Vườn thuốc nam online: Thích thú dự án bảo tồn thuốc nam của người trẻ An Giang

12/10/2019 07:59 GMT+7

Thay vì những bảng tên truyền thống, giờ đây mỗi cây thuốc nam tại Vườn thuốc nam của sinh viên trường Đại học An Giang (Thành phố Long Xuyên, An Giang) được gắn với một mã QR giúp hiển thị thông tin chi tiết về cây thuốc như tên khoa học, công dụng, vùng phân bổ, trích dẫn từ sách uy tín… "Vườn thuốc nam online" là sáng kiến của bạn Nguyễn Văn Thuận (sinh viên năm 2, Đại học An Giang) hướng đến việc bảo tồn dữ liệu cho các cây thuốc quý.

"Vườn thuốc nam online" là dự án do bạn Nguyễn Văn Thuận (sinh viên năm hai, Đại học An Giang) ấp ủ thực hiện từ tháng 8.2018. Đến nay, 30/80 loại cây thuốc tại vườn đã được gắn mã QR. Đó là những cây thông dụng như: lược vàng, lưỡi mèo, huyết dụ, atiso đỏ... hay các loại quý hiếm như mật nhân, sâm đất...
"Bảng tên truyền thống trước đây hiển thị được rất ít thông tin. Các bạn tình nguyện viên hay người dân đến vườn có thể đi ngang qua cây thuốc nhưng vẫn không dễ dàng nhận biết đó là cây gì, công dụng chữa bệnh như thế nào. Mình bắt đầu nghĩ ra việc làm mã QR để việc lưu trữ thông tin và tra cứu dễ dàng hơn. Mình nghĩ việc ứng dụng công nghệ sẽ kích thích các bạn tò mò, thích thú hơn khi học về cây thuốc. Thêm vào đó, mã này có thể chia sẻ được cho các vườn thuốc khác trong khu vực.", Thuận chia sẻ. 
Bạn Nguyễn Văn Thuận hướng dẫn các bạn sinh viên quét mã QR.
Ảnh: Huỳnh Trang
Mã QR kích thích sinh viên tìm hiểu nhiều hơn về cây thuốc nam.
Ảnh: Huỳnh Trang
Hiện tại mã QR được phát triển thành hai loại là mã online và offline. Mã offline có thể truy cập được khi không có internet nhưng nội dung hiển thị chỉ giới hạn trong 300 chữ. Riêng với mã online, các bạn có thể đọc được nhiều thông tin hơn về cây thuốc, không chỉ là tên khoa học, công dụng, vùng phân bổ, mà còn là những trích dẫn từ các đầu sách có uy tín. Thêm vào đó, người dùng có thể phản hồi trực tiếp thông qua mã và khảo sát được vị trí của các cây dược liệu trong một khu vườn nào đó. 
"Ngành dược liệu là một trong những thế mạnh của Việt Nam đặc biệt là ở trong vùng An Giang, do nhu cầu khai thác quá mức những cây dược liệu quý hiếm nên chúng em mục đích hướng tới là bảo tồn nguồn giống, nhân giống ra để cung cấp một sản lượng thuốc cho người dân sử dụng.", Thuận chia sẻ mong muốn phát triển vườn thuốc nam. 
Sinh viên CLB Vườn thuốc nam còn giúp người dân trồng cây thuốc.
Ảnh: Huỳnh Trang
Bạn Thanh Phong chia sẻ cây thuốc với người dân trong vùng.
Ảnh: Huỳnh Trang
Từ năm 2016, CLB Vườn thuốc nam bắt đầu chỉ với 10 thành viên và mảnh đất 30m2 để trồng các loại cây đinh lăng, lô hội. Đến nay, khu vườn đã là nơi thân thuộc của hơn 100 tình nguyện viên, rộng 1.500m2 và bảo tồn được nhiều loại cây thuốc quý. Bên cạnh các cây được người dân cho giống, các bạn còn tổ chức lên núi Sam, núi Cấm, núi Sập, núi Dài để sưu tầm thêm các loại cây thuốc ít có ở vùng đồng bằng.
Bạn Mai Thanh Phong, thành viên CLB Vườn thuốc nam trăn trở: "Thời buổi hiện đại, mọi người chú trọng đến cái nhanh nên hay lựa chọn Tây y. Mình nghĩ những cây thuốc nam quý hay những tri thức về thuốc nam cũng giống như người già sẽ mất đi, chúng cũng sẽ mai một theo. Nếu không bảo tồn, các loại cây đó sẽ bị tuyệt chủng. Vậy nên tụi mình cố gắng bảo tồn, lan tỏa và chia sẻ cây thuốc quý cho càng nhiều người càng tốt."
Vườn thuốc nam rộng 1.500m2 của sinh viên đại học An Giang.
Ảnh: Huỳnh Trang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.