Xe

Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông: Đường 9 đoạn phiên bản 2.0?

03/08/2016 11:33 GMT+7

Liệu Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông? Phân tích lý do, quy mô và các vấn đề có thể xảy ra cho từng kịch bản ADIZ trên Biển Đông, theo bài viết của tác giả Alexander L. Vuving trên The National Interest (Mỹ) mới đây.

Tác giả Alexander L. Vuving, trong bài viết đăng trên The National Interest (Mỹ, ngày 25.7.2016) cho biết ngay trong ngày Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013, phát ngôn viên Bộ này cũng công khai tuyên bố: "Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận diện phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất việc chuẩn bị".

Giáo sư Alexander L. Vuving làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông

       

Kể từ đó, trong những phát ngôn chính thức của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không bao giờ loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, lặp đi lặp lại rằng đó là quyền của Trung Quốc như một quốc gia có chủ quyền. Thêm vào đó, những nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc thỉnh thoảng lại nói với các nhà báo nước ngoài rằng Trung Quốc đã có kế hoạch và đã sẵn sàng áp đặt ADIZ ở Biển Đông.

Vào đầu năm 2016, Đại tá Hải quân Liang Fang, một chiến lược gia nổi tiếng ở Đại học Quốc phòng Quốc gia, công khai kêu gọi quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Những phát ngôn công khai này có thể chỉ là để lừa gạt các đối thủ của Trung Quốc, nhưng khả năng Trung Quốc thành lập ADIZ ở Biển Đông là có thật.

Liệu Trung Quốc có sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông? Nếu có thì khi nào và với kích thước, phạm vi như thế nào? Kể từ tháng 11.2013, những câu hỏi này đã được nêu ra nhiều lần. Và ADIZ trên Biển Đông lại trở thành một vấn đề nóng sau lời phát ngôn của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc liên quan tới phán quyết của toà Trọng tài về vụ kiện Biển Đông. Vậy làm thế nào có thể dự đoán Trung Quốc có lập ADIZ ở Biển Đông hay không?

Liệu Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông?

Có thể ví ADIZ Biển Đông như một “con chó chưa sủa”, nhưng sẽ có thể biến thành một trong ba loại sau:

Loại thứ nhất, đó có thể là một con chó mà đến cuối cùng sẽ sủa. Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng việc Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có hai lý do tối quan trọng hỗ trợ niềm tin này. Thứ nhất là những tuyên bố chính thức của Trung Quốc cho thấy rằng họ đã lên kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông và chỉ chờ thời gian chín muồi để thực hiện.

Thứ nhì, các cơ sở thiết bị Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo bị tranh chấp ở Biển Đông là quá lớn nếu chỉ phục vụ cho nhu cầu của các cộng đồng trong nước. Một số cơ sở thiết bị này bao gồm 4 đường băng dài 3 km trên các đảo Phú Lâm, Đá Chữ Thập, đá Xu Bi và Vành Khăn cùng với một trạm radar tần số cao ở đá Châu Viên. Trung Quốc cũng đã triển khai trên đảo Phú Lâm hệ thống tên lửa đất đối không với tầm bắn 200 km. Trong mắt của nhiều chuyên gia, lý do hợp lý nhất cho những cơ sở hạ tầng và hệ thống vũ khí này là để hỗ trợ một ADIZ trong tương lai.

Nhưng ADIZ ở Biển Đông cũng có thể là một con chó sẽ không bao giờ sủa. Ngay cả khi Trung Quốc đã có kế hoạch thiết lập nó, thời gian sẽ không bao giờ là chín muồi để cho Trung Quốc tuyên bố chính thức. Có ít nhất bốn tham số ủng hộ khả năng này. 

Thứ nhất, "Trung Quốc có thể đã học từ việc lập ADIZ ở biển Hoa Đông rằng đây là một việc lợi bất cập hại". Như chuyên gia David Welch giải thích, "Tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc cũng như an toàn hàng không và lòng tin quốc tế vào óc suy xét của Bắc Kinh. Rất có thể nó sẽ thúc đẩy các quốc gia liên quan khác cũng sẽ thiết lập ADIZ của mình và chồng chéo lên ADIZ của Trung Quốc”. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nghi ngờ Trung Quốc sẽ nhận ra được điều này. Nhìn lại ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, [học giả Trung Quốc] Zhu Feng còn cho rằng lợi ích mà nó mang lại đã lớn hơn nhiều so với rủi ro. 

Thứ nhì, ADIZ có thể phá vỡ tính mơ hồ của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự mơ hồ này đã được cho là có lợi cho Trung Quốc, bởi vậy Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi áp đặt ADIZ ở Biển Đông.

Thứ ba, một số đối thủ của Trung Quốc đang nắm giữ những lá bài có thể ngăn cản Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Hữu hiệu nhất trong số lá bài này là Việt Nam có thể tuyên bố lập ADIZ ở Hoàng Sa, và qua đó có thể thiết lập lại một số hình thức quản lý thực tế đối với quần đảo. Trung Quốc cũng có thể sẽ ngần ngại bởi triển vọng Việt Nam tung ra hành động pháp lý chống lại mình, hoặc Việt Nam và Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thường xuyên những vị trí chiến lược trên bờ Biển Đông như Vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng ở Việt Nam hay vịnh Ulugan, vịnh Subic và tỉnh Zambales ở Philippines.

Thứ tư, Trung Quốc có thể tận dụng ADIZ giả định của mình ở Biển Đông để ngăn cản những thách thức có thể có từ các quốc gia sử dụng biển khác. Nếu ADIZ hoạt động tốt nhất là khi nó còn chưa ra đời, thì nó sẽ được giữ nguyên trạng như vậy.

Cuối cùng, ADIZ ở Biển Đông có thể là một con chó sủa dưới vỏ bọc của một động vật khác. Sự ngụy trang này có thể ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Trung Quốc có thể áp đặt một hay nhiều vùng cấm mà không cần phải dưới cái tên ADIZ.

Hoặc nó có thể là một vùng bán nhận diện phòng không (quasi-ADIZ) hay vùng nhận diện phòng không đã mặc nhiên tồn tại trên thực tế dù không được tuyên bố công khai. Theo thẩm phán Philippines Antonio Carpio, khi Trung Quốc sử dụng radio cảnh báo máy bay Philippines đang bay qua vùng trời của quần đảo Trường Sa là “hãy tránh xa khỏi khu vực”, Trung Quốc trên thực tế đã đang thực thi vùng bán nhận diện phòng không. Những cảnh báo tương tự cũng đã được gửi đến các máy bay quân sự và dân sự của các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Úc. Hiện tại, vùng bán nhận diện phòng không của Trung Quốc dường như bao phủ không quá 20 hải lý tính từ bờ biển của một số thực thể địa lý mà Trung Quốc đang kiểm soát. 

Trung Quốc xây dựng đảo phi pháp và đường băng dài 3 km tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam DIGITAL GLOBAL

Tại sao Trung Quốc cần ADIZ?

Câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông chỉ có thể được trả lời thỏa đáng nếu hiểu được mục đích của việc này. Nhưng ích lợi của ADIZ lại là một trong những chủ đề ít được thảo luận nhất trong những cuộc nghị luận về ADIZ của Trung Quốc. Xu hướng chung chỉ đơn giản cho rằng ADIZ của Trung Quốc có ý nghĩa như tên của nó ngụ ý - một khu vực phòng không hoặc một công cụ quân sự kiểm soát lãnh thổ. Nhưng tiện ích của ADIZ vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự và nó không cần phải được thực thi trong thực tế vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia tuyên bố lập nó. Cũng giống như các công cụ chính sách khác, nó có thể thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao và pháp lý.

Một ADIZ có thể thực hiện một hoặc nhiều hơn trong ít nhất sáu chức năng. Trong số sáu chức năng này, có hai chức năng đòi hỏi hành động thi hành thực tế (đó là chức năng hoạt động như một cơ chế cảnh báo sớm hay chức năng của một khu vực cấm). Ba chức năng khác dựa nhiều hơn vào tuyên bố chính thức (đó là các chức năng đánh dấu chủ quyền, chức năng như một con bài mặc cả và chức năng phát tín hiệu). Chức năng còn lại là chức năng răn đe, sẽ chỉ hoạt động được khi không tuyên bố công khai.

- ADIZ như một cơ chế cảnh báo sớm. Đây là mục đích nguyên thuỷ của ADIZ khi Mỹ lần đầu tiên tạo ra nó trong thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ thiết lập ADIZ là để giảm nguy cơ bị Liên Xô bất ngờ tấn công trên không. Trung Quốc ngày nay thì quan ngại về các hoạt động gián điệp của Mỹ hơn là một cuộc tấn công bất ngờ từ Mỹ hay từ các nước láng giềng trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc muốn giảm hoạt động giám sát của Mỹ dọc bờ biển của họ, năng lực thực thi ADIZ sẽ quan trọng hơn là lời tuyên bố chính thức, vì Washington đã công khai lập trường không công nhận cũng như không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc.

- ADIZ như một khu vực cấm xâm nhập. Việc thiết lập ADIZ có thể cung cấp cơ sở pháp lý để không cho máy bay nước ngoài bay vào những khu vực nhất định. ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông thậm chí còn đòi hỏi máy bay chỉ quá cảnh ở không phận quốc tế và không hướng về lãnh thổ Trung Quốc vẫn phải thông báo với Trung Quốc.

- ADIZ với chức năng đánh dấu chủ quyền. Mặc dù ADIZ không phải là một yêu sách lãnh thổ, nó có thể được sử dụng để thực hiện một số hình thức của quyền chủ quyền và quản lý vùng trời trên một vùng lãnh thổ. Sự chấp nhận hay phục tùng của máy bay nước ngoài sau đó có thể được hiểu như là sự công nhận rằng quốc gia sở hữu ADIZ đang thực thi chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Trong khi ADIZ cần phải được thực thi khi thực hiện chức năng như một cơ chế cảnh báo sớm hay một khu vực cấm xâm nhập, thì nó lại không cần thực thi nhiều trong thực tế để có thể trở thành một công cụ đánh dấu chủ quyền. Một sự thực thi sơ sài đã có thể đủ để được ghi nhận như là một hành động thực thi chủ quyền và không cần phải thực thi thực tế một cách thật sự để khêu ra sự công nhận bởi các quốc gia khác.

- ADIZ như một con bài mặc cả. ADIZ có thể làm mạnh thêm vị thế của quốc gia đã tuyên bố lập nó trong ván cờ với các quốc gia khác. Như một ví dụ, ADIZ ở biển Hoa Đông đã củng cố vị trí của Trung Quốc khi đối diện với Nhật Bản trong tranh chấp về quần đảo Senkaku (hay Điếu Ngư). Nó đã cho Trung Quốc một cơ sở pháp lý để cho những máy bay chiến đấu tranh giành vùng trời trên quần đảo với máy bay của Nhật Bản và mở rộng khu vực tranh chấp thực tế không chỉ giới hạn ở những vùng nước lân cận quần đảo mà còn không phận phía trên quần đảo. ADIZ ở Biển Hoa Đông cũng giúp Trung Quốc tạo ra hiện trạng mới trong khu vực. Như các chuyên gia Ian Rinehart và Bart Elias lập luận, "Trung Quốc đạt những lợi thế chiến lược bằng cách đẩy yêu sách của mình lên đến tối đa, rồi làm như chịu xuống nước, nhưng thực tế đã gia tăng được thêm lợi ích”.

- ADIZ như một thiết bị phát tín hiệu. Một quốc gia có thể tuyên bố ADIZ để phát tín hiệu về một điều gì đó quan trọng. Khán giả của tín hiệu này có thể ở trong nước hoặc quốc tế hoặc cả hai. Công bố lập ADIZ trong sự phản đối của quốc tế có thể là phát tín hiệu thể hiện sự quyết tâm. Nó cũng có thể là tín hiệu của một sự tức giận, và vì vậy một cách gián tiếp, nó phát tín hiệu về khả năng sẽ giáng đòn trừng phạt, nhằm phản ứng lại một sự kiện trước đó đã gây tổn thương cho quốc gia thiết lập nó. Việc thi hành một ADIZ cũng có thể là phát tín hiệu về năng lực của quốc gia đó. Các yếu tố quyết tâm, giận dữ và năng lực thực thi sẽ có thể có tác dụng ngăn cản các quốc gia nước ngoài không làm gì xúc phạm quốc gia đó. Vậy liệu một ADIZ có thể được sử dụng như một tín hiệu trấn an các quốc gia khác về mong muốn hợp tác? Một nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã cố gắng sử dụng ADIZ ở Biển Hoa Đông như “một công cụ để thu hút sự chú ý chứ không phải là công cụ xâm lược.” Tuy nhiên, phản ứng quốc tế cho thấy chỉ có kẻ ngốc mới sử dụng ADIZ để phát tín hiệu hợp tác.

- ADIZ với chức năng răn đe. Không chỉ có tín hiệu phát ra từ một tuyên bố thiết lập ADIZ, mà chỉ cần cho thấy lập ADIZ là một khả năng nghiêm túc là đã có tác dụng răn đe các quốc gia khác không làm những điều mà quốc gia tuyên bố lập ADIZ không muốn. Trong khi ở trường hợp đầu, chức năng này chỉ hoạt động sau khi quốc gia đã ra tuyên bố thiết lập ADIZ, ở trường hợp sau, chức năng răn đe sẽ ngừng hoạt động ngay khi ADIZ được tuyên bố. Đối với một ADIZ còn trên lý thuyết và chưa được sinh ra, nó chỉ có thể hoạt động như công cụ răn đe khi được thiết kế theo những cách gây ra nhiều bất lợi cho các quốc gia thuộc đối tượng bị răn đe. ADIZ của Trung Quốc có thể thực hiện chức năng này khi có khả năng hoạt động như một vùng cấm, một công cụ đánh dấu chủ quyền và một công cụ tăng cường vị thế.  Trên thực tế, Trung Quốc đã phát triển một kịch bản nhất quán về ADIZ ở Biển Đông, rằng việc họ có tuyên bố lập một ADIZ ở Biển Đông hay không phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

Máy bay chiến đấu JH-7A của Hải quân Trung Quốc tại căn cứ Ledong, đảo Hải Nam Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Khi nào Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông?

Quyết định lập ADIZ nhiều khả năng sẽ là kết quả của tính toán giữa lợi ích mà nó mang lại và cái giá phải trả. Nếu Trung Quốc đã có kế hoạch công bố ADIZ ở Biển Đông, có lẽ Trung Quốc sẽ làm điều này khi những lợi ích dự kiến vượt qua cái giá dự kiến phải trả. Những lợi ích thu được chủ yếu xuất phát từ các tiện ích của ADIZ trong khi cái giá phải trả sẽ tuỳ thuộc phần lớn vào phản ứng quốc tế. Những tình huống như khủng hoảng Triều Tiên khiến Mỹ cần Trung Quốc ủng hộ hay phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông cũng có thể ảnh hưởng đến phân tích chi phí - lợi ích này. Những sự kiện quốc tế này hoặc có thể trói tay các đối thủ của Trung Quốc hoặc cho phép họ quyết đoán hơn ở Biển Đông. Chúng cũng có thể làm thay đổi các giá trị quân sự, chính trị, pháp lý và ngoại giao mà Trung Quốc có thể trích xuất từ một ADIZ Biển Đông.

Trong khi những lợi ích mà ADIZ mang lại được cho là ít nhiều rõ ràng với Trung Quốc, thì cái giá phải trả lại là một màn sương mù dày của những điều còn chưa chắc chắn. Nhìn chung là sẽ khó đoán biết được phản ứng của các quốc gia khác, và Trung Quốc cũng có thể hiểu sai tín hiệu phát ra từ những phản ứng này. Dự đoán Trung Quốc có tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông hay không đối với các nhà quan sát bên ngoài là một công việc chắc chắn thất bại. Tuy nhiên, những điều không chắc chắn liên quan tới công việc tiên đoán này không phải là vô hạn - có một vài yếu tố [cố định] thiết lập các thông số cho quyết định của Bắc Kinh.

Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông MAI THANH HẢI

- Nếu Trung Quốc muốn sử dụng ADIZ ở Biển Đông cho mục đích quân sự (cảnh báo sớm và chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực), thực thi hữu hiệu là yêu cầu then chốt. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các trang thiết bị cần thiết sẽ là những chỉ dấu quan trọng về thời điểm Trung Quốc thiết lập ADIZ. Trung Quốc có thể chính thức tuyên bố ADIZ khi năng lực thực thi nó đã sẵn sàng, nhưng nếu hoàn cảnh không thuận lợi, Trung Quốc có thể áp đặt các hệ thống cảnh báo sớm và những khu vực cấm xâm nhập dưới những tên gọi khác, hoặc nó có thể mặc nhiên thực thi ADIZ trên thực tế (de facto) mà không tuyên bố công khai.

- Nếu Trung Quốc sử dụng ADIZ để “đánh dấu chủ quyền" (nghĩa là để thế giới biết về chủ quyền của mình trên các vùng lãnh thổ ở Biển Đông và để đạt được sự công nhận hay mặc nhận của quốc tế), hay sử dụng ADIZ như một con bài mặc cả hoặc một công cụ truyền tín hiệu, một tuyên bố chính thức sẽ quan trọng hơn thực thi trên thực tế.

Tiềm năng lợi ích mà ADIZ mang lại khi thực hiện những chức năng này là lớn, nhưng những rủi ro gắn liền với việc tuyên bố cũng là đáng kể. Những rủi ro này cao hơn nhiều so với những rủi ro liên quan tới tuyên bố ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Đó là bởi vì tranh chấp Biển Đông liên quan tới nhiều quốc gia hơn, ADIZ ở Biển Đông sẽ khiến cho số quốc gia chống lại Trung Quốc nhiều hơn. Trong khi thế giới bị bất ngờ với việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông, điều này sẽ không xảy ra với ADIZ ở Biển Đông. Điều này cũng có nghĩa là các đối thủ của Trung Quốc không chỉ có thời để suy nghĩ về phản ứng tốt nhất, mà còn có thời gian để gây áp lực lên Trung Quốc nhằm ngăn chặn Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể tạm thời giảm đi khi một số đối thủ của Trung Quốc cần Trung Quốc hợp tác ở vấn đề khác được ưu tiên hơn.  Ngoài ra, có một số tình huống có thể tạm thời đẩy giá trị của ADIZ ở Biển Đông lên thành một lợi điểm mặc cả hay một tín hiệu về sự quyết tâm. Những khoảnh khắc thế này sẽ tạo thời cơ không thể tốt hơn cho Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông.

Trung Quốc xây đường băng phi pháp trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ảnh vệ tinh chụp tháng 1.2016 REUTERS/CSIS

Kích thước và phạm vi của ADIZ

Nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ ở Biển Đông, phạm vi tối đa của nó sẽ xấp xỉ đường chín đoạn. Phạm vi lớn hơn sẽ chỉ gây ra thêm nhiều phản đối trong khi không mang lại được thêm nhiều lợi ích. Tỷ lệ chi phí - lợi ích của ADIZ sẽ thay đổi theo phạm vi của nó.

Về cơ bản, Trung Quốc có sáu lựa chọn về phạm vi ADIZ ở Biển Đông.

- ADIZ nhỏ nhất sẽ bao phủ quần đảo Hoàng Sa. ADIZ này cũng có thể bao gồm từng phần hay toàn bộ đảo Hải Nam. Một ADIZ như vậy sẽ có số quốc gia chống đối ít nhất. Nó có khả năng sẽ bị Việt Nam, quốc gia cũng yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và Mỹ phản đối, nhưng sẽ tránh được phản ứng mạnh mẽ từ hầu hết các quốc gia khác.

- Kịch bản thứ nhì, Trung Quốc có thể tuyên bố lập ADIZ dọc bờ biển của mình ở Biển Đông kéo dài bao phủ không chỉ quần đảo Hoàng Sa mà còn cả quần đảo Pratas (Đông Sa), cách Hồng Kông 180 hải lý về phía đông nam. Vì quần đảo Pratas hiện được quản lý bởi Đài Loan, ADIZ bao phủ quần đảo này sẽ không chỉ làm tăng thêm số quốc gia phản đối mà còn vô tình tạo cơ hội cho Đài Loan bước lên trường quốc tế.

- Phiên bản thứ ba của ADIZ ở Biển Đông sẽ trải dài từ bờ biển phía nam của Trung Quốc tới các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough cách bờ biển Philippines 100 hải lý. Ít nhất sẽ có Mỹ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines phản đối mạnh mẽ phiên bản này.

- Trong phiên bản thứ tư, ADIZ chỉ bao phủ quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough có thể tránh kích động Đài Loan nhưng vẫn sẽ khiến Mỹ, Việt Nam và Philippines chống lại Bắc Kinh.

- Lựa chọn thứ năm là một ADIZ đầy đủ bao phủ gần như tất cả những khu vực Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông, bao gồm cả Pratas, quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa và các vùng biển giữa và xung quanh những quần đảo này. ADIZ này sẽ có số quốc gia phản đối nhiều nhất nhưng cũng mang lại lợi ích lớn nhất so với các phiên bản khác. Trung Quốc cũng có thể không đặt Pratas vào phiên bản ADIZ đầy đủ, nhưng điều này có thể sẽ không làm giảm đáng kể phản đối từ Đài Loan vì nó vẫn liên quan tới đảo Ba Bình mà Đài Loan đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.

- Lựa chọn cuối cùng cho Trung Quốc là tuyên bố lập ADIZ trên quần đảo Trường Sa và có thể là bao phủ cả bãi cạn Scaborough, nhưng không bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Vì tất cả các bên trong tranh chấp Biển Đông đều có yêu sách ở Trường Sa, phiên bản ADIZ này cũng sẽ vấp phải phản đối từ nhiều quốc gia nhất. Tuy nhiên, nó có thể làm giảm đáng kể rủi ro khi tránh được khả năng Việt Nam lập ADIZ trên quần đảo Hoàng Sa. Một ADIZ của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa có thể sẽ trở thành công cụ đánh dấu chủ quyền của Việt Nam, tạo cơ hội cho Hà Nội quảng bá các hành động thực thi chủ quyền và quản lý ở khu vực mà Trung Quốc đang phủ nhận là có tranh chấp.

Mỹ sẽ không dễ chấp nhận ADIZ của Trung Quốc nếu nước này tuyên bố lập ra trên Biển Đông REUTERS

ADIZ trên Biển Đông sẽ là “lằn ranh đỏ" hay là “lằn ranh da cam"?

ADIZ tiềm tàng của Trung Quốc sẽ không phải là ADIZ đầu tiên ở Biển Đông. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Philippines cũng đã thiết lập một ADIZ vào năm 1953, và Nam Việt Nam cũng có ADIZ tồn tại cho tới khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Nhưng hiện tại ADIZ của Philippines đã không còn hoạt động, và ADIZ của Nam Việt Nam cũng đã không được nước Việt Nam ngày nay giữ lại.

Ngược lại, ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông được coi là rất nguy hiểm và không thể chấp nhận. Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam là tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn tháng 1.2014 là ADIZ "sẽ còn nguy hiểm hơn cả đường chín đoạn" bởi vì nó sẽ đi kèm với những quy định quá đáng hơn là yêu sách đường chín đoạn. Cho rằng Hà Nội có thể coi việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông là không thể chấp nhận được, ông Vịnh cũng nói rằng nó sẽ "làm hại" Việt Nam.

Tương tự nhưng thẳng thắn hơn, cựu ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario, trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh vào tháng 1.2016, cho biết "bất kể việc thiết lập nó [ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông] được thực hiện trên thực tế hay là được tuyên bố chính thức, đối với chúng tôi đây là điều không thể chấp nhận được". Cũng tại buổi họp báo đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói: "Tự do hàng hải và hàng không là không thể thương lượng. Đó chính là lằn ranh đỏ đối với chúng tôi".

Còn lập trường chính thức của Mỹ là một "ADIZ trên những phần của Biển Đông" sẽ được coi là “khiêu khích và gây mất ổn định". Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc không tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Trong khi có thể chắc chắn là một số quốc gia sẽ thách thức ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách này hay cách khác, vẫn chưa rõ liệu ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông có phải là “lằn ranh đỏ" mà vượt qua đó sẽ kích hoạt sự trả đũa dữ dội. Tuy nhiên, phản ứng quốc tế với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông có lẽ sẽ gay gắt hơn so với lúc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông, giống như một thẻ vàng trong bóng đá vậy. Có vẻ như ADIZ ở Biển Đông có ý nghĩa yếu hơn so với “lằn ranh đỏ", có thể gọi nó là “lằn ranh da cam". Theo ý nghĩa này, lằn ranh da cam sẽ tượng trưng cho một đường phân định giữa những gì chấp nhận được và không chấp nhận được, nhưng phản ứng với những gì không thể chấp nhận được có thể có hoặc cũng có thể không đáng sợ nhiều lắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.