“Vùng trũng giáo dục”

02/12/2006 00:23 GMT+7

Nhớ có lần trò chuyện với tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chợt trầm giọng: "Tao biết dân miền Trung mày vô Sài Gòn bán mì gõ, trứng cút, bánh xèo, đạp xích lô để lấy tiền nuôi con ăn học, còn ở miền Tây của tao bây giờ lắm con gái lên Sài Gòn bán bia ôm quá!". Anh Sáng cười, nhưng trông mắt anh rất buồn.

Miền Tây - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - với diện tích gần 40.000 km2, với dân số 22 triệu người, với lịch sử khoảng 300 năm, là một vùng đất trẻ, nơi hằng năm cung cấp hơn 50% sản lượng lương thực, nông sản, trái cây cho cả nước, là vựa lúa xuất khẩu đã góp phần quyết định đưa Việt Nam lên hàng thứ hai các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Người nông dân ĐBSCL nổi tiếng năng động trong sản xuất và biến nông phẩm thành hàng hóa. Họ luôn đi đầu trong việc thích ứng với nhu cầu của kinh tế thị trường. Vậy mà, trong thực tế, cho tới nay đây vẫn là"vùng trũng giáo dục" trong cả nước.

Nếu Quảng Ngãi quê tôi là nơi đầu tiên phát hiện ra thực trạng đau lòng: "sáng lớp 6 chiều lớp 1", thì với ĐBSCL, đó là thực trạng khá phổ biến trong giáo dục phổ thông. Vừa có bài báo trên tờ Tiền Phong phản ánh: từ U Minh Thượng (Kiên Giang) đến Năm Căn (Cà Mau), hằng năm ở nhiều trường THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hoặc lên lớp là 100%, trường đạt chuẩn quốc gia rất nhiều, nhưng còn nhiều hơn là những em học sinh dù đã học qua lớp 7 vẫn chưa đọc thông viết thạo, chưa thể làm nổi 4 phép tính cộng trừ nhân chia. Cũng nhiều em phải bỏ học vì "nghe giảng như vịt nghe sấm", vì xấu hổ do bị bạn bè cười. Cứ tưởng chỉ ở những huyện miền núi quê tôi mới có cảnh những lớp học tạm bợ trống trước dột sau, nào ngờ ở ngay những vùng đồng bằng phì nhiêu nổi tiếng nhiều cá tôm lúa gạo, vẫn còn không ít những "trường đá, lớp đạp" theo kiểu "nhà đá nhà đạp" ở miền Tây ngày trước.

Ai cũng biết do điều kiện tự nhiên và xã hội, do cả tập quán cộng đồng và những bất cập mà lịch sử để lại, việc triển khai giáo dục phổ cập tại ĐBSCL đã gặp những khó khăn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể chấp nhận để ĐBSCL tiếp tục là một "vùng trũng giáo dục" so với cả nước. Có gì như một nghịch lý đang xảy ra ở đây mà những người hoạch định giáo dục và văn hóa quốc gia không thể bỏ qua. Nếu nhìn vào cung cách làm ăn, sản xuất của người nông dân ĐBSCL thì ai cũng phải khâm phục họ ở sự năng động và nhạy cảm khi áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu họ nhận được một nền tảng giáo dục tốt hơn, chắc chắn những "tiềm năng" của họ sẽ phát lộ thành những khả năng cụ thể trong sản xuất nông ngư nghiệp. Nhưng nếu cứ duy trì "mặt bằng giáo dục" như hiện tại ở ĐBSCL, thì không ai dám đảm bảo những thế hệ công dân tương lai của vùng đất này sẽ đưa ĐBSCL phát triển một cách trù phú và bền vững. Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề rất bức xúc trong giáo dục tại ĐBSCL chưa được các đại biểu của chính vùng đất này đưa ra một cách đúng mức. Người dân ở đây có thể "sống chung với lũ", nhưng không thể tiếp tục "sống chung với trình độ văn hóa thấp" hay "sống chung với thất học" mãi được! Nếu so với Đồng Tháp Mười thời chiến tranh tôi từng qua, thì bộ mặt Đồng Tháp bây giờ đã hoàn toàn đổi khác. Nhưng nếu các em bé của chúng ta ở đây vẫn chưa được học hành với chất lượng tốt, chưa được học đến nơi đến chốn, thì những thay đổi của vùng đất này vẫn còn ở bề nổi.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.