Hiện có khoảng 400 cơ sở sản xuất giống thủy sản mọc lên ở đây. Để sản xuất, các trại giống phải hút lượng nước biển rất lớn vào các hồ nuôi, đồng nghĩa với việc xả ra chừng ấy nước thải. Do chưa được đầu tư hệ thống xử lý, nên nước thải tại một số trại giống gây nhiễm mặn mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến các giếng nước của người dân trong khu vực.
Nguồn nước ngầm, nước giếng bị nhiễm mặn ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Điển hình như vùng chuyên canh hành tím thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải rộng khoảng 100 ha, nằm phía nam xã Nhơn Hải, tiếp giáp khu sản xuất giống thủy sản tự phát Nhơn Hải. Do chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi, người dân phải đào giếng nước ngay giữa rẫy để lấy nước sản xuất. Nay hầu hết các giếng nước bị nhiễm mặn nên họ phải vào khu vực dân cư mua đất đào giếng, kéo ống nước dài từ 600 - 800 m ra rẫy; một số hộ thì dùng nước máy hòa với nước giếng để tưới.
Theo ông Trần Kim Biên (thôn Mỹ Tường 2), trước đây giếng nước của gia đình ông cung cấp nước ngọt tưới tiêu quanh năm cho 4 sào (4.000 m2) đất trồng hành tím. Vài năm trở lại đây, nước bị nhiễm mặn nên ông phải lấy nước giếng hòa với nước máy để giảm bớt độ mặn mới có thể tưới cây. Nước máy giá cao (6.600 - 10.000 đồng/m3 tùy theo hạn mức sử dụng) nhưng trong thế “bí” phải sử dụng vào sản xuất. Bình quân mỗi tháng ông phải chi trả từ 3 - 4 triệu đồng tiền nước.
Ông Trần Phú Lạc, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tường 2, xác nhận việc các trại giống xả nước thải thấm xuống đất nên các giếng ở đây đều bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến hơn 100 ha đất trồng cây màu của người dân. Nhiều gia đình khó khăn không có kinh phí đầu tư đường ống dẫn nước ngọt đành phải ngừng sản xuất.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền việc phải xây dựng một kênh mương dẫn nước thải từ khu sản xuất giống đến khu vực khác để tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Lạc nói.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết vùng sản xuất giống thủy sản Nhơn Hải ở 2 xã Thanh Hải và Nhơn Hải hình thành tự phát từ năm 1998. Do chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nên nước thải tại một số trại giống xả trực tiếp xuống hầm rút, thẩm thấu vào đất làm mạch nước ngầm nhiễm mặn, ảnh hưởng đến các giếng nước của người dân.
Bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Chủ tịch UBND H.Ninh Hải, cho biết khu vực sản xuất giống thủy sản Nhơn Hải được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch cách đây hơn 10 năm nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải… do thiếu kinh phí. Theo bà Tuyết, người dân đã nhiều lần phản ảnh tình trạng nhiễm mặn ở khu vực này. Huyện đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra xử lý các cơ sở xả nước thải không đúng quy trình và đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư hạ tầng để giải quyết hài hòa quyền lợi cho người dân.
Bình luận (0)