Vượt rào tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp

06/03/2012 03:46 GMT+7

Dù Bộ GD-ĐT đã có quyết định bắt đầu từ năm 2012, trường ĐH chỉ đào tạo bậc CĐ trở lên, nhưng hiện nhiều trường vẫn tìm mọi cách để tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Dù Bộ GD-ĐT đã có quyết định bắt đầu từ năm 2012, trường ĐH chỉ đào tạo bậc CĐ trở lên, nhưng hiện nhiều trường vẫn tìm mọi cách để tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Tuyển chỉ tiêu của năm ngoái

Ngày 28.2.2012 trên website của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đăng thông báo do PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng ký với nội dung: Thông báo xét tuyển TCCN năm… 2011 (còn 450 chỉ tiêu), với 21 ngành đào tạo như dược sĩ, thẩm mỹ sắc đẹp, y sĩ đa khoa, điện - điện tử, công nghệ thông tin… Nhập học đợt 1 từ 25.3 và đợt 2 từ 29.4.

 
Nhiều trường ĐH thông báo tuyển sinh TCCN trên website

 

Thông báo tuyển sinh là sai quy định

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 5.3, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Trung cấp chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT cho biết, hiện có gần 30 trường ĐH gửi văn bản đến Bộ đề nghị được đào tạo TCCN nhưng Bộ chưa cho phép. Tất cả các trường ĐH vẫn phải thực hiện theo quy định là không được đào tạo hệ TCCN. Sắp tới, căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, Bộ mới xem xét đến đặc thù của địa phương hoặc đặc thù của từng trường để cho phép có đào tạo hệ này hay không. Vì vậy những trường ĐH thông báo đào tạo hệ TCCN là sai quy định.

Vũ Thơ

Trước câu hỏi tại sao trường vẫn tuyển sinh hệ TCCN, một cán bộ phòng tuyển sinh của trường lúng túng lý giải: “Bộ quyết định đột ngột quá nên các trường cũng khó khăn. Đây là số chỉ tiêu năm ngoái chúng tôi được tuyển nhưng chưa tuyển hết nên chuyển sang năm nay. Trường đã đầu tư rất mạnh vào cơ sở vật chất của nhiều ngành học, trong đó có khối ngành y dược nên rất muốn tận dụng để đào tạo cả 3 bậc học cho đỡ lãng phí”. Đặt vấn đề về việc sẽ cấp bằng thế nào với những sinh viên TCCN này nếu Bộ không cấp phôi bằng cho bậc TCCN tại các trường ĐH khóa học 2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng, khẳng định: “Vẫn còn dư phôi bằng cũ”.

Trong khi đó, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo trên website tuyển sinh thường xuyên bậc học này. ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM dù không có thông báo chính thức nhưng trên tài liệu phát cho học sinh vẫn có thông tin tuyển bậc TCCN. Thông tin này cũng gửi cho Vụ Giáo dục chuyên nghiệp để làm tư liệu cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh TCCN năm 2012. Thạc sĩ Trần Ái Cầm - Phó hiệu trưởng, giải thích: “Thực ra trường cũng đang trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT về việc đào tạo khối sức khỏe là khối ngành đặc thù của trường, gồm các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ, mắt kính và may. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã có Trường trung cấp Kinh tế công nghệ Gia Định thuộc hệ thống giáo dục đào tạo của trường, chúng tôi đang trong thời gian làm thủ tục thay đổi hội đồng quản trị, tên trường… Đó là lý do trường vẫn tuyển sinh bậc học TCCN”.

Nhờ đến Bộ chủ quản

Để tăng khả năng thuyết phục đối với Bộ GD-ĐT, rất nhiều trường đã làm công văn có chữ ký của Bộ chủ quản yêu cầu được đào tạo TCCN. Trường ĐH Y Dược TP.HCM với sự can thiệp của Bộ Y tế, muốn xin khoảng 600 chỉ tiêu bậc TCCN. ĐH Tài nguyên - Môi trường cũng đã gửi 2 công văn, trong đó công văn gần đây nhất có chữ ký của lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, xin 550 chỉ tiêu cho các ngành khí tượng học, thủy văn, kỹ thuật trắc địa, quản lý đất đai, kỹ thuật môi trường. Thạc sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng, tin rằng Bộ GD-ĐT sẽ đồng ý vì có những ngành chưa có nơi nào đào tạo như khí tượng học, kỹ thuật trắc địa, thủy văn.

Không ngoài cuộc, ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu bậc ĐH và CĐ, thế nhưng vẫn mong muốn được tuyển khoảng 5.000 chỉ tiêu bậc TCCN như mọi năm. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng, cho biết: “Chúng tôi đã có đơn xin Bộ nhưng chưa có phản hồi. Trường cũng có đặc thù là đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công thương và cho xã hội nên nếu không được đào tạo sẽ ảnh hưởng tới nhân lực của ngành”. Ông Hoàn cho biết trong trường hợp không được, trường sẽ có 2 phương án: một là thành lập trường TCCN, hai là chuyển chỉ tiêu sang CĐ nghề. “Tuy nhiên, như vậy sẽ khó khăn trong việc đăng ký với Tổng cục Dạy nghề và khó khăn về tuyển sinh vì nhiều em thích học trung cấp hơn, chỉ mất có 2 năm trong khi CĐ nghề mất tới 3 năm” - ông Hoàn cho biết.

 

Ý kiến

Không nên vi phạm

“Một số trường xin Bộ nhưng chưa nhận được sự đồng ý của Bộ đã thông báo tuyển sinh công khai trên website hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, theo tôi như vậy là không nên. Bộ đã ra chủ trương và có quyết định bằng văn bản thì các trường cũng nên chấp hành để không bị vi phạm về mặt pháp lý”.

PGS-TS Hồ Đắc Lộc
(Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM)

Thế nào là đặc thù?

“Nếu như Bộ vẫn xem xét đến đặc thù của địa phương hoặc đặc thù của từng trường để quyết định cấp chỉ tiêu cho bậc TCCN hay không, thì phải có tiêu chí rõ ràng rằng thế nào là đặc thù? Tôi cho rằng cái này rất khó để có một định nghĩa cụ thể. Còn rõ ràng các trường thông báo tuyển sinh trong khi chưa được sự đồng ý của Bộ là sai.

Ông Lưu Đức Tiến
(Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT TP.HCM)

Cần làm triệt để

“Cách làm này của Bộ sẽ khiến sự việc trở lại như cũ. Rồi các trường lại đua nhau tìm mọi cách để được cấp phép đào tạo TCCN. Một khi Bộ đã ra chủ trương thì phải làm triệt để, làm đến cùng chứ không nên mở đường cho các trường bằng cụm từ “sẽ xem xét”. Trường trung cấp thì cố gắng để lên CĐ, lên được rồi lại cố nâng thành trường ĐH, sau đó lại đào tạo ôm đồm cả 3 bậc học là hết sức nhập nhèm và lộn xộn. Cứ để các trường TCCN làm nhiệm vụ của mình, học sinh muốn học cao hơn đã có liên thông”.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm
(Phó phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM)

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.