Vượt qua thử thách

10/10/2021 04:32 GMT+7

Tôi là giáo viên dạy theo diện hợp đồng của một trường trung học phổ thông. Nhà chỉ có một cái laptop thì con tôi đã đem vào Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM thực hiện “3 tại chỗ” để cùng một số chuyên gia và giảng viên thử nghiệm vắc xin.

Tôi lo lắng tột cùng vì đang đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng, bị đuổi việc. Nhà tôi còn có một máy vi tính để bàn nhưng không có webcam để kết nối với học sinh, để hiển thị hình ảnh của tôi, của học trò; cũng không có microphone để hội thoại, tạo âm thanh khi thuyết trình, giảng dạy.

Học sinh ở TP.HCM

ĐỘC LẬP

Trên mạng, toàn bộ các cửa hàng thiết bị điện tử lớn nhỏ trong thành phố đều thông báo ngưng hoạt động trong khi ngày dạy online 6.9.2021 đang đến gần. Tôi không thể đến trường đại học để mượn laptop của con tôi, vì từ nhà đến trường đại học phải qua rất nhiều chốt kiểm soát, nếu có qua được thì cũng không thể để con tôi thực nghiệm khoa học mà không có công cụ quan trọng để làm việc, ghi chép, chứa đựng, chuyển tải các dữ liệu khoa học.

Đầu óc tôi nóng bừng, căng thẳng vì lo lắng bởi tôi đâu phải là giáo viên trong biên chế, tôi chỉ là giáo viên dạy hợp đồng từng năm. Nếu tôi không dạy được thì chủ trường sẽ mời gọi giáo viên khác thay thế!

Tôi có một điện thoại thông minh, nhưng nó không thể thay thế cho một máy tính để bàn hay một laptop. Bây giờ có đến được các cửa hàng điện tử, thì cũng bế tắc bởi cửa hàng nào cũng đóng cửa, thực hiện nghiêm tăng cường giãn cách “Ai ở đâu ở yên đó”.

Nhưng tôi không thể cứ nằm dài ở nhà, chờ đợi cái ngày chủ trường tuyên bố sa thải. Tôi muốn được là người hữu dụng, muốn được làm việc, muốn được tiếp tục cái thiên chức cao quý ấy, muốn có thu nhập chính đáng từ công việc. Tôi không muốn đầu hàng số phận, không muốn trở thành một người thừa thãi.

Dạy và học ở TP.HCM khi chưa giãn cách xã hội

ĐỘC LẬP

Thế là một ngày cuối tháng 8.2021, đeo khẩu trang kín mít, tôi đánh bạo đi bộ từ địa bàn quận Tân Phú đến quận Tân Bình với một hy vọng mong manh là mua được một cái microphone và một cái webcam, vừa đi vừa tự trấn an là mình đã có “thẻ xanh vắc xin”.

Len lỏi qua nhiều chốt chặn, nhiều đoạn đường, con hẻm có dây giăng, bàn ghế, hàng rào ở những vùng xanh, tôi đến được một cửa hàng điện tử và mua được ở đó một cái microphone.

Chút ánh sáng hy vọng vừa lóe lên, tôi lại len lỏi đến một cửa hàng lớn đã đóng cửa. Ở đó, tôi nói với anh bảo vệ rằng tôi xin được chi trả 200.000 đồng để nhờ anh gọi điện kêu một nhân viên ra bán hàng. Nài nỉ mãi nhưng tôi đều bị từ chối.

Thất vọng, lủi thủi ra về, tôi đi bộ qua nhiều cửa hàng điện tử, điện gia dụng còn mở he hé cửa, đứng nhìn rất lâu, chờ đợi, rồi lại thất vọng bỏ đi. Nhìn dáng điệu của tôi, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi là một kẻ trộm đang rình mò các cửa hàng.

Tôi về gần đến nhà, niềm hy vọng dần tiêu tan. Từ nay tôi sẽ không còn được gặp lại những gương mặt thân quen của bạn đồng nghiệp, những cô cậu học trò; không còn được truyền giảng những kiến thức chuyên môn mà mình ưa thích và hàng ngày phải chứng kiến cái nhìn thất vọng, buồn bã của những người thân.

Học sinh ở TP.HCM

ĐỘC LẬP

Đi tắt qua một con hẻm quen thuộc, tôi dừng lại trước một căn nhà nhỏ có dán hình ảnh những thiết bị điện tử, nhưng nhà đã đóng cả 2 cửa. Nhìn 2 dãy số điện thoại trên bảng hiệu, tôi liền gọi điện nhưng không có ai bắt máy. Quyết không bỏ cuộc, tôi kêu thật to nhưng cửa hàng vẫn im ỉm đóng. Giờ phút này, không thể bỏ về nên tôi kiên nhẫn đứng đợi.

Thấy tội nghiệp, ông chủ nhà phía đối diện cửa hàng bước ra hỏi tôi. Tôi liền đáp: “Tôi muốn mua một cái webcam. Sắp đến ngày dạy học trực tuyến là ngày 6.9”.

Nghe đến đấy, ông ấy bước lên lầu, lấy điện thoại ra gọi. Ngay sau đó, một người phụ nữ một tay bồng con, một tay mở cửa. Tôi như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Cô ấy bán cho tôi một webcam và có phần ngạc nhiên khi tôi vồ vập lấy cái máy mà không hỏi han gì đến giá cả, phiếu bảo hành, văn bản hướng dẫn sử dụng...

Từ ngày 6.9.2021, tôi đã được lên lớp trực tuyến, học sinh các lớp tôi dạy dự học khá đông và các em chăm chú nghe, ghi chép bài khá nghiêm túc, không có một số hiện tượng quậy phá như trong năm học trước.

Dừng đến trường nhưng thầy và trò không dừng dạy và học. Dù phải sống chung với Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn ra sức dạy tốt và học tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.