Điều trị tâm thần vì chứng chán ăn
P., một nữ sinh trung học (sống tại Hà Nội), nhập viện trong tình trạng người suy kiệt, cơ thể gầy nhom chỉ còn da bọc xương. Gia đình cho biết, bắt đầu vào cấp ba P. đã lo thừa cân mặc dù có thân hình bình thường (48kg, cao 1m56). Dù cho mẹ có thuyết phục đến mấy, P. vẫn cương quyết ăn kiêng. Lúc đầu P. bỏ bữa sáng, ăn trưa và ăn tối rất ít. Đói lắm cũng chỉ ăn lưng cơm ít rau, thịt. Dần dần thực đơn của P. còn giảm hơn nữa, hầu như không ăn thịt. Đến khi nhập viện, nữ sinh này đã suy kiệt.
PGS-TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, Học viện Quân y cho biết, tại khoa Tâm thần của Bệnh viện Quân đội 103 từng tiếp nhận bệnh nhân nhịn ăn để làm đẹp là nữ sinh viên năm 2. Khởi đầu cũng là giảm ăn để mong muốn đẹp hơn nhưng dần dần cô trở nên sợ ăn, không thể ăn được. Khi nhập viện thì trọng lượng cơ thể đã giảm đến 30%.
|
PGS-TS Đức cũng lưu ý, "Khát vọng" làm đẹp không chỉ ở phái đẹp còn xuất hiện ở nam thanh niên. Đó là trường hợp là nam học sinh lớp 12 sống tại Hà Nội. Trước khi tuân thủ chế độ “ăn kiêng”, chàng trai này có chiều cao cân nặng cân đối, thậm chí hơi gầy (cao 1m70, nặng 60kg) nhưng cũng nhất mực đòi giảm ăn để giữ vóc dáng. Khi nhập viện thì cậu thanh niên tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” lúc này chỉ như tàu lá, cơ thể suy nhược.
Khởi đầu chỉ là nỗi lo sợ mập, mong muốn có vóc dáng đẹp hơn nhưng hệ quả là phải vào điều trị tâm thần vì chứng chán ăn |
||
PGS-TS Cao Tiến Đức Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, Học viện Quân y |
||
Áp lực kiếm tiền và thăng tiến
T., thanh niên 25 tuổi đang theo học tại chức về quản trị kinh doanh, cũng đang là bệnh nhân của khoa Tâm thần của BV Quân y 103. Trước khi nhập viện, T. người khá nhanh nhẹn và hăng hái, làm môi giới bất động sản. T. luôn mong muốn thành công về tài chính, kiếm được nhiều tiền. Anh trai của T. tâm sự: “Ham công tiếc việc nhưng hầu như T. lại không kiểm soát được các khách hàng, các giao dịch nên thu nhập từ công việc không như mong muốn. Có khi T. tiêu hết cả triệu đồng tiền taxi/ngày cho các giao dịch nhưng thu nhập từ hiệu quả công việc chẳng bao nhiêu nên T. lâm vào nợ nần. Gia đình tôi phải đứng ra trả nợ vì thua lỗ trong làm ăn. Còn T. bị mất ngủ triền miên, suy giảm khả năng lao động và phải nhập viện điều trị”.
Là người nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị, PGS-TS Đức chia sẻ: "Trước đây khi đời sống kinh tế khó khăn, hầu như chưa thấy ai điều trị trầm cảm vì nghèo khó, thiếu ăn. Nhưng ngày nay, cuộc sống sung túc hơn thì đa số bệnh nhân vào điều trị tâm thần (rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt) tăng lên rõ rệt. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi có xu hướng tăng”.
Nhiều thanh niên từng có cảm giác buồn chán Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên (SAVY2) được bố bố năm 2010: 73,1% thanh niên được hỏi cho biết từng có cảm giác buồn chán. Trên một phần tư vị thành niên và thanh niên (27,6%) đã trải qua cảm giác rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không thể hoạt động như bình thường. Tỷ lệ vị thành niên và thanh niên đã từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3% và có 4,1% người đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. So sánh kết quả giữa SAVY1 (điều tra 5 năm trước SAVY2) có thể thấy tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán hiện có sự tăng lên và đặc biệt là ở trải nghiệm cảm giác nghĩ đến chuyện tự tử (tăng khoảng 30%). |
Rèn kỹ năng ứng phó với áp lực
PGS-TS Cao Tiến Đức nhận định: “Giới trẻ bây giờ chịu áp lực của việc phải thành công, thành danh, đỗ đạt. Đây là các áp lực chính, tác nhân trực tiếp khiến bệnh nhân phải vào điều trị trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt”. PGS-TS Đức cũng cho biết, điều nguy hiểm của trầm cảm và cả tâm thần phân liệt là có một tỷ lệ khá cao số bệnh nhân có ý định tự tử, lập kế hoạch tự tử. Bệnh nhân mắc trầm cảm thường trong tình trạng ức chế cảm xúc, buồn rầu, bi quan, chán nản, ức chế vận động (không muốn hoạt động đi lại, chỉ ngồi nằm không muốn giao tiếp với bên ngoài). Bệnh nhân ức chế tư duy: khó khăn trong thể hiện bằng ngôn ngữ, liên tưởng chậm; bệnh nhân kém ăn, hoang tưởng, lo lắng nên nhiều trường hợp thường có ý định tự sát hoặc thực hiện tự sát.
“Số bệnh nhân là học sinh vào điều trị tâm thần tăng lên rõ rệt sau mỗi mùa thi. Bởi vậy, gia đình luôn phải là nguồn động viên con em mình thay vì luôn cứ thúc ép, gây áp lực cho các em”, PGS-TS Đức lưu ý.
Theo PGS-TS Đức, bệnh lý tâm thần liên quan nhiều đến yếu tố gia đình, vì vậy cha mẹ, người thân thường xuyên quan tâm sát sao, động viên trò chuyện với con em mình để giúp các em có được thăng bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, quan tâm không có nghĩa là "bao bọc". Cần chú ý giúp người trẻ rèn luyện để có được sự chủ động, khả năng ứng phó với sự cố để giữ được thăng bằng trong cuộc sống sau này”.
Đáng lưu ý, khi thấy con em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì gia đình không nên trì hoãn việc đưa đi khám. Bởi nhiều gia đình mang tâm lý “không chấp nhận có con em bị bệnh tâm thần. Chính tư duy đó càng làm bệnh lý trở nên trầm trọng hơn vì các cháu bị bỏ lỡ cơ hội được điều trị sớm. Các gia đình cần biết, bệnh nhân càng trẻ tuổi bệnh càng dễ bị nặng và cần xác định điều trị bệnh là lâu dài, thậm chí suốt đời”, PGS-TS Đức nói.
Liên Châu - Vũ Thơ
Bình luận (0)