(TN Xuân) Trước sự kiên quyết của Việt Nam cũng như vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế, ngày 15.7.2014 Trung Quốc đã buộc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển của Việt Nam.
Cầu Nhật Tân với vốn đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng bắc qua sông Hồng vừa được khánh thành,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như các tỉnh thành phía bắc - Ảnh: Ngọc Thắng |
1. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở biển Đông
Từ 1.5 - 15.7.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kèm theo hàng trăm tàu hộ tống.
Trước các hành động xâm phạm đó, Việt Nam đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng bằng các biện pháp hòa bình trên thực địa cũng như trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, truyền thông theo luật pháp quốc tế, nhằm bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bảo đảm các hoạt động kinh tế, bảo vệ ngư dân phát triển kinh tế biển. Ngày 11.5.2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Vụ việc cũng được Việt Nam đưa ra Liên Hiệp Quốc và nhiều diễn đàn khác.
Trước sự kiên quyết của Việt Nam cũng như vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế, ngày 15.7.2014 Trung Quốc đã buộc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên cũng trong thời gian này, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng, mở rộng phi pháp một loạt đảo nhân tạo, tiếp tục gây nên những nguy cơ bất ổn cho tương lai biển Đông.
2. Áp lực nợ công
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, năm 2014, nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh. Tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì tỷ lệ trả nợ từ ngân sách nhà nước hiện ở mức 26,2%, cao hơn so với mức 25% cho phép. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.
Tuy vẫn ở trong giới hạn an toàn, nhưng nợ công đã tăng sát trần cho phép, tạo áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Để kiểm soát nợ công, Chính phủ đã đưa ra định hướng: quản lý chặt các khoản vay mới, ưu tiên dùng nợ công cho chi đầu tư phát triển, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách theo hướng lành mạnh hơn.
3. Giá dầu lao dốc, đe dọa cân đối ngân sách
Đà lao dốc không phanh của giá dầu từ mức hơn 100 USD/thùng vào đầu năm xuống chỉ còn khoảng 60 USD/thùng thời điểm cuối năm gây bất ngờ đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không tránh khỏi “cú sốc” này khi nguồn thu xuất khẩu dầu thô chiếm tới 30% tổng thu ngân sách. Theo ước tính, giá dầu thô giảm 1 USD/thùng ngân sách sẽ mất đi 1.000 tỉ đồng. Kế hoạch cân đối ngân sách trong năm 2015 được Quốc hội thông qua dự toán giá dầu đứng ở ngưỡng 100 USD/thùng. Nếu tiếp tục đà lao dốc trong năm nay, cơ cấu thu - chi ngân sách sẽ bị đảo lộn và nguy cơ mất cân đối đang dần hiện hữu.
4. Nhiều thương vụ sáp nhập lớn
Nhiều doanh nghiệp lớn của tư nhân trong nước bán cổ phần, giao quyền kiểm soát công ty cho đối tác nước ngoài qua các thương vụ M&A như tháng 11, Công ty cổ phần Kinh Đô chính thức bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International, tập đoàn bánh kẹo quốc tế, trị giá thương vụ khoảng 370 triệu USD; cuối năm 2014, hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng hoàn thành việc bán cổ phần chi phối cho đối tác Central Group Thái Lan, trong thương vụ được cho là định giá công ty ở mức 200 triệu USD.
Ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều thương vụ mua bán, thâm nhập thị trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật là Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam vào tháng 8.2014, với giá 879 triệu USD.
5. Cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ
Năm 2014 là năm đầu tiên trong kế hoạch 2 năm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ với số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa thành công là 100/432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong hai năm 2014 - 2015. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn đã bán cổ phần lần đầu thành công: Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty công trình giao thông 1... với toàn bộ số cổ phần chào bán được bán hết. Tại Diễn dàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 tổ chức đầu tháng 12.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014 và 2015.
6. Kiên quyết làm lành mạnh hệ thống ngân hàng
Hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc tấn công vào thành trì lợi ích nhóm lũng đoạn ngân hàng. Ma trận sở hữu chéo bước đầu đã được bóc tách khi cơ quan chức năng làm rõ hành vi của Nguyễn Đức Kiên khi lập ra một loạt các công ty, ủy thác vốn cho người thân mua bán cổ phiếu lòng vòng để thâu tóm, lũng đoạn các ngân hàng.
Trước đó, một loạt thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng cũng đã diễn ra nhằm chặt đứt sở hữu chéo. Một số lãnh đạo ngân hàng đã bị tạm giữ để điều tra về những sai phạm trong cho vay, trong đó nổi bật là vụ ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương và Ngân hàng Đại Dương) và Bùi Công Danh (cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng).
7. Đột phá cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2014, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tạo được bước đột phá lớn khi một loạt rào cản cơ chế, chính sách được dỡ bỏ. Trong đó, phải kể đến hai luật mới được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8 là luật Đầu tư sửa đổi và luật Doanh nghiệp sửa đổi thể hiện rõ nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh: “Mọi người được làm những gì mà pháp luật không cấm”. Có 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vì 51 nhóm như trước đây. Điểm đáng chú ý trong luật Doanh nghiệp là việc bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh; không quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu trong các giao dịch.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 nêu rõ những yêu cầu cụ thể cải cách hành chính, giảm thủ tục trong nhiều lĩnh vực: hải quan, thuế...
8. Nghị quyết của Quốc hội đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Ngày 28.11, hơn 88% đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 đã bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, từ năm học 2018 - 2019 học sinh sẽ được học chương trình và sách giáo khoa hoàn toàn mới. Thay vì chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa duy nhất như hiện nay, nghị quyết mới đã cho phép có nhiều bộ hoặc nhiều cuốn sách giáo khoa cho một môn học. Học sinh được học theo phương pháp tích hợp sâu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; đến cấp trung học phổ thông, học sinh được học theo các chuyên đề tự chọn, phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Sự kiện này được xem là bước đi quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
9. Lạm phát và tăng trưởng GDP đảo chiều
Trong suốt hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam mới lại chứng kiến một cú đảo chiều ngoạn mục khi lạm phát bất ngờ tăng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng GDP. Cuối năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ dao động quanh mức 3%, trong khi tăng trưởng GDP được kỳ vọng đạt mức 6%. Lạm phát dưới 3% cũng là mức lạm phát thấp kỷ lục trong 10 năm gần đây.
Năm 2015 có thể bắt đầu một thời kỳ mới ổn định hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cống hiến, hy sinh phải luôn đặt lên hàng đầu
Ảnh: Ngọc Thắng
Phải vừa phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên, động viên thanh niên đi đầu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phải hết sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thanh niên cống hiến, phấn đấu, tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình. Cố nhiên, đối với thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, vấn đề cống hiến, hy sinh cho lý tưởng cách mạng luôn được đặt lên hàng đầu.
(Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ngày 29.12.2014)
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tham nhũng làm tổn thất kinh tế và niềm tin
Ảnh: Diệp Đức Minh
Chúng tôi theo dõi mới biết là tham nhũng ngày càng tinh vi. Tham nhũng không phải đứng một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, hình thành những nhóm nữa, xâu chuỗi bao che, bảo vệ nhau... Nhân dân không hài lòng, Đảng cũng không hài lòng. Tham nhũng làm kinh tế thì thiệt hại còn về chính trị thì dân mất lòng tin. Tham nhũng đến nỗi buộc người dân phải thốt ra những lời đau lòng.
(Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 2.12.2014)
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thiêng liêng chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo
Ảnh: TTXVN
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
(Trả lời báo giới nước ngoài tại Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á, Philippines ngày 22.5.2014)
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cái gì cấm đoán, hạn chế bất hợp lý, phải bãi bỏ
Ảnh: Ngọc Thắng
Luật này phải quét hết các điều kiện cấm, hạn chế kinh doanh ở các luật chuyên ngành khác, để quy định lại cho phù hợp. Cái gì cấm đoán, hạn chế bất hợp lý, phải bãi bỏ. Phải làm lúc này và Quốc hội phải làm trọng tài, chứ còn chờ các bộ này ngành kia tự rà soát để bãi bỏ chỉnh sửa, tôi không tin là làm được...
(Phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án luật Đầu tư và Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 9.9.2014)
|
Bình luận (0)