Vùng ven biển Kiên Giang: Giá 1 khối nước bằng 10 kg gạo

14/05/2015 10:35 GMT+7

Chưa năm nào tình trạng khan hiếm nước ngọt của người dân vùng ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) lại nghiêm trọng như năm nay. Bốn bề hạn, mặn bủa vây; nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn nên bà con nơi đây phải xài nước ngọt từ nơi khác chở đến với giá cao ngất ngưởng.

Chưa năm nào tình trạng khan hiếm nước ngọt của người dân vùng ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) lại nghiêm trọng như năm nay.  Bốn bề hạn, mặn bủa vây; nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn nên bà con nơi đây phải xài nước ngọt từ nơi khác chở đến với giá cao ngất ngưởng.

Hằng ngày, người dân xã Tân Thạnh phải đổi nước từng lu xài Hằng ngày, người dân xã Tân Thạnh phải đổi nước từng lu xài - Ảnh: Hồng Cúc

1 m3 nước  giá 100.000 đồng

Những ngày qua, tại các xã Nam Thái, Nam Thái A (H.An Biên); Thuận Hòa, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tân Thạnh, Đông Hưng A (H.An Minh)… chuyện thiếu nước sinh hoạt còn nóng hơn cả việc bàn tính nuôi tôm, trồng lúa để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong đó, nghiêm trọng nhất là 400 hộ dân tại 2 ấp Sáu Biển và Đồng Giữa do nguồn nước ngầm nhiễm phèn, mặn không sử dụng được nên phải đổi nước ngọt từ nơi khác chở đến với giá gần 100.000 đồng/m3.

Ông Trương Thống Nhất (ngụ ấp Đồng Giữa) cho biết khoảng 15 năm trước, khi vùng này nuôi cá nước ngọt, trồng lúa thì mùa khô còn nước trữ ở ao đìa sử dụng chờ đến khi mùa mưa xuống. Nhưng từ khi chuyển sang mô hình tôm - lúa, mùa khô không còn một giọt nước ngọt để tắm, giặt, nấu ăn; phải “mua” nước ngọt xài với giá mỗi khối gần bằng 10 kg gạo!

Ở xã Nam Thái A tình hình còn bi đát hơn, khi hơn 2.000 hộ dân hiện không còn nước ngọt sử dụng. Theo ông Nguyễn Việt Bình, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A, do tầng nước ngầm bị nhiễm mặn nên hầu hết bà con trong xã phải đổi nước với giá 60.000 đồng/lu (600 lít) để phục vụ sinh hoạt. Với giá này, tính ra mỗi hộ gia đình xài tiết kiệm lắm cũng mất gần 500.000 đồng/tháng tiền nước. Riêng Trạm Y tế xã và Trường tiểu học Nam Thái A1, mỗi tháng chi phí cho tiền đổi nước hơn 1 triệu đồng. Các cán bộ nơi này lo ngại bởi  số tiền nước chi thực tế như vậy nhưng không biết thanh toán vào khoản nào vì ở vùng “sông nước” như Nam Thái A không có mục nào chi cho việc “đổi nước”.

Gian nan xây dựng nhà máy nước

Nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân tại các xã ven biển của H.An Minh cũng sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt nhưng việc đầu tư xây dựng nhà máy nước lại gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND H.An Minh, cho biết huyện cũng tìm nhiều cách để người dân sớm có nước sử dụng nhưng do vốn đầu tư nhà máy nước lớn nên ngân sách chưa đáp ứng được. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân lại ngán ngại đầu tư vì cho rằng xây dựng nhà máy nước giống như đổ một đống tiền xuống đất rồi sau đó phải lượm lại từng đồng, biết bao giờ gỡ vốn.

Thế nhưng đến khi có doanh nghiệp chịu đứng ra xây dựng nhà máy đặt ở xã Thuận Hòa để cho người dân các xã thuộc 2 huyện An Minh, An Biên cùng sử dụng thì lại phát sinh khó khăn khác do một số hộ dân đòi quyền lợi về hoa màu, đất đai, không chịu giao mặt bằng để kéo đường ống kết nối nên đến nay cũng chưa có ai được sử dụng nước sạch từ nhà máy này. 

Trong khi đó, ông Lê Văn Hai, Phó chủ tịch UBND H.An Biên, cho biết mấy năm trước, Công ty cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng nhà máy nước tại xã Đông Thái để phục vụ cho một số xã lân cận. Nhưng chỉ vài năm sau, nước ở đây cũng bị nhiễm mặn nên phải dời vào tuyến QL63 cách vị trí cũ khoảng 3 km về hướng H.Vĩnh Thuận. Tuy nhiên, nhà máy nước này hiện cũng chỉ đáp ứng một phần cho bà con xã Đông Thái, Nam Thái và Nam Yên.

Theo ông Hai, huyện đang kiến nghị tỉnh xem xét xây dựng nhà máy nước tại thị trấn Thứ Ba để phục vụ bà con sinh sống các xã ven biển nhưng kinh phí lên đến 20 tỉ đồng, cộng với kinh phí kéo đường ống khoảng 10 tỉ đồng nữa. Nếu giải pháp này không thực hiện được thì phải kéo đường ống từ  chợ Thứ Bảy (xã Đông Thái) hoặc từ xã Thuận Hòa (H.An Minh) sang với kinh phí ước tính cũng khoảng 13 tỉ đồng. Nhưng kiến nghị đến giờ vẫn chưa được hồi âm.

“Để giúp bà con vượt qua khó khăn, trước mắt, huyện vận động nhà hảo tâm tặng lu cho bà con nghèo trữ nước mưa sử dụng trong mùa khô; hỗ trợ tiền nước cho hộ nghèo… chứ chưa có giải pháp nào khác hơn”, ông Hai nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.