Sản phẩm cầu ngói Thanh Toàn của Bửu - Ảnh: Đ.B.B |
Không chỉ bị khuyết tật mà gia đình Bửu cũng thuộc diện khó khăn. Thế nhưng Bửu không hề nản chí mà còn vươn lên mạnh mẽ với khao khát sống, học tập và cống hiến cho cuộc đời. Vượt lên tất cả những khó khăn, năm 8 tuổi, Bửu đã phải một mình đạp xe hơn 10km để đến trường. Do khả năng nghe và nói không được bình thường nên Bửu không thể theo kịp chương trình học ở trường. Đến năm lớp 8, Bửu phải nghỉ học giữa chừng. Tưởng như anh đã chấp nhận cuộc sống của một chàng trai tật nguyền, thế nhưng cuối năm 2006, Bửu quyết định xin gia đình lên TP.Huế học nghề.
Duyên số đưa Bửu đến với nghề mộc khi anh tìm đến với một nghệ nhân làm mộc có tiếng để theo học. Bửu tỏ ra rất sáng tạo và nhanh nhạy hơn tất cả các bạn đồng môn, được thầy hết sức quý mến. Miệt mài và say sưa với những chạm trổ hoa văn trên các sản phẩm mỹ nghệ 4 năm giúp Bửu chín chắn và trưởng thành hơn, không chỉ trong công việc mà còn cả trong nhận thức. Đến năm 2010, Bửu xin thầy ra nghề quyết tự thân lập nghiệp. Xin gia đình một ít vốn, cùng với số tiền là 5 triệu đồng hỗ trợ của UBND xã Thủy Thanh, Ngô Tam Bửu mở xưởng mộc tại nhà và rồi từ bàn tay tài hoa bắt đầu cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.
Mặt hàng mà Bửu làm ra là các sản phẩm mộc mỹ nghệ lưu niệm để bán cho du khách. Các sản phẩm mang đậm dấu ấn làng quê nơi Bửu sinh ra như cầu ngói Thanh Toàn, người phụ nữ chằm nón, người bán hàng rong, người chăn trâu hay những vật dụng quen thuộc như chiếc máy quạt lúa, lũy tre quê hương… đã làm du khách vô cùng thích thú vì sự đa dạng. Với nghi lực và tài năng của mình, cuối năm 2012, Bửu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền xã Thủy Thanh 30 triệu đồng, để mở rộng cơ sở. Bửu chia sẻ: “Có được số tiền hỗ trợ đó, tôi như có thêm sức mạnh và nghị lực để phát triển nghề của mình”.
Có thể nói những thành công ban đầu đã khẳng định Bửu đã không chỉ tự nuôi bản thân mà còn giúp kinh tế gia đình phát triển. Đặc biệt, trong năm 2011, hai tác phẩm cầu ngói Thanh Toàn và Phu Văn Lâu của Ngô Tam Bửu được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Hương Thủy và tiếp tục được chọn là sản phẩm tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2012 theo tiêu chí của Bộ Công thương.
Còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng có thể nói cuộc sống dường như đã mỉm cười với những nỗ lực của chàng thanh niên vượt lên tật nguyền.
Đặng Bá Bảo
Bình luận (0)