Nhiều nông dân ở Đắk Lắk làm xiếc bất đắc dĩ khi hằng ngày đi làm phải qua sông, qua suối bằng một sợi cáp mỏng manh.
|
Con suối Ea Rếch (còn gọi là suối 34) chảy qua thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar, H.Buôn Đôn (Đắk Lắk) đổ ra sông Sêrêpốk vào mùa này nước chảy xiết, lòng suối rộng hơn 15 m, sâu từ 3 - 4 m nước.
Phần lớn nương rẫy canh tác của hai thôn đều bên kia suối, muốn qua rẫy đi đường vòng tránh suối thì mất 15 km, người dân không còn cách nào khác là phải đu mình trên dây cáp thép nối hai bên bờ suối. Ở thôn 7 có một dây cáp, còn thôn 8 có hai dây kéo qua suối. Mỗi dây một đầu buộc vào một gốc cây rừng, đầu kia buộc vào cọc gỗ, chiếc giỏ sắt tạm bợ treo vào dây cáp bằng hai ròng rọc để di chuyển qua lại.
Lơ lửng hiểm họa
Ai chứng kiến cảnh qua suối mới thấy hết nguy hiểm chực chờ trên những sợi dây cáp nhỏ bé. Ông Đỗ Văn Trình, ngụ xã Ea Wer (H.Buôn Đôn), suýt nữa làm rơi chiếc xe máy xuống suối sâu. Khi cột chiếc xe máy bằng một ròng rọc phụ để kéo, chưa kịp lên hết bờ dốc bên kia, ông Trình tuột tay, chiếc xe trôi ngược trở lại theo dây cáp lơ lửng giữa suối. Mãi sau, nhờ một người qua đường phụ giúp, ông Trình mới đưa được chiếc xe lên bờ. “Cách đây mấy hôm, người làm công của tôi không cẩn thận, đu dây cáp qua thì bị rớt xuống suối, may mà biết bơi, nếu không thì khó cứu kịp giữa dòng nước xiết”, ông Trình kể.
Ông Nguyễn Duy Tư, cán bộ kế hoạch xã Ea Huar, cho biết mùa khô suối Ea Rếch rất cạn, chỉ cần xắn quần có thể lội qua dễ dàng nhưng vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, dòng suối phình to, trở nên hung hãn khó lường. Theo ông Tư, ngay cả cán bộ xã muốn khảo sát ruộng rẫy, đất đai cũng phải qua suối bằng dây cáp. “May mắn là mấy năm nay không có tai nạn thiệt hại về người khi qua suối nhưng người bị thương, xây xát do không biết cách điều khiển qua sông, té ngã hoặc rơi mất dụng cụ, phân bón xuống suối thì vẫn thường xảy ra”, ông Tư nói.
Vẫn phải chờ cầu
Theo ông Trần Văn Hải - Chánh văn phòng UBND xã Ea Huar, trước đây có một cầu tạm bắc qua suối Ea Rếch nhưng bị lũ lớn đẩy trôi, người dân hai thôn 7 và 8 lo ngại làm cầu lại thì vẫn bị trôi nên kéo dây cáp để qua suối. Ông Hải cũng cho biết vào tháng 7.2013, UBND xã Ea Huar đã có tờ trình đề nghị UBND H.Buôn Đôn và Sở GTVT Đắk Lắk hỗ trợ kinh phí xây cầu dân sinh phục vụ cho khoảng 600 hộ dân canh tác gần 2.000 ha đất bên kia suối Ea Rếch. “Vừa qua, các ngành chức năng có về xã khảo sát và cho biết có chủ trương xây cầu nhưng đến khi nào triển khai thì chưa rõ, người dân vẫn phải chờ”, ông Hải phân trần.
Trả lời Thanh Niên, Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk Đỗ Bình Chính cho rằng việc người dân tự phát kéo dây cáp qua sông là rất thiếu an toàn, Sở GTVT cùng Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu các địa phương chỉ đạo tháo gỡ nhưng khó xóa bỏ triệt để vì nhu cầu của người dân. “Qua thống kê, cả tỉnh Đắk Lắk có đến 300 cầu tạm, cầu khỉ qua sông suối; do đó việc xây dựng thay thế toàn bộ bằng cầu dân sinh cần nguồn vốn rất lớn, khó làm xuể trong thời gian ngắn”, ông Chính nhận định.
Không chỉ ở xã Ea Huar, nhiều năm nay cũng có cảnh qua sông bằng dây cáp tương tự diễn ra ở xã Hòa Lễ, H.Krông Bông và xã Krông Nô, H.Lắk (Đắk Lắk). Mới đây, người dân xã Hòa Lễ một phen thót tim khi có một phụ nữ trong vùng rơi xuống sông do đứt dây cáp nhưng may mắn thoát chết. |
Ngọc Quyền
>> Cầu treo xuống cấp
>> 171 cầu treo có nguy cơ mất an toàn
>> Cầu treo nguy hiểm
Bình luận (0)