Mỹ, Trung Quốc, chủ nhà Liên hiệp Anh và Nga thi nhau đếm huy chương gần như mỗi ngày để đua tranh vị thứ. Nhưng với nhiều đoàn thể thao khác, chỉ cần đoạt 1 huy chương thôi đã là thành công lớn.
Afghanistan là một ví dụ điển hình. Đất nước này vẫn chưa thực sự yên ổn sau chiến tranh, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, tinh thần Olympic của các VĐV nước này thật đáng trân trọng. Chỉ với 6 VĐV tham dự 4 môn thi - nhiều hơn 2 VĐV và dự hơn 2 môn so với 4 năm trước - nhưng Afghanistan vẫn giữ vững thành tích đoạt 1 HCĐ của mình ở môn taekwondo và cũng do võ sĩ Rohullah Nikpai đoạt được ở hạng cân nam 68 kg. Võ sĩ Nikpai hiện 25 tuổi, 4 năm trước đã trở thành người hùng của Afghanistan khi anh đoạt được chiếc huy chương đầu tiên trong lịch sử về cho nước mình ở hạng cân 58 kg. Giờ đây anh tiếp tục giúp Afghanistan hàn gắn những vết thương chiến tranh theo cách của mình.
Trong số các quốc gia chỉ đoạt 1 huy chương ở Olympic phải kể đến Uganda, với chiếc HCV rất đặc biệt của VĐV chạy marathon Stephen Kiprotich khi đánh bại các đối thủ nước láng giềng Kenya vốn rất mạnh trong nội dung này. Đây không chỉ là môn thi được vinh dự trao huy chương trong lễ bế mạc trước hàng triệu khán giả xem truyền hình, mà còn là HCV đầu tiên của đoàn Uganda kể từ Olympic 1972.
|
Ngoài ra, Grenada với HCV duy nhất của VĐV mới 19 tuổi, Kirani James ở nội dung chạy 400 m nam; Bahamas với chiếc HCV của đội chạy tiếp sức 4×400 m cũng thực sự để lại nhiều dấu ấn khi phá vỡ sự thống trị của các VĐV điền kinh Mỹ suốt nhiều năm qua ở các nội dung trên. Cũng phải kể đến HCV đầu tiên trong lịch sử của Venezuela ở môn kiếm 3 cạnh.
Các đoàn thể thao như CHDCND Triều Tiên và Kazakhstan cũng mang lại ngạc nhiên lớn cho người xem khi không để Trung Quốc một mình thao túng ở môn cử tạ. Cách đây 4 năm, trong tổng cộng 15 hạng cân thi đấu cả nam và nữ, Trung Quốc đoạt tới 8 HCV. Nhưng nay Kazakhstan (4 HCV) và CHDCND Triều Tiên (3) đã bám sát nút Trung Quốc (5). CHDCND Triều Tiên cũng đoạt 1 HCV nữa ở môn judo hạng cân 52 kg của nữ, nhờ đó đã tăng gấp đôi số HCV so với 4 năm trước.
Kazakhstan cũng có bước thăng tiến chóng mặt. Từ 2 HCV ở Bắc Kinh 2008, giờ quốc gia ở khu vực Trung Á này vươn lên đứng thứ 12 toàn đoàn với 7 HCV - ngang với 2 đoàn có tiềm lực mạnh là Úc và Nhật Bản. Ngoài cử tạ, 3 HCV còn lại ở môn đua xe đạp đường trường nam, quyền anh (hạng cân 69 kg nam) và nhảy 3 bước nữ đã giúp Kazakhstan có được thành công lớn nhất trong lịch sử 5 lần dự Olympic từ Atlanta năm 1996.
Giang Lao
>> London cất tiếng hát tạm biệt Olympic 2012
>> Hẹn gặp Olympic Rio De Janeiro 2016
>> Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic
>> Thanh Phúc phá kỷ lục quốc gia đi bộ tại Olympic 2012
>> Peralta lập cú đúp giúp Mexico đoạt HCV môn bóng đá nam Olympic
Bình luận (0)