Vượt lên cái chết - hồi ký Tâm "si-đa" - Kỳ 1: Chông chênh đường đời

20/03/2012 03:01 GMT+7

Tâm “si-đa” đã khiến độc giả “phải lặng người, phải sửng sốt với những câu chuyện thật đến khó có thể thật hơn của đời mình qua tập hồi ký Vượt lên cái chết. Như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: “Như một nhắn gửi, một cảnh báo. Đọc, thấy rưng rưng...”. Tuổi Trẻ xin trích đăng những dòng rưng rưng ấy...

Tâm “si-đa” đã khiến độc giả “phải lặng người, phải sửng sốt với những câu chuyện thật đến khó có thể thật hơn của đời mình qua tập hồi ký Vượt lên cái chết. Như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: “Như một nhắn gửi, một cảnh báo. Đọc, thấy rưng rưng...”. Tuổi Trẻ xin trích đăng những dòng rưng rưng ấy...
 
Những khó khăn và tồi tệ nhất trên đời tôi đều đã trải qua. Chỉ mới 10 tuổi đầu, tôi đã ở đợ hết nơi này đến nơi khác, cực khổ trăm bề. Rồi những năm tháng sống cùng dì ghẻ phải chịu cảnh đòn roi khiến tôi thêm hận người, hận đời.

Căm thù

Về với ba, không biết đã là lần thứ mấy sau bao nhiêu ngày tháng lưu lạc, nhìn cảnh các con riêng của ba được ẵm bồng chăm sóc, nghĩ đến mình, đến các em, tôi thật uất ức. Cớ sao tôi phải đi ở đợ hết nhà này đến nhà kia, rồi bị dụ dỗ, sàm sỡ, suýt nữa bị hãm hiếp... Càng nghĩ tôi càng oán hận ba. Ý nghĩ phải lấy cắp tiền của ba để bù đắp những năm tháng đói lạnh lớn dần trong tôi.

 
Tác giả Trương Thị Hồng Tâm ký tặng sách tại buổi ra mắt tập Hồi ký Tâm “si-đa”- vượt lên cái chết do Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức ngày 15-3-2012 - Ảnh: Trung Uyên

Tôi xin ba tiền đóng đủ loại học phí. Ba còn mua chiếc xe Honda để tôi đi học vì tôi nói muốn học hết tú tài. Thật ra, tôi không đi học mà lấy tiền đó để ăn chơi thỏa thích, để trả thù đời.

Tôi la cà hết quán cà phê này đến quán cà phê khác, rồi gia nhập các băng nhóm đua xe, kết thân với Loan “cơm tấm”, Lan “chùa”, Loan “lai”... Chúng tôi thường tụ tập ở quán cà phê đường Cống Quỳnh, đối diện Trường Hưng Đạo. Các vũ trường từ lớn đến nhỏ đều có mặt bọn tôi. Ăn chơi, đàn đúm riết rồi thành mê.

Bạn bè có đứa khuyên tôi nên cố gắng học hết tú tài rồi muốn làm gì thì làm. Nhưng cố gắng lắm tôi cũng chỉ học đến đệ tam, là lớp 10 bây giờ. Tương lai ư? Làm gì có! Ba tôi có quá nhiều vợ, má cũng nhiều chồng, có ai quan tâm chăm sóc chúng tôi đâu. Tôi sống với băng nhóm, cùng chia sẻ làn khói trắng đê mê, sống vội vã để quên đi tuổi thơ mất mát, khổ đau.

Hầu hết dân chơi Sài Gòn, Chợ Lớn tôi đều quen biết và được các anh chị ấy đỡ đầu, nhận làm em nuôi. Khu Tự Do tôi có anh Tầm Nhái, anh Châu Nhị; xóm đạo Bùi Thị Xuân có anh Hai Y, dân chơi gọi anh là Y “cà lết”; khu Ông Tạ có anh Sơn “đảo”; Lăng Cha Cả có anh chị Báu “Không quân”, có băng của các anh Bình “đen”, Tiêu “mù”, Mỹ “lỏi”; khu Tổng Đốc Phương có anh Thạch Sen; khu Cây Da Sà có anh Hùng “quắn”; khu đất đỏ Gò Vấp có anh Đồng “đen”...

Những gian xảo, lọc lừa tôi học ở họ. Họ dạy tôi cách sống trong giới giang hồ. Trong cái nhìn của tôi, các anh chị ấy tuy là người dưng nước lã nhưng lại yêu thương, đùm bọc tôi còn hơn ba má, anh chị ruột. Vắng tôi một ngày là họ đi tìm, đi kiếm, lo lắng cho sự an nguy của tôi. Còn ba má, anh chị của tôi? Sao tôi vắng mặt cả tháng, cả năm cũng chẳng ai màng đến? Tôi có lỗi gì chứ? Hay tại tôi chào đời không đúng lúc nên chẳng được ai quan tâm, nuôi dạy đàng hoàng? Cả hai đứa em trai của tôi cũng thế. Vì sự mất mát, tan vỡ của gia đình, chị em tôi không còn điểm tựa. Tình yêu thương dành cho chúng tôi, ba má đã đem san sẻ cho người khác rồi.

Tôi tự do sống trong nỗi dày vò của lòng căm phẫn và ý nghĩ trả thù. Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi vẫn luôn âm ỉ một khát khao là có một mái ấm gia đình, nơi có ba má, chị em tôi sống cùng nhau, được quây quần quanh mâm cơm, ba gắp cho món này, má gắp cho món kia. Mỗi khi tan trường được tự hào khoe với chúng bạn: “Kia là ba má tao, tao được cưng chiều lắm...”. Tôi ước được nghe một lời khen ngợi, vỗ về từ ba, từ má, thậm chí còn mơ được ba má bắt nằm xuống, nhịp roi vào mông đánh đòn mỗi khi làm điều sai quấy...

... Tôi hận! Tôi hận người, tôi hận đời và tôi hận cả chính bản thân mình. Tôi căm thù người lớn và căm thù chính cuộc đời mình.

Sa chân

Nghe đám hippi trong băng L’amour và băng BB nói hút bạch phiến sẽ quên hết mọi phiền muộn của cuộc đời, tôi mon men hút thử. Nhưng mỗi lần hút là tôi bị ói tới mật xanh mật vàng. Đám bạn chế nhạo là tôi nhát gan, chưa phải dân chơi thứ thiệt. Dám đua xe mà không dám hút bạch phiến, có tiền mà không biết cách xài tiền... thì chưa thể gọi là dân chơi. Nghe chúng khích, tôi vừa quê vừa tự ái, máu “anh hùng rơm” nổi lên. Tôi quyết chứng tỏ cho đám bạn biết bản lĩnh của mình.

Về nhà tôi tìm đủ mọi cách để moi tiền của ba, tìm đến đám bạn mới. Đám bạn mới ăn mặc môđen hơn, giàu hơn, đua xe lạng lách cừ hơn đám cũ. Tụi nó toàn là con cầu con khẩn như Cao Hiếu Nghĩa - con chủ nhà hàng Brodard, Cương - con chủ nhà hàng Rex, Sáng hippi ở Tạ Thu Thâu... Chỉ mình tôi là con gái, lại được tiếng là xinh nên được đám con trai chiều chuộng hết mình. Đám bạn mới hút bạch phiến nhiều hơn đám bạn cũ. Chẳng bao lâu, tôi đã nghiện loại thuốc giết người ấy! Tôi đã trở thành dân chơi thứ thiệt. Liều mạng, sống gấp bất cần ngày mai.

30-4-1975 Sài Gòn nháo nhào, đảo lộn. Bạn bè hỗn độn lôi kéo tôi theo đủ đường. Nhưng tôi không màng, tôi cần đi tìm một thứ quan trọng hơn: bạch phiến. Vật vã, đói thuốc, tôi chạy đôn chạy đáo tìm mua, lên tận Tân Hiệp - Biên Hòa, khu dốc Sỏi là ổ bạch phiến mà cũng không có, chạy về xóm mới Gò Vấp, khu đất đỏ An Nhơn cũng không còn... Trong khi đó á phiện đen lên ngôi. Người ta đem từng cục á phiện đi nấu thành nước để bán từng cc cho con nghiện, giá rất rẻ so với bạch phiến. Tôi chịu không nổi cơn vật vã đành phải mua loại “hàng đen” này để chích vào tĩnh mạch. Từ đó, tôi trở thành đệ tử trung thành của “cô Ba Phù Dung”.

Tôi làm bất cứ chuyện gì để có tiền đáp ứng cơn nghiện, không từ cả những việc tồi tệ nhất. Tôi lừa lọc tất cả những người mà tôi có thể lừa, giật đồ, móc túi, vào chùa ăn cắp vặt... Ngày ngày tôi lang thang ở các chợ, thấy ai sơ hở gì là chộp ngay. Tối, tôi chui dưới gầm xe đò ngủ (dạo ấy tôi thường ngủ tại bến xe khu vực Lê Lai). Cuộc sống bữa đói bữa no. Nhịn đói thì được nhưng nhịn chích thì không thể.

Tôi tìm về nhà mới hay ba tôi đã đi học tập cải tạo ở tận miền Bắc. Dì ghẻ vẫn giữ nguyên tánh ngồi sòng đánh bạc nên đồ đạc trong nhà, và cả nhà nữa, lần lượt ra đi theo tướng xanh, tướng đỏ. Các em cùng cha khác mẹ của tôi trông như ăn mày, đói rách, bẩn thỉu.

Chẳng còn gì để tôi tranh chấp hay giành giật, giận dỗi hay ghen tị. Tôi phải làm cái gì đó, trước để giúp chính tôi, sau là giúp các em được no bụng. Nghĩ vậy, tôi la cà ra đường Hàm Nghi, theo đám bạn lừa đảo đi bán đồng hồ dỏm cho bộ đội. Mua gian bán lận rồi cũng bể mánh, tôi chuyển sang nghề bán “ken”, tức là á phiện nước, dân nghiện gọi là “cầm kim”. Cầm kim chỉ đủ tôi ăn và chích, lấy đâu ra tiền giúp các em? Tôi lại đổi nghề đi bắt mối cho gái mại dâm. Mồi chài được một người, tôi lấy 20 phần trăm tổng số tiền khách đưa...

Cuộc sống cứ trôi đi như thế: ngày ngủ vùi, đêm thức trắng, cơn ghiền ma túy càng ngày càng nặng đô. Tôi muốn có thật nhiều tiền, nhưng bằng cách nào đây? Giết người thì sợ mang tội với trời đất. Cướp giật thì đâu ai để hở đồ mà giật hoài. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi nảy ra một ý: tuy trải qua đủ ngón ăn chơi nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn đời con gái. Muốn có tiền, chỉ còn cách bán nó đi...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.