Sự thất bại trong cơ chế quản lý

25/10/2022 08:04 GMT+7

Thảo luận luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự luật vẫn chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ của ngành y như tự chủ bệnh viện công, tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh hay vấn đề xã hội hóa trong y tế.

Ngày 24.10, thảo luận luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cho rằng dự luật vẫn chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ của ngành y như tự chủ bệnh viện (BV) công, tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) hay vấn đề xã hội hóa trong y tế.

Theo ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai), vấn đề về vướng mắc nhất hiện nay đó là chi phí KCB, song trong dự thảo luật vẫn chưa giải quyết được.

ĐB Long cho rằng, nếu tiếp tục không tính đúng, tính đủ thì đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ sẽ phải tiếp tục hy sinh khi bị hạ thấp chế độ, chính sách để bù đắp chi phí.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đồng tình phải tính đúng, tính đủ chi phí KCB, song đề nghị phải quy định “không làm tăng chi phí người dân”. “Mục tiêu là để cho các cơ sở, BV tự chủ được thì chúng ta cần tính đủ cho KCB. Số tiền bù ra sẽ do ngân sách, và các Quỹ BHYT khác nhau. Nếu tính đúng, tính đủ theo cách có sự bù của ngân sách, của các quỹ BHYT thì tôi nghĩ các BV huyện, BV tỉnh cũng có thể triển khai được”, ông Hiếu nói.

ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị quy định cụ thể giá KCB của cơ sở KCB nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giá KCB theo yêu cầu của cơ sở KCB nhà nước và cơ sở KCB thành lập theo phương thức đối tác công - tư do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như thế, giá KCB của cơ sở y tế nhà nước sẽ được áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng giữa các đơn vị, giữa các đối tượng có cùng thẻ BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB khi triển khai thực hiện, đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực khi xây dựng giá KCB của đơn vị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: "Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ là thất bại trong cơ chế quản lý"

Liên quan nội dung trên, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết nhiều người ngỡ ngàng khi nghe tin những BV lớn như BV Bạch Mai, BV K (Hà Nội), có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ, nhưng lại xin thôi cơ chế tự chủ, quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách. “Nhiều người chung nhận định việc cán bộ y tế xin nghỉ BV, các BV lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải lại xin thôi tự chủ là sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý với BV công lập”, ông Cường nói.

ĐB này cũng đề nghị, cần quy định rõ những điều kiện để BV được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau. Ngoài ra, với cơ chế giá dịch vụ y tế tại cơ sở KCB tự chủ khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, phải đảm bảo giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật. BV tự chủ cũng được cần tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi, tiền lương, đầu tư mua sắm...

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thì ví von “tự chủ cũng như một dòng sông được khơi thông, thì con thuyền là các BV công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi, còn nếu không xác định cẩn thận rất dễ bị đánh đắm thuyền”. Theo ĐB này, thực tế vừa qua BV Bạch Mai hay BV K gần như là “con thuyền bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn”, đặc biệt 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được.

Về vấn đề xã hội hóa, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhìn nhận: “Phải coi y tế công là nền tảng để phát triển, chăm lo cho những người yếu thế, còn y tế ngoài công lập phải được coi là động lực phát triển, thay đổi nền y tế”, ông Hiếu nói.

Nghị trường quốc hội “nóng bỏng” với dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.