Vườn quốc gia Cúc Phương lần đầu tiên cứu hộ được voọc xám vô cùng quý hiếm

17/11/2021 15:35 GMT+7

Lần đầu tiên, Vườn quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ được 2 cá thể voọc xám . Đây là loài linh trưởng vô cùng quý hiếm được bảo hộ bằng quy định pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế.

Ngày 17.11, Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, Đội cứu hộ của Chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) của đơn vị này phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cứu hộ thành công 2 mẹ con voọc xám do gia đình anh Trịnh Đức Mạnh (trú tại TT.Lang Chánh, H.Lang Chánh, Thanh Hóa) bàn giao.

Anh Mạnh cho biết, gia đình đã phát hiện 2 cá thể voọc này bên sườn núi, trong tình trạng mệt mỏi nên đưa về nhà và liên hệ với lực lượng kiểm lâm để tiến hành bàn giao.

Ngay sau khi tiếp nhận, 2 cá thể voọc được đưa về khu cách ly đặc biệt tại EPRC Cúc Phương để các bác sĩ chăm sóc, hồi phục tâm lý. Trong đó, voọc con là cá thể đực, khoảng 4 - 5 tháng tuổi, nặng khoảng 1 kg.

2 mẹ con voọc xám vừa được EPRC Cúc Phương cứu hộ thành công tại Thanh Hóa

Vườn Quốc Gia Cúc Phương cung cấp

Qua xác minh ban đầu, Vườn quốc gia Cúc Phương xác định, 2 cá thể thuộc loài voọc xám, tên khoa học Trachypithecus crepusculus - loài vô cùng quý hiếm, được bảo hộ tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo các chuyên gia của EPRC Cúc Phương, hiện chỉ còn khoảng 500 cá thể voọc xám phân bố ngoài tự nhiên.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Khoa học hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Cúc Phương, kiêm Giám đốc Dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, cho biết đây là lần tiên cứu hộ và tiếp nhận được một cá thể voọc xám có giới tính đực. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn, nhân nuôi loài voọc quý hiếm này trong thời gian tới.

Cũng theo ông Cường, với 2 cá thể vừa cứu hộ thành công, EPRC Cúc Phương hiện có tất cả 6 cá thể cái và 1 cá thể đực. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để chăm sóc các cá thể này sinh trưởng, phát triển tốt vì đây sẽ là nguồn gen vô cùng quý hiếm cho việc phát triển loài voọc xám trong tương lai", ông Cường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.