Vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ 'mở đường'

Đình Phú
Đình Phú
09/11/2022 08:00 GMT+7

Như Thanh Niên số ra ngày 8.11 đã đề cập, hành trình 15 năm qua của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) gieo mầm vàng trắng ở Campuchia, là hành trình thấm đẫm tình đất, tình người với công sức đóng góp của tất cả cán bộ, chuyên gia Việt Nam.

Họ đã cống hiến tuổi xuân, hy sinh những tình cảm gia đình để bám trụ nơi vùng sâu vùng xa, đã làm nên những thành quả hiện tại và cho tương lai.

Hành trình thấm đẫm tình đất, tình người ấy bây giờ đã cho quả ngọt, mang ý nghĩa không chỉ về những chỉ số lợi nhuận kinh tế. Hành trình ấy, nói như ông Yim Chhayly, Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia, còn là “đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy, tô thắm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác hiệu quả và bền vững, cùng có lợi giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia”.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom thăm hỏi công nhân người Campuchia gắn bó với công ty

Ảnh: Đình Phú

Tạo thế “kiềng đa chân”

Sau 93 năm xây dựng và phát triển không ngừng, đến nay diện tích cao su mà VRG quản lý lên đến gần 402.650 ha (trong nước hơn 288.101 ha; tại Campuchia khoảng 90.000 ha và tại Lào gần 27.000 ha). Có một điểm chung với cả trong nước và ở nước bạn Campuchia, Lào, cây cao su chủ lực phát triển ở vùng biên, những nơi xa xôi hẻo lánh, điều kiện kinh tế - xã hội còn lắm khó khăn. Khai hoang mở đất, phát triển cây cao su là một nhiệm vụ luôn đối mặt với bao thách thức, gian lao. Điều đáng tự hào là ngành cao su thời kỳ nào cũng có những người tiên phong, tiếp nối truyền thống của ngành trong việc góp phần xanh hóa vùng biên, giữ vững an ninh biên giới…

Ông Lê Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Bà Rịa - Kampong Thom trải qua hành trình gần 15 năm phát triển cao su ở Campuchia

Ảnh: Đình Phú

Trong số 16 công ty thành viên của VRG đầu tư trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia (Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siêm Reap và Mondolkiri), với tổng giá trị hơn 800 triệu USD, tổng diện tích khoảng 90.000 ha cao su, thì tại địa bàn tỉnh Kampong Thom có các công ty lớn: Chư Sê - Kampong Thom, Tân Biên - Kampong Thom, Bà Rịa - Kampong Thom và Phước Hòa - Kampong Thom. Các “đầu tàu” này ở vùng biên Campuchia được xem như “kiềng đa chân” cả về quy mô diện tích, doanh thu và lợi nhuận…

Kampong Thom là tỉnh “vùng xa” ở miền Trung của Campuchia, có thế mạnh sản xuất nông nghiệp và hiện có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó đa phần là công ty cao su, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội tỉnh này. Quãng đường bộ từ các cửa khẩu của Việt Nam đến vùng dự án cao su của các công ty thuộc VRG ở Kampong Thom khá xa. Đi từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) khoảng 300 km, từ cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) khoảng 250 km, từ cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) khoảng 350 km, từ cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) lên đến khoảng 600 km mới đến vùng dự án cao su ở Kampong Thom.

ỞKampong Thom bây giờ, theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong chuyến đi thực tế giữa năm 2022, nhiều vùng đất vốn nghèo nàn, hoang vắng đã hoàn toàn “thay da đổi thịt” với màu xanh trù phú của những vườn cao su rộng lớn. Tại các địa bàn phát triển dự án cao su, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, cơ sở thờ tự Phật giáo đều được hình thành và phát triển. Gần 5.400 ha cao su của Công ty cao su Bà Rịa - Kampong Thom, hơn 7.200 ha cao su của Công ty cao su Tân Biên - Kampong Thom, 16.268 ha cao su của Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom, là những con số ấn tượng minh chứng cho sự đổi thay ấy…

Thành quả không chỉ là lợi nhuận kinh tế

Công ty cao su Phước Hòa - Kampong Thom chủ lực phát triển vùng dự án cao su tại xã Boeung Lavea, H.Santuk (Kampong Thom), từ năm 2009 đến nay đã phát triển được hơn 7.600 ha cao su, đang đến thời kỳ thu hoạch (năm 2021 đạt doanh thu 364 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 103 tỉ đồng). Ký ức “mở đường” vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng giám đốc công ty: “Hồi đầu năm 2009, tôi và 9 cán bộ Công ty cao su Phước Hòa (công ty mẹ của Công ty cao su Phước Hòa - Kampong Thom) đến Boeung Lavea để bắt tay vào việc khai hoang, trồng cao su tại đây. Lúc ấy, nơi đây còn khá hoang vắng, dân cư thưa thớt, không có điện, nước, việc đi lại cũng rất khó khăn”.

Theo lời kể của ông Luyến, lúc đó khai hoang đến đâu, trồng cao su đến đó. Trong năm đầu tiên, Phước Hòa - Kampong Thom trồng được 504 ha cao su, vượt kế hoạch 4 ha. Trong năm kế tiếp, công ty trồng được hơn 2.000 ha, năm thứ 3 trồng thêm 2.500 ha… Và đến khi hoàn thành tiến độ dự án, một vùng cao su bạt ngàn rộng hơn 7.600 ha đã được hình thành ở Boeung Lavea.

Công ty cao su Bà Rịa - Kampong Thom là đơn vị xác lập nhiều kỷ lục trong việc phát triển cao su ở Kampong Thom: vốn đầu tư thấp nhất, khoảng 711 tỉ đồng để phát triển khoảng 5.400 ha cao su; năng suất đạt 2 tấn mủ cao su/năm, là công ty đầu tiên ở Campuchia đạt mức năng suất cao này từ năm 2019; công ty đầu tiên tại Campuchia có lợi nhuận và cũng là công ty đầu tiên chuyển lợi nhuận về nước…

Vùng cao su bạt ngàn của các công ty thuộc VRG ở Kampong Thom

Ảnh: Đình Phú

Bây giờ, cơ sở vật chất, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của cán bộ, người lao động Công ty cao su Bà Rịa - Kampong Thom đã ổn định hơn rất nhiều so với thời gian đầu “đi mở đất” của gần 15 năm trước. Ông Lê Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Bà Rịa - Kampong Thom là một trong những người tiên phong qua Kampong Thom và trụ lại đến nay.

“Hồi đó, anh em qua thì ngủ trong lán trại giữa rừng, bất kể mưa gió, muỗi đốt... Giếng chưa đào kịp, trong khi không có nước máy sinh hoạt, anh em phải dùng nước từ các khe suối. Chợ búa ở xa nên ăn uống rất kham khổ. Không có điện thoại bàn, sóng điện thoại di động cũng không có. Anh em rất lo sợ đau ốm vì trạm y tế xa. Mỗi khi nhớ nhà, anh em có khi đi mấy km đến các điểm cao để “tìm” sóng điện thoại. Khi gọi được, mừng rơi nước mắt, mà nhiều lúc đang nói chuyện với vợ con thì mất sóng. Nhớ nhà nhiều lắm, mà nghĩ đã qua đây rồi phải quyết tâm bám trụ để phát triển dự án”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom cũng là một trong những người tiên phong “đi mở đất” của ngành cao su, từ thời phát triển cây cao su ở vùng Chư Sê (Gia Lai) đến Kampong Thom trên đất bạn Campuchia. Với những thành tích nổi bật của cả một hành trình dài cống hiến, ông Linh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2004), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2014), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2021)…

Nhà máy chế biến mủ cao su do VRG xây dựng ở Kampong Thom

Ảnh: Đình Phú

“Thời gian đầu phát triển dự án, mỗi ngày trên công trường có đến 150 xe cơ giới, 200 xe vận chuyển, 3.000 người lao động. Có năm trồng được lên đến 4.000 ha cao su, năm đầu trồng được 2.000 ha. Nhiều năm qua, chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của chính quyền địa phương và người dân Campuchia. Đó là sự quan tâm với tình cảm đặc biệt, giúp chúng tôi có thêm tinh thần và nguồn lực để gắn bó, yên tâm lao động và sản xuất, đóng góp ngày càng nhiều hơn trong việc tạo sinh kế cho lao động ở địa phương”, ông Linh chia sẻ.

Gian khổ, thiếu thốn đủ bề trong giai đoạn đầu phủ xanh cây cao su trên vùng biên đất bạn Campuchia, là “hoàn cảnh chung” của các công ty cao su thuộc VRG. Bây giờ, những vườn cao su nối tiếp nhau bạt ngàn nơi vùng biên vốn heo hút, vắng người, là thành quả to lớn của hành trình vượt qua bao gian lao, vất vả. Như lời ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, hành trình ấy “góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị keo sơn giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.