Tàu của DN Bích Thanh lên đường thu mua hải sản ở Trường Sa và Hoàng Sa - ảnh QH |
Sáng ngày 26.4, Bộ đội biên phòng cửa biển Phan Thiết đã xuất lệnh cho gần 45 lao động của DN thu mua hải sản Bích Thanh lên đường đi thu mua ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Bán ngay trên biển
Anh Hoàng Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Bình Hưng 3 (TP. Phan Thiết) được mệnh danh là “sói biển” của Bình Thuận. Không phải vì anh là chủ của 3 tàu cá lớn, mà bản thân anh được phong là “chiến sĩ” Trường Sa của P.Bình Hưng (TP. Phan Thiết) bởi mỗi năm anh có đến 4-5 tháng “trụ” ở vùng biển này . Cả 3 tàu cá của anh đã ra khơi gần một tháng nay chưa về. Dẫu lênh đênh trên biển, nhưng thông qua máy bộ đàm và điện thoại di động, anh thông báo đã bán được một đợt cả 3 tàu cá vài chục tấn ngay trên ngư trường mà anh đang đánh bắt, chỉ cách đảo Trường Sa vài hải lý. Anh Toàn nói: “Đang mùa cá tấp nập, không thể vào bờ được. Kiếm tiền bù lại những chuyến ra khơi lỗ vốn năm trước”.
Anh Bảy Tú, chủ tàu cá ở xã Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý) cho hay, mùa này các tàu lớn của ngư dân đảo Phú Quý đều đi làm ăn xa khơi. Trước đây, ít tàu thu mua, bà con cứ đầy khoang là phải vào bờ bán cá. Bây giờ có tàu cá ra tận Trường Sa và các đảo lân cận thu mua. “Mình chỉ cần bán cá là người ở nhà đã lấy tiền. Ba cha con tui có khi 2 tháng mới về nhà. Dù lênh đênh trên biển nhưng trong khoang tàu không thiếu thứ gì. Đó là nhờ tàu dịch vụ hậu cần thu mua đem ra phục vụ tất cả”- ngư dân Bảy Tú kể.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy cho biết, toàn tỉnh này hiện có đến 367 tàu cá đăng ký đánh bắt ở biển xa, trong đó 153 tàu đăng ký đánh bắt thường xuyên trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Số tàu đang thay mới mới có công suất lớn hơn để đi biển xa ngày càng đông tại Bình Thuận. Theo ông Huy, đội tàu đi Trường Sa chủ yếu làm nghề rập mực, lưới vây rút…. Năm nay ngay từ mùng 6 Tết Nguyên đán đã có 40 tàu cá đi Trường Sa, và có tàu “cắm biển” đến 2-3 tháng mới vào bờ. “Sở dĩ năm nay bà con ngư dân phấn khởi đi biển xa là vì ngư trường năm nay trúng lớn. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ đã phát huy ngay lập tức”- Chi cục trưởng Thủy sản Bình Thuận nói.
Hàng trăm tàu thu mua
Theo UBND H. Phú Quý, hiện nay trên đảo có tới trên 60 tàu lớn làm dịch vụ, thu mua hải sản trên biển. Các tàu lớn nhất tập trung vào các HTX vì được ưu đãi vốn vay nên hoạt động thường xuyên trên biển dài ngày.
Anh Đỗ Văn Thanh- Chủ DN thu mua hải sản Bích Thanh (Cảng cá Phan Thiết) cho biết, hiện giờ là mùa cá ở Trường Sa và Hoàng Sa. Theo anh Thanh, hiện có hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào đang hoạt động tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, anh huy động mọi nguồn nhân lực và tung cả 3 chiếc tàu thu mua “khủng” của mình ra khu vực này để mua cá. Với công suất mỗi tàu cá có thể chứa 200 tấn cá, đội tàu của anh Thanh có thể hoạt động hàng tháng trời trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ thu mua, mà tàu của anh còn cung cấp đá cây, dầu máy và các nhu yếu phẩm cho bạn chài.
“Cùng với các chính sách ưu đãi cho ngư dân mà chính phủ vừa mới triển khai, mô hình thu mua hải sản trên biển đang giúp bà con ngư dân sản xuất ổn định trên vùng biển xa. Chúng tôi khuyến khích bà con đóng tàu lớn để có điều kiện vươn ra biển Trường Sa đánh bắt dài ngày hơn vì đã có tàu dịch vụ thu mua hỗ trợ”, ông Huỳnh Quang Huy-Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết.
Quế Hà
Bình luận (0)