Năm 2017, VN chỉ giải ngân được khoảng 11% (trong tổng số vốn vay hơn 9,5 tỉ USD). Có nhiều lý do cho việc chậm trễ này, trong đó nổi lên vấn đề thiếu vốn đối ứng từ phía VN, việc mắc trần nợ công và giới hạn của giải ngân ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua (chỉ giải ngân tối đa 300.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020).
Ông Ousmane cho biết WB rất lo lắng và muốn có những thảo luận mang tính chất xây dựng với các cơ quan chức năng VN, nâng cao nhận thức và tìm ra được giải pháp cùng nhau.
Theo ông Ousmane, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội tăng thêm 60.000 tỉ đồng giải ngân ODA có thể giúp việc giải ngân được cải thiện. Trước đó, VN đã nhận được nhiều phàn nàn của các đối tác, nhất là phía Nhật Bản, về việc giải ngân ODA quá chậm.
Báo cáo giám sát việc thực hiện ODA của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10 cũng chỉ ra bất cập trong giải ngân ODA gần đây, theo đó nếu giải ngân đủ cho các dự án, hiệp định vay đã ký kết đến 31.12.2016 thì VN thiếu 60.000 - 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa kể những dự án, hiệp định ký kết từ sau ngày này.
Nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ để tháo gỡ vướng mắc thì sẽ dẫn đến giải ngân vượt hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính. Hiện nay vẫn chưa có cách giải quyết căn cơ tình trạng này.
Bình luận (0)