Sáng 25.5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc kiến nghị quan tâm chủ trì giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính giữa địa phương này với Kon Tum và Quảng Ngãi.
Hơn 1.000 nhân khẩu 'mắc kẹt' trên đất Kon Tum
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, Quảng Nam và Kon Tum đang có vướng mắc về địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh (H.Nam Trà My, Quảng Nam) và xã Đắk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum).
Cụ thể, xã Trà Vinh có 472 hộ với gần 2.000 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay trên địa bàn của 3 thôn. Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, nảy sinh vướng mắc về địa giới hành chính, đường địa giới hành chính không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.
Trong đó, toàn bộ thôn 3 của xã Trà Vinh với 238 hộ dân, hơn 1.000 khẩu (100% là đồng bào dân tộc thiểu số) đang sinh sống và canh tác trên địa bàn của xã Đăk Nên.
Tổng diện tích khu vực chồng lấn gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10 km; diện tích thực tế khu vực có người dân xã Trà Vinh sinh sống được khoanh vẽ hơn 3.000 ha.
Điều đáng nói, từ năm 2008 - 2021, các ngành, địa phương của Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức làm việc với các ngành, địa phương liên quan của Kon Tum nhưng hai bên chưa thống nhất phương án giải quyết.
Sau đó, Quảng Nam và Kon Tum đã thành lập tổ khảo sát liên ngành để khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp.
Kết quả khảo sát, có trên 99% hộ dân xã Trà Vinh đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích thôn 3, xã Trà Vinh (phần nằm trên địa phận xã Đăk Nên) về xã Trà Vinh.
100% hộ dân không đồng ý chuyển hộ khẩu sang Quảng Ngãi
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay giữa địa phương và Quảng Ngãi cũng đang tồn tại vướng mắc về địa giới hành chính giữa xã Trà Giáp (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) và xã Trà Thanh (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi).
Tổng diện tích tự nhiên khu vực vướng mắc là 789,6 ha. Tại khu vực này, có 97 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc thiểu số Kor) của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ổn định từ bao đời nay. Tuy nhiên, hồ sơ địa giới hành chính theo bản đồ 364 thì lại thuộc địa phận xã Trà Thanh (H.Trà Bồng).
Những năm qua, khu vực này đã được Quảng Nam đầu tư điện lưới quốc gia, xây dựng kiên cố 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo... Đồng thời, người dân nơi đây có nguyện vọng được điều chỉnh địa giới hành chính về xã Trà Giáp cho phù hợp với thực tế và thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng hiện nay.
Về vấn đề địa giới hành chính, 2 địa phương đã nhiều lần bàn bạc nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết. Tháng 9.2023, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã thành lập tổ khảo sát liên ngành để khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân tại khu vực chồng lấn.
Kết quả, 100% hộ dân được lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Trà Giáp và xã Trà Thanh (điều chỉnh phần diện tích 786,9 ha đất các hộ dân xã Trà Giáp đang sinh sống thuộc địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Giáp quản lý); 100% hộ dân Quảng Nam không đồng ý chuyển hộ khẩu sang tỉnh Quảng Ngãi.
Từ thực tế quản lý và nguyện vọng của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức làm việc để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về địa giới hành chính.
Trong đó, về tuyến địa giới hành chính với Kon Tum, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống (hơn 3.001 ha) thuộc địa phận của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh.
Còn tuyến địa giới hành chính với Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích tự nhiên (diện tích điều tra khoanh vẽ là 789,6 ha) khu vực 97 hộ của thôn 1 xã Trà Giáp đang sinh sống trên địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Giáp.
Bình luận (0)