|
Không khuyết nghị lực
Khang là con út trong một gia đình nghèo đông con. Cơn sốt bại liệt quái ác năm 3 tuổi đã làm Khang trở thành người khuyết tật. Những ngày tháng đến trường của cậu bé Khang gắn chặt trên đôi vai của ba, bên hông của má và trên lưng còng của chị. Ngôi trường dòng đã dạy cho Khang ê a những con chữ đầu đời cho đến lớp ba. Rồi một ngày, cô Nguyễn Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre, đã đến xin ba má cho Khang về ngôi nhà lóc nhóc những đứa trẻ không lành lặn. Những đứa trẻ ấy cùng với Khang về đây học chữ, học nghề, học nghị lực vượt qua mặc cảm để mai sau sống tốt với đời.
“Đôi chân khiếm khuyết, đừng để khiếm khuyết cái đầu”. Một đứa trẻ lớp 3 như Khang chưa hiểu hết câu nói của cô Điệp nhưng mường tượng rằng phải học cho thật tốt. Mãi mãi, Khang không thể quên những khi đổ bệnh cô Điệp cho thuốc, những khi đói lòng cô Điệp lo cơm, những lúc nhớ nhà có cô Điệp vỗ về. Vậy là phải học, để không phụ lòng cô, các mạnh thường quân, những nhà thiện nguyện đã xây trường cho Khang và các bạn cùng học. Càng học, Khang càng ra sức luyện tập vật lý trị liệu, quyết không dựa dẫm vào chiếc nẹp.
Năm 1997, Khang hoàn tất chương trình lớp 9 và bỏ nẹp ra trường, đi bằng đôi chân thật của mình. Đứa bé “đi nẹp” lớp 3 ngày nào, giờ lại trở về quê học Trường THPT Chợ Lách A. Suốt 3 năm cấp ba, Khang luôn là học sinh khá, giỏi trong sự ngưỡng mộ của những học sinh lành lặn. Sau đó, Khang đậu vào Trường ĐH Cần Thơ - ngành Công nghệ sinh học. Nghe tin, một mạnh thường quân cảm động cấp học bổng cho Khang mỗi năm 1 triệu. Hắng ngày, ngoài thời gian lên giảng đường, rảnh rỗi chàng sinh viên khuyết tật lại lê đôi chân khập khiễng đi làm gia sư. Năm 2005, Khang tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học - Trường ĐH Cần Thơ giữ lại làm nghiên cứu viên, trợ giảng.
Sau 5 năm nghiên cứu khoa học, Đỗ Tấn Khang lọt vào danh sách 7 ứng viên của Trường ĐH Cần Thơ được nhận học bổng của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAID). Năm 2010, Khang tạm gác những công trình nghiên cứu, lên đường du học. 2 năm sau nhận bằng thạc sĩ Khoa học thực phẩm và trở về thành giảng viên bộ môn Công nghệ sinh học phân tử.
Cảm động trước ý chí vươn lên của người bạn cùng trường thời “trà đá, cơm hộp”, cô gái quê ở H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) đã đem lòng thương và chọn xứ dừa làm nơi “trao thân gửi phận”. Đám cưới của Khang không linh đình nhưng đầy đủ những người từng cưu mang, đùm bọc cho anh.
Những công trình vì quê hương
Khi chưa du học, Khang đã từng tham gia nhiều công trình khoa học, thực hiện các đề tài phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Năm 2009, Khang bắt tay thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu tính đồng dạng di truyền của dòng cam xoàn, sầu riêng, măng cụt và chuyển giao kỹ thuật PCR trong chẩn đoán bệnh Greening ở Bến Tre”.
Trước đó, vào năm 2008, công trình của Khang và các cộng sự được công bố với đề tài: “Nghiên cứu tính đồng dạng di truyền dòng cam xoàn ở Bến Tre bằng kỹ thuật RAPD” được đánh giá cao. Khang còn tham gia nghiên cứu 2 đề tài cấp Bộ là “Sưu tập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen lúa kháng rầy nhằm phục vụ công tác lai tạo” (2010) và “Lưu giữ, đánh giá nguồn gen lúa kháng phèn, mặn ở ĐBSCL” (2012). Ngoài ra còn nhiều đề tài khác được anh và các đồng nghiệp thực hiện góp phần giúp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đặc biệt, anh đang hợp tác với các cộng sự người Úc thực hiện đề tài nghiên cứu: “Khảo sát hoạt tính chống ô xy hóa của hợp chất phenol trong hạt đậu nẩy mầm”. Đây là công trình Khang hy vọng có thể ứng dụng vào sản xuất thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe con người.
Đến giờ, thạc sĩ Đỗ Tấn Khang đã làm được điều mà các cô ở Trường dạy trẻ khuyết tật đã bảo hơn 20 năm trước là không để khiếm khuyết cái đầu.
Nguyễn Bảy
Bình luận (0)