Đất lành chim đậu
Khu vườn cò rộng trên 14.000 m2 của anh Trương Minh Thắng tọa lạc tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, cách trung tâm H.Thới Bình gần 7 km và cách TP.Cà Mau chưa đầy 30 km. Chỉ tay về phía lùm cây xanh um đầy những tổ cò, anh Thắng say mê nói: “Ngoài diện tích đất nuôi tôm, tôi được cha mẹ chia cho cái vườn cò này. Năm 1990, nơi đây được trồng tràm, tre, trúc, bạch đàn và một số cây khác với ý định ban đầu là tạo bóng mát để thả cá. Nhưng không ngờ chim cò không biết ở đâu cứ chiều đến bay về ngày một nhiều”. Đến nay, ước tính vườn cò có trên 10.000 con, với khoảng 20 loài; nhiều nhất là các loại cò trắng, cò quắm... Kế đó là cồng cộc, bồ nông, diệc, chim cú, thậm chí có loài chim rất lạ. Chiều xuống, từng đàn cò từ bốn phía đổ về rợp cả bầu trời. Khu vườn càng rộn ràng thêm bởi những âm thanh hoang dã.
|
Đến nay, ở H.Thới Bình chỉ duy nhất vườn cò của anh Trương Minh Thắng là có số lượng chim đông đảo. Đặc biệt, chủ nhân của vườn cò không bao giờ khai thác, săn bắt chúng. Thường thì vào lúc nửa đêm, dù trời mưa gió, anh vẫn cầm đèn pha ra vườn, quan sát từng cử động của chúng. Không ít lần anh bắt gặp những chú cò bị thương, nằm bất động dưới tàn cây, anh đã đem về chăm sóc, rồi thả chúng về lại tự nhiên. “Những lúc như vậy, tôi cảm thấy rất yêu thiên nhiên, yêu sự thanh bình của quê hương, xứ sở mình”, anh Thắng bộc bạch.
Đau đáu một ý tưởng
Thấy được tiềm năng để phát triển du lịch và quảng bá thế mạnh của địa phương, đồng thời nhận được sự ủng hộ của chính quyền xã Biển Bạch Đông và các ngành chức năng H.Thới Bình, anh Thắng đã mạnh dạn lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp vườn cò trở thành điểm tham quan, du lịch sinh thái (DLST) hấp dẫn. Đây cũng là cách để bảo vệ, giữ gìn môi trường thiên nhiên hoang dã, độc đáo ở vùng đất này. Mặc dù vườn cò hiện còn khá đơn sơ, nhưng khách tham quan từ Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre khi đặt chân đến Cà Mau vẫn thường về đây để thư giãn, thưởng thức cuộc sống hoang dã và quan sát hoạt động của chim cò. Hơn 10 năm qua, vườn cò còn là điểm đến của các nhiếp ảnh gia ở Cà Mau, ĐBSCL và TP.HCM. Có không ít những bức ảnh đẹp ghi lại những khoảnh khắc hoang dã của đàn cò đã ra đời từ đây.
Chủ nhân vườn cò cho hay, ý tưởng về việc xây dựng một khu DLST đã ấp ủ trong anh từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi nhiều lý do. Anh cho biết do vườn cò nằm ngay cạnh đường hành lang ven biển phía nam nên đã bị giải tỏa khoảng 3.000 m2 để làm con đường trên. Trước năm 2006, anh có gửi đơn đến các ngành chức năng của H.Thới Bình và đã được cho phép trồng khoảng 4 ha tràm để xây dựng khu DLST. Anh có ý định di dời một phần vườn cò hiện tại vào sâu bên trong để tránh sự xáo trộn và tạo sự yên tĩnh, an toàn cho đàn cò khi con đường hoàn thành. Để khôi phục và mở rộng vườn cò, anh Thắng dự định xây mới bờ kè chắn nước và tường rào, nạo vét kênh mương; đồng thời trồng tre, trúc, cẩm lai, keo lai... . Ngoài việc trồng mới 4 ha tràm, anh sẽ xây một bờ kè dài trên 800 m bao quanh và tường rào cao 2,5 m, có lối đi xung quanh vườn cò để tạo không gian thoáng mát, thư giãn cho du khách.
Dự định là vậy, nhưng số vốn để biến ý tưởng thành hiện thực tương đối lớn, gần như ngoài khả năng của anh. Thắng cho biết anh đang làm đơn nhờ các ngành chức năng của huyện và tỉnh, trong đó có Ban Giải phóng mặt bằng đường hành lang ven biển phía nam nhờ xem xét hỗ trợ một phần vốn để giúp anh hoàn thành ước mơ của mình.
Chí Tín
>> Hồi sinh vườn Cơ Hạ
>> Về thăm vườn cò Tân Long
>> Phục hồi vườn Cơ Hạ
Bình luận (0)