 triệu đồng trong sự kiện Giờ Trái đất như cô đã kể với các cháu. Vậy bạn nào đã cập nhật năm nay chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu?”, dò hỏi thêm sự quan tâm của bọn trẻ, tôi nhận được câu trả lời từ Tâm Nhi: “Dạ hơn 800 triệu ạ”. Bầy trẻ xuýt xoa khen bạn khi tôi xác nhận đúng con số đó.
Kết quả khả quan từ hiệu ứng Giờ Trái đất năm 2024 khẳng định sức lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn của phong trào ý nghĩa này trong việc tiết kiệm điện. Và học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước càng phải sớm được vun bồi ý thức, hình thành thái độ, rèn giũa thói quen tiết kiệm năng lượng. Trách nhiệm không chỉ của riêng ai, mà là tất cả chúng ta.
Bình luận (0)