Vườn trôm trên đỉnh Gồ Răng

03/12/2013 13:45 GMT+7

Nhiều nông dân ở khu vực núi đá Gồ Răng, xã Phước Nam, H.Thuận Nam (Ninh Thuận) khá lên nhờ cây trôm.

Vườn trôm trên đỉnh Gồ Răng
Vườn trôm của ông Song - Ảnh: Thiện Nhân

Sau hơn 1 giờ chạy xe máy men theo con đường mòn quanh co, trước mắt chúng tôi là hàng trăm hetta cây trôm đang phát triển xanh tốt ở trên triền núi đá Gồ Răng. Anh Bá Viết Đạt, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước, cho biết khu vực quanh núi Gò Răng vốn rất khô cằn, nông dân sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, sau khi nghiên cứu, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước chủ động ươm giống, cấp phát cho nông dân trồng cây trôm trên diện tích đất khô cằn để phát triển vốn rừng và đem lại thu nhập cho người trồng rừng. Từ đó, cây trôm đã bén duyên trên đỉnh núi Gồ Răng như những vườn cao su ở khu vực Đông Nam bộ.

Ông Thiên Song (60 tuổi), người dân địa phương cho biết, trước đây cây trôm đã mọc nhiều trên đỉnh núi Gò Răng. Đến mùa khô, họ rủ nhau đi lấy mủ, bán cho các thương lái đưa về thành phố chế biến nước giải khát. Vì không biết cách lấy mủ, thậm chí có người đã khai thác tận diệt bằng cách vạt vỏ cây non hoặc đốt thân cây để lấy mủ…nên cây trôm dần biến mất. Đầu năm 2002, được sự hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, ông Song đã trồng 5 ha cây trôm ngay hàng thẳng lối, trông rất đẹp mắt. Theo ông Song, trôm vốn là cây lâm nghiệp nên việc trồng và chăm sóc rất đơn giản. Chi phí đầu tư từ ngày xuống giống đến thu hoạch (6 năm) vào khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng đem lại hiệu quả rất cao. Chỉ tính riêng mùa thu hoạch vừa qua, gia đình ông thu được 2 tấn mủ khô; với giá dao động từ 110 - 150 đồng/kg mủ khô, trừ chi phí ông Song thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Từ thu nhập ổn định, nhiều gia đình trồng cây trôm ở núi Gò Răng đã thoát nghèo.

Theo một cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trôm có tên khoa học Stereulia Foetida là loại cây rừng bản địa, phát triển tốt ở những vùng đất khô hạn. Hầu hết các diện tích đất bạc màu, không chủ động được nước tưới người dân chuyển sang trồng cây trôm. Cây trôm càng lớn thì cho mủ càng nhiều, bình quân mỗi cây thu từ 1 - 2 kg mủ/năm. Kỹ thuật lấy mủ trôm cũng tương tự như cách lấy mủ cao su. Trên thân cây, người ta đục nhiều lỗ vuông (chừng 4 cm2) để nhựa (mủ trôm) tiết ra, đông thành từng cục nhỏ bám vào vỏ cây. Mủ trôm kỵ nước mưa, nên chỉ khai thác được trong những tháng mùa khô.  

Giá trị lớn nhất của cây trôm là mủ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mủ trôm có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, hỗ trợ điều trị đối với những bệnh về gan mật, mụn nhọt… Ngoài ra, mủ trôm được dùng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm. Theo ông Ung Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Dương Thảo (chuyên sản xuất bột khô và nước giải khát từ mủ trôm), thị trường trong nước rất ưa chuộng sản phẩm nước giải khát từ mủ trôm. Hiện tại, sản phẩm mủ trôm Dương Thảo đã có mặt tại các siêu thị trong nước. Để mở rộng thị trường, Công ty ông đang xúc tiến giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng các nước trong khu vực.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.