Có đến 260 học sinh ở nội trú (chia thành 8 phòng), nên ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước và để đảm bảo bữa ăn, nhà trường huy động giáo viên, những người hảo tâm trợ giúp thêm gạo, muối, mì chính… cho các em, đặc biệt là tổ chức trồng rau xanh. Cứ vào đầu năm học, mỗi phòng được giao nhận chừng 70m2 để trồng rau theo chế độ “khoán sản phẩm”, và nhà trường khuyến khích học sinh bán sản phẩm rau sạch cho nhà trường bằng với giá thị trường.
Ban đầu, nhà trường cho học sinh ứng vốn để mua giống, cuối vụ các em hoàn trả từ nguồn bán rau. Cách thức này kích thích học sinh hăng say lao động. Hằng ngày, sau giờ học, các em tự giác phân công đến vườn rau để cuốc đất, nhổ cỏ, chăm sóc rau… Hình ảnh học sinh vùng cao lúi húi chăm sóc rau ngoài vườn hay hồn nhiên nơi bếp ăn tập thể sẽ gây xúc động cho bất kỳ ai đến với xã vùng biên này. Em Bling Thị Ca, lớp 9/3 hồ hởi: “Phòng của em đạt năng suất cao nhất đợt vừa rồi. Em và các bạn rất thích làm rau ở khu nội trú, các phòng thi đua nhau làm nên không khí lao động rất sôi nổi”. Để có những luống rau xanh tốt, đủ dinh dưỡng và an toàn, nhà trường phân công 16 thầy, cô giáo hướng dẫn, tư vấn cho các em lao động, chăm sóc rau. Ating Quang, học sinh lớp 8/1 cho biết các em trong nhóm cũng biết vận dụng kiến thức học được trên lớp để trồng rau sạch, vì ngán thứ rau nhiễm thuốc kích thích “như trên ti vi hay nói”. Đến thời điểm thu hoạch, học sinh thu hoạch, cân khối lượng và nộp vào bếp ăn khu nội trú. Hằng tháng, mỗi phòng nộp khoảng 25kg rau. Theo giá rau thị trường 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản như tiền mua giống, học sinh khu nội trú thu lãi 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngoài việc được ăn rau sạch, các em có thêm tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập.
Cô giáo Lê Thị Thúy Phúc, người trực tiếp hướng dẫn học sinh trồng rau, tỏ ra vui mừng trước không khí lao động và cho hay sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm kỹ thuật. Để khích lệ, cứ khoảng 2 tuần nhà trường tổ chức thăm vườn rau và nhận xét, tuyên dương những chủ vườn rau xanh tốt. “Mô hình này giúp giải quyết phần nào khó khăn cho thầy trò chúng tôi, như khơi dậy tính tự lập, giúp các em có thêm kỹ năng sống, tính kỷ luật và lao động. Nhất là chúng tôi duy trì số lượng học sinh, giảm thiểu tình trạng bỏ học”, thầy giáo Huỳnh Phước Tài, hiệu trường nhà trường tâm sự.
Bài, ảnh: Lê Quang Quỳnh
Bình luận (0)