Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1

18/07/2023 04:30 GMT+7

Đến chiều tối 17.7, hàng nghìn người thuộc các lực lượng chức năng của các tỉnh Đông Bắc đã được huy động để khẩn cấp ứng phó bão số 1 đang tiến vào Việt Nam.

Tối qua (17.7), bão số 1 (Talim) đạt cường độ cực trị (cấp 12), cách khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 400 km về phía đông đông nam.

Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1 - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Cô Tô (Quảng Ninh) giúp người dân đưa ngư cụ lên bờ

TTXVN

Cấm biển, bố trí nơi neo trú an toàn cho người và phương tiện thủy

Từ 15 giờ ngày 17.7, tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh cấm các phương tiện ra khơi và kêu gọi các tàu đánh bắt cá xa bờ, tàu tham quan du lịch về nơi tránh trú.

Đến chiều tối cùng ngày, hơn 6.000 tàu đánh bắt cá xa bờ, gần bờ đã neo đậu tại các bến cá, vùng kín gió trong tỉnh; một số tàu đang hoạt động đã và đang về neo đậu tại các khu tránh trú, vùng kín gió trên địa bàn tỉnh và khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng).

Hàng trăm chuyến bay bị hủy/trễ do bão số 1, có chuyến lùi 10 tiếng

Phó thủ tướng lưu ý 4 điều khi ứng phó bão số 1

Sáng 17.7, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 1. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo 27 tỉnh, thành miền Bắc.

Tại cuộc họp, lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cho biết đã chuẩn bị kịch bản ứng phó với bão số 1. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng vẫn phải hết sức chú ý vì "tự cho mình có kinh nghiệm thì dễ dẫn đến việc mất cảnh giác, chủ quan".

Theo Phó thủ tướng, công điện ứng phó với bão số 1 chiều 16.7 được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành sẽ là "kim chỉ nam" để lãnh đạo các địa phương, các bộ, ban, ngành thực hiện hành động trong trường hợp không kịp xin ý kiến.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần phải lưu ý 4 điều: không chủ quan, lơ là; cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử với trường hợp cụ thể; chuẩn bị chu đáo nhất có thể. "Mục tiêu của chúng ta là không có thiệt hại về người, giảm tối đa thiệt hại về tài sản", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đình Huy

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 14.502 ô lồng nuôi thủy sản đã nắm thông tin về cơn bão để chủ động gia cố và đã bắt đầu tổ chức đưa người lên bờ. Chính quyền các địa phương kêu gọi người dân lên bờ, bố trí các điểm sinh hoạt tạm cho những người không có nơi ở; trong đó ưu tiên đưa phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước. Riêng ở TP.Móng Cái, chính quyền đã rà soát và có phương án phòng chống, di dân đối với 576 nhà yếu gồm 2.131 nhân khẩu, thông báo nghiêm cấm các phương tiện thủy ra khơi khai thác thủy hải sản trên địa bàn.

Tại Hải Phòng, UBND TP.Hải Phòng cho biết thành phố đã sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 1. Gần 1.920 phương tiện với 6.019 lao động, 156 lồng bè với 342 lao động đã được di chuyển vào khu neo đậu tránh trú bão.

Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1 - Ảnh 3.

Tàu thuyền đánh cá về neo đậu an toàn ở bến cá Đồ Sơn (Hải Phòng)

Giang Linh

Phà Bến Gót - Cái Viềng ra đảo Cát Bà (H.Cát Hải) cũng đã tạm dừng hoạt động từ 18 giờ hôm qua. Lệnh cấm biển, đóng cửa các bến thủy nội địa, các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long được áp dụng từ 21 giờ cùng ngày.

Đáng chú ý, H.Thủy Nguyên có hơn 300 trường hợp sinh sống ngoài đê và tại các chân núi đất có nguy cơ sạt lở. Theo kế hoạch, đến 7 giờ ngày 18.7, 8.691 người dân tại các khu vực xung yếu của TP.Hải Phòng được sơ tán đến nơi an toàn.

XEM NHANH 12H ngày 18.7: Bão số 1 áp sát Bắc bộ | Gay cấn phiên tòa “chuyến bay giải cứu”

Hải Dương chỉ đạo KCN, nhà máy có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương, thông tin: "Để chủ động ứng phó cơn bão số 1, ban đã có chỉ đạo tới các KCN, các công ty, nhà máy, xí nghiệp có phương án bảo đảm các công trình, nhà xưởng, đề phòng việc cháy nổ khi liên quan đến sự cố điện. Trong trường hợp bão số 1 đổ bộ, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tùy theo tình hình, các công ty có kế hoạch cho công nhân nghỉ việc, và hỗ trợ công nhân tùy điều kiện của công ty".

 Minh Phong

Tại Nam Định, có 1.776 tàu cá và 5.001 lao động trên các tàu. Trong đó, số tàu đang neo đậu là 1.679 tàu, 97 tàu đang hoạt động trên biển, tương ứng 343 lao động. Được biết, 213 lồng bè tại 20 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các sông đã nhận thông tin về cơn bão số 1. Chi cục Thủy sản Nam Định tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo diễn biến của bão số 1 để người dân phòng tránh.

Trong đề án di dân do ảnh hưởng của bão số 1, tỉnh Nam Định thực hiện di dời 1.228 lao động sinh sống trong 1.019 lều, chòi nuôi trồng thủy sản tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng trở về đất liền trú bão.

Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1 - Ảnh 5.

Lực lượng quân đội chuẩn bị bè cứu sinh ứng phó bão số 1

Nghĩa Hiếu

Tại Thái Bình, có 1.008 tàu, thuyền với 2.894 lao động làm ăn trên biển. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào hoạt động ở vùng nguy hiểm. Tính đến 16 giờ ngày 17.7, toàn tỉnh Thái Bình đã di dời được khoảng 776 lao động canh coi trên các bãi ngao (chiếm 65% số lao động) và khoảng 730 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển (chiếm 49% tổng số lao động) tại 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn.

Tất cả các lao động còn lại tại 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã được di dời vào nơi tránh trú an toàn trước 18 giờ ngày 17.7.

Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1 - Ảnh 6.

Ngư dân Quảng Ninh khẩn trương chằng néo tàu thuyền

Nghĩa Hiếu

Nhiều nơi ở TP.HCM mưa to kèm gió giật mạnh, vì sao?

Huy động xe đặc chủng sẵn sàng ứng phó

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Cụ thể, trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cùng 34 ô tô các loại, 5 tàu, 24 xuồng đã được huy động thường trực chống bão. Theo kế hoạch hiệp đồng, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 với 1.435 cán bộ, chiến sĩ và 82 phương tiện, trong đó 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng sẵn sàng triển khai ngay khi có yêu cầu.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, tuyến đê tại TX.Quảng Yên là nơi xung yếu tại địa phương này. Đến tối 17.7, hiện trong kho Hạt quản lý đê Quảng Yên đã dự trữ 2.610 rọ thép, dây thép buộc 1.702 kg, bao tải 6.340 cái, vải bạt chống sóng 1.500 m2, bè cứu sinh nhẹ 10 chiếc. Các bãi đá hộc dự trữ dùng để cứu hộ đê trong trường hợp khẩn cấp được phân bổ tại các điểm xung yếu dọc trên tuyến đê Hà Nam là 9.727 m3.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng đã chuẩn bị 1.216 ô tô các loại, 1.351 tấn lương thực, 39.381 thùng mì tôm, 285 tàu, xuồng; 31 sà lan, 155 xe cẩu, xe thang; 202 máy phát điện; 42.789 m3 đá hộc; 637 cơ số thuốc, y cụ; 35.112 chiếc áo pha; 516 nhà bạt…


Đảm bảo an toàn cho du khách ở lại đảo

Vùng Đông Bắc căng mình ứng phó bão số 1 - Ảnh 8.

Phà Gót - Cái Viềng (Cát Bà, H.Cát Hải,Hải Phòng) đưa du khách lên bờ để tránh bão số 1

Giang Linh

Gần 400 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sau khi nhận được thông tin cấm biển đã đưa khách trở về bờ an toàn và di chuyển đến 9 điểm tránh trú đã được quy định. Hơn 30 chuyến tàu đã đưa hơn 1.000 khách du lịch tại các đảo Vân Đồn và H.Cô Tô (Quảng Ninh) về bờ. Hiện chỉ có khoảng 500 du khách tình nguyện ở lại "trải nghiệm" đón bão ở đảo và được cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống bình thường.

Trước đó, từ 12 giờ trưa cùng ngày, TP.Hải Phòng cũng tạm dừng các hoạt động tham quan du lịch trên đảo Cát Bà. Trên đảo Cát Bà hiện còn hơn 2.700 khách ở lại, đang lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ; trong đó có 462 khách du lịch quốc tế và hiện đã được bố trí ăn nghỉ, đảm bảo an toàn tránh trú bão.


Nam Định Đã thu hoạch xong lúa xuân "chạy" bão

Tính đến thời điểm này, tại tỉnh Nam Định diện tích lúa xuân đã thu hoạch xong; diện tích lúa đã cấy, sạ đạt 69.250/71.800 ha tương đương 96%; diện tích cây màu đã gieo trồng 8.150/8.500 ha tương đương 96%.

Hiện toàn tỉnh đang trong giai đoạn gieo cấy lúa mùa, do đó công tác chống ngập úng tập trung cho các diện tích mạ, lúa mới gieo sạ, rau màu và một số khu vực trũng thấp khu đô thị, thành phố. Được biết, trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 27 trọng điểm xung yếu, trong đó 21 trọng điểm trên đê sông, 6 trọng điểm trên tuyến đê biển. Các trọng điểm đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Cù Hiền



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.