Hôm 18.12 (giờ Mỹ) là ngày dồn dập tin xấu với hãng mạng xã hội Facebook. Theo The Washington Post, Tổng chưởng lý Washington D.C. cho biết sẽ kiện Facebook vì bê bối Cambridge Analytica.
tin liên quan
Mark Zuckerberg từ chối rời chức Chủ tịch Facebook“Chúng tôi đang xem xét khiếu nại và mong muốn tiếp tục thảo luận với các luật sư ở D.C. và nơi khác”, phát ngôn viên Facebook cho hay. Tổng chưởng lý thành phố Mỹ cho biết mức phạt tối đa theo Đạo luật là 5.000 USD cho mỗi vi phạm. Hiện vẫn chưa rõ đâu sẽ là hành vi vi phạm theo Đạo luật.
Theo giới công tố viên, 852 người dùng ở Washington D.C. tải xuống ứng dụng sai lệch do Cambridge Analytica cung cấp. Một nửa dân số D.C., tương đương 340.000 người, bị thu thập dữ liệu vì họ là bạn của những người dùng ban đầu. Điều này có nghĩa là Facebook có thể đối mặt khoản phạt lên đến 1,7 tỉ USD nếu tất cả 340.000 trường hợp trên bị xem là “vi phạm”. Động thái của Washington D.C. không phải một phần của nỗ lực bao gồm nhiều tiểu bang, Tổng chưởng lý Washington D.C. Karl Racine cho hay.
|
Cũng trong ngày 18.12, Facebook thừa nhận cho phép nhiều hãng công nghệ lớn đọc tin nhắn riêng tư của người dùng, song phủ nhận rằng hãng làm thế mà không có sự đồng thuận.
Phản hồi trên được Facebook đưa ra sau khi The New York Times điều tra và phát hiện hãng Mỹ cho phép nhiều công ty, trong đó có Netflix, Spotify và Royal Bank of Canada quyền đọc, viết và xóa tin nhắn riêng của người dùng. Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft cũng được phép xem tên của hầu hết bạn bè người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ.
Facebook cho biết hãng cho phép các hãng đối tác như Spotify truy cập tin nhắn riêng tư của người dùng sau khi người dùng đăng nhập vào Facebook thông qua ứng dụng đối tác. Trong khi đó, phát ngôn viên Spotify tuyên bố không biết về quyền mà Facebook trao cho mình, còn Royal Bank of Canada thì nói rằng ngân hàng không có quyền truy cập kể trên.
Bài viết trên tờ The New York Times dẫn nguồn hàng trăm tài liệu, cuộc phỏng vấn nội bộ với hơn 50 nhân viên cũ Facebook. Bài viết cho hay Facebook cũng cho phép Amazon có tên người dùng và thông liên lạc thông qua bạn bè của họ, trong khi Yahoo thì có thể xem bài đăng của bạn bè người dùng vào mùa hè vừa qua.
Bài báo cho thấy Facebook chia sẻ nhiều thông tin cá nhân người dùng hơn những gì doanh nghiệp tiết lộ trước đó. Tổng cộng, Facebook có thỏa thuận chia sẻ thông tin với hơn 150 doanh nghiệp. Đổi lại, thỏa thuận dạng này giúp Facebook có nhiều người dùng hơn.
“Để nói rõ thì không có sự hợp tác hay tính năng nào trong số này cho phép doanh nghiệp có quyền truy cập thông tin mà không có sự đồng ý từ người dùng, hoặc không có sự hợp tác hay tính năng nào trong số này vi phạm thỏa thuận của chúng tôi với Ủy ban Thương mại Liên bang hồi năm 2012”, Facebook viết trong một bài blog.
Hãng Mỹ cho biết đã đóng cửa quy trình “cá nhân hóa tức thời” vào năm 2014. Chương trình này cho phép người dùng liên kết tài khoản Facebook cá nhân với nhiều dịch vụ khác để xem thông tin công khai mà bạn bè họ chia sẻ. Tuy nhiên, Facebook thừa nhận phần mềm cho dịch vụ được giữ nguyên sau khi hãng đóng cửa quy trình. Đây là điểm có thể cho phép các nhà phát triển tiếp tục truy cập thông tin người dùng. Hãng mạng xã hội tuyên bố “không có dữ liệu bằng chứng nào được dùng hoặc bị dùng sai sau khi chương trình bị hủy”.
Cận cuối ngày giao dịch, cổ phiếu Facebook rớt giá 5,11% xuống còn 136,32 USD. Cổ phiếu Facebook đã giảm khoảng 20% năm nay vì nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo và gánh thêm quy định, kiểm soát của doanh nghiệp.
Bình luận (0)