Học trò trường làng nói chuyện với “tây”
Chủ nhật, một cô gái trẻ dẫn theo nhóm học sinh trong những bộ đồng phục tươi tắn bước lên xe khách, rời Hải Lăng (Quảng Trị) vào TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Hỏi ra mới hay, cô trò vượt qua quãng đường gần 40 km chỉ để… học tiếng Anh. Ngạc nhiên hơn, "lớp học" của họ cũng chẳng có bàn ghế, mà là... khoảng sân rộng thênh thang trước cổng Đại nội Huế, nơi có đông du khách Tây.
“Để học tiếng Anh, không gì tốt hơn việc được trò chuyện, giao tiếp với những người phương Tây”, Nguyễn Thị Hải Oanh, cô giáo kiêm “nhà sáng lập” Amazing English Tour, bắt đầu câu chuyện. Oanh thuộc thế hệ 9X (sinh năm 1992), lớn lên bên dòng Ô Lâu hiền dịu ở vùng đất Hải Chánh, từng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Giữa năm 2015, Oanh về quê, mở lớp dạy tiếng Anh. Ban đầu, ít người tin “cô giáo làng” Hải Oanh sẽ làm nên chuyện khi lớp học ban đầu chỉ lèo tèo mấy đứa trẻ hàng xóm… Nhưng kỳ lạ thay, cuối cùng cô gái cũng tìm thấy niềm yêu thích.
Nhưng với trẻ em vùng nông thôn, để học tốt tiếng Anh không dễ, nhất là khi cơ hội được tiếp xúc với người nước ngoài gần như bằng 0. Thoạt đầu, Oanh tính chuyện đưa các em đi chơi ở những nơi có nhiều khách Tây lui tới để trò chuyện, nâng cao kỹ năng giao tiếp.
"Rõ ràng địa điểm lý tưởng nhất là cố đô Huế. Khi đến đó, có các tình huống giao tiếp không hề có trong sách vở", Oanh tâm sự.
Khi dẫn học trò đến cổng Đại nội Huế, Oanh "kích hoạt" sự dạn dĩ nơi các em, yêu cầu phải “liều mạng” bắt chuyện với du khách nước ngoài. Tất nhiên, Oanh luôn đứng ra làm người kết nối cho các cuộc trò chuyện đột ngột này và phải thường xuyên "thuyết phục" những vị khách lạ hợp tác... Từ chuyến đi đầu tiên vào tháng 1.2017, đã có hơn 30 lần tổ chức sau đó dành cho học sinh ở H.Hải Lăng. Tổng cộng đã có khoảng 1.000 lượt học sinh tham gia, chuyến ít nhất 20 em, chuyến nhiều nhất 45 em. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con tham gia. Thậm chí một số trường học cũng nhờ Oanh kết nối để đưa học sinh vào Huế. “Mỗi chuyến đi là mỗi sự khác biệt, vì em sẽ gặp một khách Tây khác, trò chuyện về vấn đề khác. Lâu dần em thấy kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của mình cũng có vẻ ổn”, một học sinh chia sẻ.
Riêng với cô giáo thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có nhiều chuyến Oanh phải bỏ tiền túi ra bù lỗ. Để tiết kiệm chi phí, có chuyến cô trò đạp xe đến địa phận Huế rồi mới đón xe buýt vào Đại nội Huế. Sau này, để tour ổn định hơn, mỗi học trò lo khoản chi phí 100.000 đồng/em để đủ tiền đi xe khách và ăn trưa.
Kéo “tây” về làng
Cùng với chương trình của Oanh, người dân địa phương cũng quen dần với cảnh nhiều người nước ngoài kéo đến làng, xì xồ tiếng Anh với tụi học trò. Họ nhận lời mời của Oanh để vừa thăm thú làng mạc, nói chuyện với học sinh Trường THCS Hải Tân (nơi Oanh đang hợp tác). Trong suy nghĩ của Oanh, rất ít du khách Tây biết đến Quảng Trị, và Hải Lăng quê cô thì càng ít. "Họ chỉ biết nhiều đến Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa… mà thôi. Vậy người Quảng Trị chúng mình sẽ làm gì để khách biết về Hải Lăng, rộng ra là Quảng Trị, đang sở hữu vùng đất tươi đẹp, nhiều di tích danh thắng và văn hóa ẩm thực đặc sắc?", Oanh trăn trở.
Thật thú vị khi nhiều khách Tây giữ đúng lời hứa, đến thăm quê hương của cô trò Oanh. “Chúng tôi cho họ trải nghiệm những gì mộc mạc nhất của quê mình, để họ nhận ra rằng “Quảng Trị là như thế đấy”. Rồi mai này, chính họ sẽ kể cho nhiều người nữa về mảnh đất này. Chỉ chừng đó thôi là chúng tôi cảm thấy vui sướng rồi”, cô giáo trẻ mắt long lanh khi nói về niềm hạnh phúc bình dị.
Bình luận (0)