Vũng Chùa - Đảo Yến

16/10/2013 10:16 GMT+7

Được chính Đại tướng đồng ý chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng từ năm 2006 nhưng ít ai biết đến vùng đất phong cảnh hữu tình này.

 Vũng Chùa - Đảo Yến
Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực Vũng Chùa -  Đảo Yến (nguồn VTC news)

Địa điểm an táng Đại tướng nằm ở núi Thọ trong đất liền (theo quan sát của Thanh Niên thì ở lưng chừng núi), bên vũng (vịnh) Chùa, cách đường QL1 2km, từ đây nhìn ra phía ngoài khơi chưa đầy 1km là Đảo Yến, tựa như một bức bình phong.

Thế “rồng cuộn hổ ngồi”

Ở địa đầu phía bắc tỉnh Quảng Bình, dưới chân dãy Hoành Sơn, giữa trời nước mênh mông  có một vịnh biển, mặt nước phẳng lặng mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn, ngày nay ta thường gọi là vịnh Hòn La.

Cũng theo sách của Cao Xuân Dục, vịnh La Sơn còn có tên là Vũng Từ vì nơi đây kín gió, vào những đợt gió mùa đông - nam thuyền chài thường vào neo đậu tránh gió bão. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành. Phía đất liền là dãy Hoành Sơn  “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc. Ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn) đó là Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn La...

Vùng này có nhiều đặc sản quý, ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn còn nói đến loài Cửu khổng quyết minh (hay còn gọi là bào ngư).

Nếu được dành một ngày đêm trọn vẹn với vịnh La Sơn chắc hẳn du khách không bao giờ quên được cái cảm giác thanh bình giữa mênh mông biển trời. Bình minh lên, mặt trời nhuộm hồng mặt biển như gương mặt người con gái đang thì. Mơn man cùng từng con sóng nhỏ, mặt biển chuyển sang màu xanh, xanh đến tận chân trời rồi tím dần trong chiều hoàng hôn.

Trăng lên, vịnh La Sơn dát bạc như một cánh đồng thủy ngân lấp lánh sao trời. Nhâm nhi ly rượu quê, thưởng thức hương vị của biển từ những món hải sản nướng và trong tiếng rì rào của sóng và gió người dân nơi đây sẽ kể  ta nghe những câu chuyện truyền thuyết và cả những trang sử hào hùng của La Sơn huyền thoại.

 Vũng Chùa
Khu vực Vũng Chùa - Ảnh: Nguyễn Tú

Đất thiêng

Truyền thuyết Long vương lấy gỗ kể lại rằng, dưới vịnh La Sơn là thủy cung với những cung điện nguy nga tráng lệ của Long Vương. Hàng năm, vào khoảng tháng 9, tháng 10 bão tố nổi lên, sấm chớp đùng đùng ấy là lúc Long Vương sai quân lính lên Hoành Sơn lấy gỗ chò trắng về xây cung điện. Long Vương làm mưa to gió lớn, dâng nước sông lên cao để cuốn gỗ ra biển.

Có một năm, Long Vương dâng nước lấy gỗ, nhưng khi nước rút, không hiểu sao còn sót lại ba cây chò mắc ở bãi cạn. Sẩm tối,  binh tướng thủy tề  từ dưới biển đi lên rồi vào một túp lều tranh của lão đánh cá. Thấy họ vào nhà mình, vợ chồng người đánh cá kính cẩn vái chào, mời nước, mời cơm. Cảm ơn tấm lòng của vợ chồng lão đánh cá, binh tướng thủy tề cho họ một trăm lạng bạc và nói: “Hôm nay, vâng lệnh của Long Vương bọn ta lên lấy  nốt ba cây chò trắng về sửa sang cung điện. Chốc nữa sẽ có mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, ngươi hãy cùng vợ con trèo lên cây mà lánh nạn. Đừng sợ hãi gì”.

Vợ chồng lão đánh cá vái tạ các vị thủy khách, rồi thu dọn nhà cửa đưa các con trèo lên cây cao và báo cho dân làng biết tai họa sắp xẩy ra. Quả nhiên, một lúc sau mưa gió nổi lên, sấm chớp đùng đùng, nước ngập tràn bờ bãi. Độ một giờ sau, gió yên,  mưa tạnh, trời đầy sao. Gia đình lão đánh cá cùng dân làng thoát nạn, họ ra bãi cạn thì không còn thấy ba cây chò trắng đâu nữa vội thắp hương hướng về biển khơi bái lạy. Từ đó, người dân vùng này không dám vào rừng chặt hạ cây chò trắng ở Hoành Sơn vì đó là loại gỗ của Long Vương để xây cung điện.

Lại có truyền thuyết, thời vùng đất Quảng Bình trở về với Đại Việt, quân Chiêm (dân gian gọi là giặc sóng) thường cho các chiến thuyền ra quấy phá vùng bờ biển nước ta. Khi thuyền chiến của quân Chiêm đến vịnh La Sơn, đang trời yên biển lặng Long Vương làm giông tố nổi lên nhấn chìm  nhiều chiến thuyền của giặc sóng. Từ đó quân Chiêm  không dám cho chiến thuyền ra cướp phá vùng biển nước Đại Việt.

Lại có chuyện kể rằng, năm vua Lê Thánh Tông xuất chinh đi đánh Chiêm Thành có dừng lại ở La Sơn. Trời yên, biển lặng, hàng trăm chiếc thuyền phất phới hoàng kỳ đỗ kín mặt nước. Vua lên bờ, cho quân sĩ lập đàn trên núi Hoành Sơn hướng về kinh đô bái lạy và xin thần linh phù hộ đánh thắng quân giặc bảo vệ  chủ quyền lãnh thổ và sự an lành cho dân chúng. Lần đó, Đại Việt thắng lớn, khi trở về đến vịnh La Sơn, vua lại cho lập đàn cáo cùng trời đất. Đỉnh núi mà vua Lê lập đàn cúng tế  gọi là núi Vọng Bái (còn gọi là núi Kính Quân) và tảng đá nơi đặt kỳ đài xưa nay vẫn còn.

Lịch sử hào hùng

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, vịnh La Sơn từng âm vang bản anh hùng ca của quân dân Quảng Bình - chiến dịch Hòn La lịch sử.

Giữa năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc và thả thủy lôi phong tỏa các cảng biển lớn ở phía bắc như Hải Phòng, Bến Thủy hòng ngăn chặn nguồn viện trợ của các nước bạn đến từ đường biển.

Trước tình hình đó, Trung ương quyết định chọn Hòn La làm nơi tiếp nhận hàng hóa viện trợ từ đường biển vì nơi đây có thể tránh được bão lớn và quan trọng hơn là rút ngắn chặng đường đưa hàng vào tiền tuyến lớn miền Nam. Suốt hơn 6 tháng, từ cuối tháng 5 năm 1972 đến 15 tháng 1 năm 1973  mặt  biển La Sơn dậy sóng. Trong năm 1972, trên địa bàn vịnh Hòn La máy may và tàu chiến Mỹ đã đánh 4.092 trận, ném 22.000 quả bom các loại, hơn 400 loạt bom bi và 2 lần dùng máy bay chiến lược B52.

Nhưng, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, quân dân Quảng Bình đã vượt qua mưa bom bão đạn, hàng rào thủy lôi, từ trường phong tỏa đưa hàng ngàn tấn gạo từ ngoài khơi vào bờ kịp chi viện cho miền Nam đánh lớn. Máu của các anh hùng, liệt sĩ đã từng hòa vào sóng nước để La Sơn hôm nay mãi mãi xanh trong, bình yên như tên gọi Vũng Từ.

*

Vũng Chùa là tên người dân vùng này gọi Vũng Từ mà sách Cao Xuân Dục đã dẫn, nhưng vị trí Đại tướng yên nghỉ không phải sát chân Đèo Ngang, khu kinh tế Hòn La mà kế tiếp về phía nam. Tên gọi xuất phát từ việc nơi đây, trên đất liền từng có một ngôi chùa cổ đã thành phế tich, Đảo Yến chính là Hòn Nồm (vì hứng gió nồm). Phong cảnh hữu tình, đến đây thấy lòng ung dung tự tại…

Ngày nay, bên bờ biển La Sơn đang hình thành Khu kinh tế Hòn La với các cảng biển, cơ sở hạ tầng cho một khu công nghiệp, Vũng Chùa - Đảo Yến rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái.

Trên đường thiên lý bắc - nam, cách Đèo Ngang 7 km, có con đường rẽ về phía biển, chỉ 2 km, đó là Vũng Chùa. Đây cũng là trung điểm của hai đầu đất nước.

TS. Phan Viết Dũng

>> Người dân đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến
>> Bác Giáp đã có ý định về Vũng Chùa - Đảo Yến khi còn sống
>> Cận cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Chính thức chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.