Vườn cây ăn trái Lái Thiêu hồi sinh

15/04/2013 10:35 GMT+7

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thuộc TX.Thuận An, Bình Dương), trong những năm qua đã bị “bức tử” bởi nguồn nước, triều cường, sâu bệnh... Bằng nhiều nỗ lực của người dân và chính quyền, đến nay vườn cây trái ở đây đang được hồi sinh.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải dài trên địa bàn các xã An Sơn, Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm (thị xã Thuận An) với trên 1.230 ha. Toàn bộ khu vực vườn cây được bao bọc và hưởng nguồn nước tưới tự nhiên của sông Sài Gòn. Đất đai phì nhiêu, nhiều loại cây ăn trái có hương vị đặc trưng như măng cụt, mít tố nữ, dâu, sầu riêng... là đặc sản của vùng này. Bên cạnh đó, không khí ở đây rất mát mẻ đã hình thành những khu du lịch miệt vườn và là điểm đến của nhiều du khách. Tuy nhiên, một thời, vườn trái cây Lái Thiêu đã bị chìm lắng. Nhiều vườn cây bị thất mùa, mất trắng do ô nhiễm, ngập úng, sâu bệnh phá hoại khiến năng suất và chất lượng trái cây giảm sút nghiêm trọng. Thương hiệu trái cây Lái Thiêu cũng bị mất dần bởi không tạo được sự phong phú, thu hút người tiêu dùng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ các khu công nghiệp đổ về, kéo theo tình trạng sâu bệnh phá hoại khiến cây trái còi cọc, vàng úa.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu hồi sinh
Măng cụt cho năng suất 70% đã là được mùa đối với vườn Lái Thiêu - Ảnh: Huy Anh

Để “cứu” vườn trái cây Lái Thiêu, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân khôi phục lại vườn cây. Nguyễn Văn Dội (52 tuổi, xã Hưng Định), chủ vườn cây số 99, cho biết từ khi thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu hoàn thành, các nhà vườn cũng tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương khắc phục tình trạng ngập úng, đất đai nhiễm phèn. Quyết định của UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ vốn đã tạo điều kiện cho người dân quyết tâm khôi phục lại các vườn cây. Ông Dội nói: “Rất may được nhà nước hỗ trợ 20% phân bón nên gia đình tôi khôi phục lại được 1,5 ha vườn với 400 gốc măng cụt và 20 gốc mít tố nữ”. Bà Nguyễn Kim Hương (50 tuổi), chủ vườn Hồng Vân (xã Hưng Định) cho biết người dân ở đây đã được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, bón phân hợp lý, xử lý đất bị nhiễm phèn, góp phần cho vườn cây trái hồi sinh. Bà Hương cho biết: “Dù chỉ đạt khoảng 70% sản lượng măng cụt so với những năm trước đây, nhưng như vậy cũng là được mùa rồi! Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng về nhiều mặt, trong năm 2013, trái cây Lái Thiêu được đưa ra thị trường sẽ chất lượng hơn nhiều”.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Định, cho biết ngoài những biện pháp, phương án khôi phục lại vườn cây ăn trái của UBND tỉnh Bình Dương đề ra thì việc quyết tâm của người là rất cần thiết. Theo ông Hưng: “Hiện tại, ngoài việc vận động bà con trong vùng trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn thì chính quyền địa phương đang vận động những hộ thu mua, buôn bán trái cây thực hiện bán giá hợp lý cho khách, không trà trộn trái cây vùng khác để thu lợi. Đảm bảo du khách được thưởng thức đúng hương vị trái cây của vùng đất Lái Thiêu”.

Tổ chức lễ hội trái cây Lái Thiêu

Theo dự kiến, từ khoảng đầu tháng 6.2013, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Bình Dương sẽ tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013”. Lễ hội được tổ chức tại xã Hưng Định và nhiều địa điểm khác thuộc vườn trái cây Lái Thiêu của TX.Thuận An với con đường trái cây và khoảng 100 gian hàng tham gia. Ngoài ra, lễ hội còn có khu triển lãm trái cây đặc trưng vùng Lái Thiêu, các tỉnh, thành Nam Bộ; khu triển lãm sản phẩm của làng nghề nông thôn Bình Dương và các hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm “Hương sắc miệt vườn”.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.