Những chậu kiểng mai vàng, mai chiếu thủy, ngâu, hoàng hậu đỏ, sộp, sứ, khế, sung, lài, trang, bằng lăng, tùng… u nần, xù xì có vẻ đẹp rất riêng, khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Ở đây, hầu như cây kiểng nào cũng mang dáng dấp vừa độc đáo vừa cổ kính, mỗi cây có đường kính từ 0,3 - 1,8 m. Có cây toàn thân xù xì, nổi từng cục như mai chiếu thủy; có cây nu hai, ba cục ở thân như mai vàng; lại có cây thân phình bự gấp 10 lần gốc như khế…
Kiểng của anh thuộc dạng bonsai. Mỗi chậu bonsai là một vũ trụ thu nhỏ, có vẻ đẹp lạ lẫm, sống động theo thời gian. Những cây mới mua về chưa đúng thế anh tự cắt tỉa, uốn sửa theo nhiều thế như: ngọa long, thác đổ, bạt phong hồi đầu, tam đa, ngũ phúc, thất hiền… Mỗi cây có giá khoảng vài chục triệu, đặc biệt cây ngâu Pháp giá khoảng 200 triệu đồng. Kiểng của anh đã nhiều lần đem đi trưng bày triển lãm nhiều nơi trong nước và đạt giải. Mới đây, cây bông trang của anh được chọn là một trong những tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu Việt Nam năm 2012.
Hằng ngày, sau khi hoàn thành mọi công việc của một viên chức, anh Thông dành toàn bộ thời gian cho vườn kiểng. Tình yêu cây kiểng đã làm cho tâm hồn anh thánh thiện. Mỗi khi Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi anh làm việc) có những mảnh đời cơ nhỡ hoặc bệnh thập tử nhất sinh, anh thường bỏ tiền ra và vận động bạn bè quyên góp tiền để giúp đỡ, cứu chữa.
Có một điều ít người biết là trong những lúc chăm sóc cây kiểng, anh Thông thường mở những bản nhạc có giai điệu mượt mà, du dương, trầm ấm tình yêu quê hương đất nước. “Hình như cây kiểng cũng thích nghe nhạc. Chơi những cây nu, xù lâu năm mình hiểu được tánh tình của nó và hình như những gốc cây cũng hiểu được mình”, anh Thông thổ lộ.
|
Thanh Hương
Bình luận (0)