Đối diện nỗi sợ hằng ngày
Nếu gặp các anh “lính chì” trong Đội cứu hộ cứu nạn (CHCN) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN (Công an tỉnh Quảng Trị) tại hiện trường các vụ việc thì hẳn bạn sẽ tặc lưỡi thán phục sự “lì đòn” của họ. Bởi việc cứu nạn trong đám cháy, cứu nạn giao thông hay cứu nạn dưới nước ngoài kỹ năng ra thì cần có... thần kinh thép.
Vậy mà, khi gặp và trò chuyện với họ mới biết, các anh lính trẻ tuổi ấy đều có những nỗi sợ của mình, có anh còn bị đồng đội trêu là… nhát gan.
tin liên quan
Chuyện cảm động của những chàng lính cứu hỏa trẻ tuổi'Em biết công việc này khổ sở và hiểm nguy chứ! Nhưng chính vì thế mà em ngưỡng mộ họ. Em muốn mình là 1 phần trong họ, những người lính chữa cháy', chàng trai trẻ tâm sự
Trung tá Nguyễn Hồng Hiền, Đội trưởng Đội CHCN bảo rằng không ai vừa sinh ra trên đời đã biết “làm” cảnh sát, mà cảnh sát cứu hỏa, CHCN càng không. “Học tập, thực hành dù sao cũng chỉ là lý thuyết. Lần đầu ra với thực tế… đố anh nào không run, không sợ. Vì đó là lần đầu tiên họ chịu sức nóng của đám cháy, ngửi khói độc, nghe những tiếng nổ và thấy người bị nạn...”, trung tá Hiền nói.
Nhưng khốn khổ nhất là những anh lính trót “dính” đến nghề cứu hỏa mà lại mắc chứng sợ độ cao. Ví như hạ sĩ Trần Văn Việt (21 tuổi) dù bây giờ leo trèo không thua gì... hậu duệ “Tôn Ngộ Không”, nhưng ngày đầu huấn luyện, khi trèo thang lên đến tầng 2 rồi mà chân run lẩy bẩy, không biết cách nào để… trèo xuống. Cũng có anh không sợ độ cao, nhưng lại sợ nước. Hễ cứ ra đứng giữa sông biển mênh mông là chân cẳng cứ quéo cả lại, không nhúc nhích gì được.
Nhưng nỗi sợ mà hầu hết anh em lính trẻ đều ám ảnh chính là sự tiếp xúc với thi thể nạn nhân, những người bê bết máu và thậm chí không còn nguyên vẹn. “Từ lớn đến nhỏ, tôi chưa bao giờ đụng vào người chết, ngoại trừ ông tôi. Vậy nên để đứng sát, chạm vào những thi thể đã nát bét hoặc phân hủy, thực sự chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thú thực là tôi sợ!”, trung sĩ Cao Tất Trường (22 tuổi) thừa nhận.
Nhưng không chỉ Trường, mà đã có rất nhiều anh lính khác, lần đầu tiếp xúc với thi thể mất cả tuần không ăn được cơm và chục ngày không tài nào ngủ được vì bị những hình ảnh đó ám ảnh.
|
Hoặc vượt qua, hoặc… bỏ nghề
Đó là sự lựa chọn khắc nghiệt mà những người lính cứu hỏa, CHCN buộc phải lựa chọn nếu cứ loay hoay mãi trong nỗi sợ hãi. “Sợ thì ai cũng sợ, nhưng làm sao để dù sợ mà vẫn hoàn thành được công việc thì đó mới là phẩm chất tiên quyết của một người lính cứu hộ. Phải vượt qua bản thân. Khi chỉ huy ra lệnh tiến lên thì anh không được đi lùi”, trung tá Hiền nói.
tin liên quan
Lính cứu hỏa tiếp sức thí sinh(TNO) Ngày 2.7, Trung tâm Đào tạo và huấn luyện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP.HCM (thuộc Sở Cảnh sát PCCC) đã tổ chức ra quân tiếp sức mùa thi năm 2013.
Thật may là đến giờ ở lực lượng PCCC và CHCN, Công an tỉnh Quảng Trị chưa có ai bỏ nghề vì một nỗi sợ nào đó. Bởi những nỗi sợ về độ cao, mặt nước sẽ được giải tỏa dần nếu chăm chỉ tập luyện. Còn đối với nỗi ám ảnh khi đối diện thi thể thì từng anh lính phải tự nghĩ ra “đòn tâm lý” cho riêng mình. Có người hễ cứ nghe lệnh của trên là “cắm cúi làm”, có anh vừa làm vừa trò chuyện với đồng đội để vơi đi nỗi sợ. “Lúc đưa thi thể nạn nhân từ cabin xe ra ngoài, thay vì sợ hãi, tôi tự nhủ rằng việc mình làm bây giờ là giúp nạn nhân, không phạm lỗi với ai nên cứ thế mà làm”, trung sĩ Trường tâm sự.
Hay như chia sẻ của thượng sĩ Nguyễn Trường Sơn (25 tuổi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội CHCN), trong lần lặn tìm thi thể một thầy giáo nhảy cầu Thạch Hãn dịp trước tết, anh mới cảm nhận được hết nỗi sợ nhưng vẫn có thể vượt qua. “Khi lặn xuống đáy sông, hầu như không thấy gì, không ai trò chuyện động viên… Lúc đó, tôi không sao thoát khỏi ý nghĩ: Mình mò trúng xác người thì mình phải làm sao nhỉ? Nhưng sau gần 12 giờ cùng đồng đội hụp lặn trong nước lạnh, tôi lại ước gì mình tìm thấy người thầy giáo đó để cho gia đình họ thôi gào khóc ở trên bờ, để cho đồng đội tôi được nghỉ ngơi vì thời gian tìm kiếm đã quá lâu”, thượng sĩ Sơn nói.
Trung tá Hiền bảo, kinh nghiệm qua hàng chục vụ CHCN chỉ làm cho những người lính cứu hỏa giỏi biết cách "giấu" đi nỗi sợ, chứ nỗi sợ thì vẫn còn đó. “Nhưng mỗi khi có tin báo thảm nạn, mỗi khi có người cần thì chúng tôi vẫn sẽ lao ra hiện trường, đối diện rồi vượt qua sợ hãi”, trung tá Hiền khẳng định.
Bình luận (0)