|
Gà trống nuôi con
Hai Đồng sinh ra trong gia đình 5 anh em. Thuở nhỏ, mắt anh vẫn sáng như mọi người. Nhưng đến 5 tuổi, căn bệnh “ban bạch” quái ác đã cướp đi của anh đôi mắt. “Lúc mới bị mù tôi buồn lắm, mỗi lần đi chơi trong xóm phải nhờ các em dìu dắt. Tôi nghĩ, các em không thể dắt mình đi mãi nên quyết tâm lần mò tự đi từng bước một, rồi ra đồng làm ruộng, mò cua, bắt ốc”, Hai Đồng tâm sự.
Hôm chúng tôi đến nhà cũng là lúc anh chuẩn bị xuống kênh bắt cá để lo buổi cơm chiều. Anh nói: “Sống ở quê được cái rau, cá cho bữa cơm hằng ngày không phải mua, chỉ cần tốn chút công là có ăn. Thấy tôi mù vậy chứ mò cua, bắt cá được lắm”. Ở Hưng Trung, Hai Đồng nổi tiếng lặn giỏi và “sát” cá. Nguyễn Văn Bạc, con trai út của Hai Đồng, tiết lộ: “Có lẽ hồi đó ba lặn giỏi mà má ngưỡng mộ ưng luôn”. Nghe con nhắc đến chuyện duyên nợ, bỗng dưng giọng Hai Đồng chùng xuống: “Vậy mà hơn 5 năm trước, bả đành đoạn bỏ cha con tôi”.
Đến giờ, Hai Đồng vẫn nhớ như in mùa lũ năm 2000 mang duyên, mang nợ đến cho anh. Năm đó lũ lớn, ruộng đồng chìm trong biển nước. Một lần vào nửa đêm, Hai Đồng nghe tiếng kêu cứu trên con kênh Cốc. Anh đến nơi thì biết có một chiếc xuồng vừa bị nước cuốn trôi, rất may cô gái và người mẹ đã kịp bơi vào bờ. Nước sâu, chảy xiết, không ai dám xuống kênh nhưng Hai Đồng xung phong lội xuống mò chiếc xuồng. “Vì ngày nào cũng mò cá nên tôi biết độ sâu, rộng của kênh Cốc. Tôi nín thở lặn xuống dưới đáy kênh, đến hơi thứ ba thì đụng chiếc xuồng. Sau đó, tôi cầm dây lặn xuống buộc vào cong xuồng, rồi kêu mọi người kéo lên”, Hai Đồng nhớ lại.
Từ đêm đó, nạn nhân Lâm Thị Ngọc (quê ở H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã thầm thương trộm nhớ Hai Đồng. Hai bên thường xuyên tới lui, tình cảm nảy nở và họ đã nên nghĩa vợ chồng. Lúc ra ở riêng, cha mẹ chia cho vợ chồng Hai Đồng 5 công đất để làm ruộng có gạo ăn hằng ngày. 2 con trai lần lượt chào đời, những tưởng sẽ làm tình cảm vợ chồng Hai Đồng thêm bền chặt nhưng lại trái ngược hoàn toàn. “Một lần về quê đám giỗ ông bà, Ngọc ở đó luôn, để lại 2 con trai cho tôi nuôi lớn khôn đến bây giờ”, Hai Đồng ngậm ngùi kể.
Khát vọng vươn lên
Từ lúc vợ bỏ đi, tưởng chừng cuộc đời Hai Đồng sẽ mãi chìm trong bóng tối. Nhưng mỗi lần nghĩ đến 2 con, anh lại cố gắng vượt qua nỗi đau. Hai Đồng tâm sự lúc vợ bỏ đi anh hụt hẫng nhưng thương nhất là 2 con nhỏ sớm vắng bàn tay yêu thương, chăm sóc của mẹ. “Được cái, mỗi lần tôi xuống kênh bắt cá là được đầy rọng, nào là cá lóc, cá trê, cá rô. Ăn không hết còn đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên khổ nhất là việc bếp núc. Cơm thì nấu dễ nhưng cá thì phải nhờ các em làm giùm. Sáng sớm trước khi ra đồng, tôi bắc nồi cơm và kho cá để các con ăn lót dạ đến trường”, anh kể tiếp.
Nhiều năm qua, bà con ở Hưng Trung nể nhất là việc làm ruộng của Hai Đồng. Dù mù lòa nhưng lúa của anh luôn đạt năng suất từ 700 - 800 kg/công. “Làm lúa dễ ợt. Trước khi xuống giống thì giăng dây, tôi căn cứ theo lối mà sạ. Còn nhổ cỏ cũng theo kinh nghiệm, vì cây cỏ cứng hơn cây lúa, cỏ u du thì có 3 cạnh cứ sờ đụng là nhổ, cỏ chỉ thì thấp hơn lúa cứ như thế mà làm tới. Tôi có thể nhổ cỏ lúa mỗi ngày khoảng nửa công”, Hai Đồng nói.
Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn nên con trai lớn của Hai Đồng là Nguyễn Văn Lúa đã phải nghỉ học để phụ giúp cha lo cho em. Riêng con út của anh là Nguyễn Văn Bạc đang học lớp 9A3, Trường THCS Đào Hữu Cảnh. Hai Đồng tự hào: “Tổng kết năm học vừa qua, thằng Bạc đạt học sinh giỏi và đứng nhất lớp. Nó đem giấy khen về khoe mà cả nhà hạnh phúc. Nó đang là niềm hy vọng lớn nhất của cha con tôi”. Bạc tâm sự: “Em học giỏi nhiều môn nhưng rất thích văn, nên sẽ cố gắng học và thi đại học khối C để sau này làm nghề dẫn chương trình trên truyền hình kiếm tiền lo cho cha”.
Hiện nay, mỗi tháng Hai Đồng được Nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng. Mới đây, anh được địa phương thông báo sẽ mở lớp học chữ nổi và đánh đàn. Hai Đồng cho biết anh rất mê cổ nhạc, vì thể loại này phần lớn mang tâm sự buồn như chính cuộc đời đầy sóng gió của anh. Nếu được học đàn, anh sẽ đầu tư mua đàn để phục vụ đám tiệc kiếm thêm thu nhập nuôi các con. |
Tấn Phát
Bình luận (0)