Thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH vào hè 2009 chính là những học sinh luôn "đi đầu" trong việc thay sách giáo khoa (SGK) THCS và THPT đại trà. Năm học 2002-2003, các học sinh này là lứa đầu tiên trong cả nước học SGK lớp 6 đổi mới. Những năm tiếp theo lại tiếp tục học SGK đổi mới lớp 7, 8, 9. Năm học 2006-2007, các em lại là lứa đầu tiên học SGK phân ban đại trà. "Đi đầu" suốt 7 năm học trung học, đến khi sắp kết thúc bằng các kỳ thi cuối cấp thì vẫn chưa biết thi như thế nào vì đến giờ này cấu trúc đề thi vẫn còn là dự thảo!
Trong tháng 9.2008, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) mới chuyển đến các Sở GD-ĐT dự thảo "Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009", một việc đáng lý phải được thực hiện cách đây hơn 3 năm (khi chuẩn bị cho năm học đầu tiên triển khai dạy lớp 10 theo chương trình phân ban đại trà). Đã vậy, dự thảo còn bộc lộ một số điều chưa hợp lý.
Cụ thể, theo dự thảo thì đề thi dành cho đối tượng thí sinh học chương trình THPT (Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Ban Cơ bản, học sinh trường THPT kỹ thuật) có 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh ra theo phần nội dung giống nhau giữa hai chương trình chuẩn và chương trình nâng cao (khoảng 80%); Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình (chuẩn hoặc nâng cao) nhưng mức độ phù hợp với yêu cầu phân loại, thí sinh học chương trình nào chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao). Đề tuyển sinh ĐH-CĐ cũng có 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh được ra theo phần nội dung giống nhau giữa hai chương trình chuẩn và chương trình nâng cao (khoảng 80%); Phần riêng theo từng chương trình (chuẩn hoặc nâng cao) nhưng khó hơn để phân loại, thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài, nếu làm cả hai phần riêng thì không được chấm.
Kết cấu đề thi trên đã vấp phải những ý kiến không tán thành từ nhiều người đang làm công tác giảng dạy. "Thi tốt nghiệp THPT là phải thi theo mặt bằng chung của học sinh phổ thông, như vậy đề thi phải là đề duy nhất, không có phần riêng.
Nếu đề thi tốt nghiệp THPT mà có phần riêng như dự thảo đã nêu, có thể có tình trạng bài làm theo đề chương trình nâng cao có điểm thấp và bài làm theo đề chương trình chuẩn có điểm cao, do đó vẫn không thể đánh giá thí sinh nào giỏi hơn. Như vậy, kỳ thi không có giá trị gì cả vì đánh giá không chuẩn xác. Còn theo cấu trúc đề thi ĐH-CĐ, phần riêng theo từng chương trình (chuẩn hoặc nâng cao) khó hơn để phân loại. Về điều này, cần lưu ý "mức khó hơn" của chương trình chuẩn thông thường cũng dễ hơn "mức khó hơn" của của chương trình nâng cao. Như vậy, cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thì học sinh học theo chương trình chuẩn vẫn có điều kiện dễ dàng hơn.
Vậy thì ai lại chọn học theo chương trình nâng cao? Còn nếu giờ này không được đổi qua chương trình chuẩn thì chẳng lẽ học sinh bị đánh lừa vì không được báo trước về cấu trúc đề thi khi bước vào chọn ban ở năm lớp 10?" - TS Nguyễn Hà Thanh, Trưởng bộ môn Hình học khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm TP.HCM (tác giả SGK Toán chương trình phân ban), nhận xét.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TP.HCM, cho rằng: "Không hợp lý ở "phần riêng" của đề thi vì trong lúc đề thi ĐH-CĐ cho thí sinh tự chọn thì đề thi tốt nghiệp THPT lại buộc thí sinh học chương trình nào phải thi đề của chương trình đó. Ngay việc áp dụng chương trình nâng cao cũng không hợp lý.
Lẽ ra chương trình nâng cao là để đào sâu chương trình chuẩn thì SGK nâng cao hiện nay không phải chỉ đào sâu mà còn thêm những loại kiến thức mà sau này lên ĐH mới cần học chuyên sâu. Lâu nay, giáo viên nói chương trình nặng là như vậy. Nếu cấu trúc đề thi như dự thảo thì rõ ràng đã phá sản chương trình nâng cao trong lúc suốt 3 năm qua, giáo viên khổ sở vô cùng vì phải dạy "phần thêm" mà chương trình nâng cao yêu cầu".
Cũng theo những ý kiến đóng góp này, một đề thi chung cho cả chương trình chuẩn lẫn nâng cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều mà Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nên xem xét và cân nhắc.
Có đến 8 đối tượng dự thi ! Nếu ra đề thi tốt nghiệp THPT mà có phần riêng (và bắt buộc thí sinh học chương trình nào chỉ được làm đề của chương trình đó như dự thảo Cấu trúc đề thi 2009 đã nêu) thì có thể xảy ra tình trạng có thí sinh giỏi hơn mà bị đánh giá thấp hơn học sinh bình thường. "Thước đo" không chuẩn, thì sẽ không công bằng khi đánh giá. Nếu phụ huynh và các trường kiến nghị chuyển hết các lớp có dạy chương trình nâng cao sang chương trình chuẩn thì Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng tính sao? Về cấu trúc đề thi ĐH-CĐ nên chỉ có một đề, không có phần riêng để thí sinh tự chọn" - TS NGUYỄN CAM (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dạy học, Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Chính vì vậy, có thể có nhiều phương án môn thi: thông thường là 3 môn tự nhiên và 3 môn xã hội, cũng có thể là 4 môn tự nhiên và 2 môn xã hội, hoặc 2 môn tự nhiên và 4 môn xã hội. Theo dự thảo cấu trúc đề thi 2009 vừa được đưa ra, học sinh học Ban cơ bản (theo chương trình chuẩn) là dễ đậu nhất, điều đó đồng nghĩa với việc xóa sổ phân ban là điều phải đặt ra. Ngoài ra, nếu học sinh học theo Ban Cơ bản và học sinh trường THPT Kỹ thuật mà thi đề giống nhau (cả phần chung và phần riêng) thì yếu tố "kỹ thuật" của trường THPT Kỹ thuật không có ý nghĩa gì cả hay sao? Theo tôi, tất cả thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải được thi một đề giống nhau" - Thạc sĩ NGUYỄN MINH SƠN (Hiệu trưởng trường THPT Tạ Quang Bửu, TP.HCM) N.Q (ghi) |
Nhựt Quang
Bình luận (0)