WHO có đang ‘lãng quên’ chiến lược giảm tác hại?

23/02/2024 09:00 GMT+7

Các bên hiện đang kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia thành viên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) xem xét công tâm đối với chiến lược giảm tác hại thuốc lá thông qua các sản phẩm thuốc lá mới đã được kiểm chứng khoa học.

Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia đã đưa ra dữ liệu thực tế gần nhất về các nước đã và đang thực thi quản lý thuốc lá mới so với những quốc gia áp dụng lệnh cấm các sản phẩm này.

Lời kêu gọi này được đưa ra dựa trên Điều 1 (d) của FCTC: "Kiểm soát thuốc lá bao gồm một loạt các chiến lược về cung, cầu và giảm tác hại nhằm cải thiện sức khỏe của người dân bằng cách loại bỏ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá và giảm phơi nhiễm với khói thuốc".

Giảm tác hại bằng các giải pháp thay thế: Nhiều quốc gia đang hái "quả ngọt"

Đầu tháng 2.2024, trong bài viết mới nhất trên tạp chí y tế hàng đầu thế giới The Lancet, hai vị giáo sư kiêm cựu lãnh đạo WHO, Robert Beaglehole và Ruth Bonita, một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của chiến lược giảm tác hại thông qua những dữ liệu đời thực từ các quốc gia đã áp dụng, và mong muốn Tổ chức này xem xét hướng tiếp cận này trên cơ sở giảm tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá gây ra.

WHO có đang ‘lãng quên’ chiến lược giảm tác hại?- Ảnh 1.

Trong nội dung bài viết, hai giáo sư cũng nêu rõ, hiện các nước phát triển như New Zealand, Thụy Điển, Na Uy, Anh, Nhật Bản… đều không cấm các sản phẩm thuốc lá không khói thế hệ mới. Trong khi đó có 34 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, lại đang cấm thuốc lá điện tử.

Các giáo sư đánh giá: Việc phản đối các sản phẩm thuốc lá giảm tác hại của WHO là không có cơ sở, đồng thời cũng bị tác động quá mức từ những người chỉ chấp nhận việc cai hoàn toàn nicotine. Hướng tiếp cận như vậy chỉ càng bảo hộ cho tính "độc quyền" của sản phẩm thuốc lá độc hại nhất, đó là thuốc lá điếu đốt cháy truyền thống.

Dữ liệu đến hiện nay cho thấy, tại Anh quốc, kể từ năm 2017, đã có 50.000 người hút thuốc cai thuốc thành công nhờ chuyển sang sử dụng sản phẩm nicotine thay thế (thuốc lá mới).

Con số này tại Pháp thậm chí còn nhiều hơn gấp 14 lần. Theo Cơ quan y tế Pháp, chỉ trong 7 năm từ 2010-2017, các sản phẩm thay thế đã giúp 700.000 người Pháp cai thuốc thành công. Như vậy cứ mỗi năm, tỷ lệ cai thuốc bằng cách sử dụng các sản phẩm thay thế đạt tới 0,7% trên tổng số 13 triệu người hút thuốc tại quốc gia này.

Tại Thụy Điển, việc chuyển sang các sản phẩm thay thế không khói như thuốc lá ngậm snus đã giúp giảm 70% số ca tử vong liên quan đến hút thuốc so với các nước láng giềng.

Tại Indonesia, nơi từng có hơn 60 triệu người hút thuốc cũng đã có khoảng 3 triệu người sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine. Giải pháp này vẫn phát huy hiệu quả, giúp giải quyết vấn nạn hút thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc ở Indonesia.

Cũng trong sự kiện quốc tế Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) do WHO tổ chức vừa qua tại Panama, đại diện Philippines cho biết quốc gia này đã sử dụng nguồn thu 3 tỉ đô-la từ thuốc lá và thuốc lá mới để hồi phục kinh tế sau Covid-19 cũng như đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu. Không chỉ thế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của quốc gia này cũng giảm đáng kể từ 23,8% năm 2015 xuống 19,5% vào năm 2021.

Lời kêu gọi có được phản hồi?

Cũng trong nội dung được đăng tải trên tạp chí Lancet, hai tác giả Robert Beaglehole và Ruth Bonita thể hiện mong muốn: "Chúng tôi tin rằng WHO cần thể hiện vai trò lãnh đạo theo hướng tích cực và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia khi họ cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm cung thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá ngậm snus, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá không khói khác".

Theo đó, hai học giả này khẳng định WHO cần thể hiện vai trò lãnh đạo theo hướng tích cực, cởi mở, tư vấn linh động cho các quốc gia khi họ cân nhắc chính sách quản lý thuốc lá mới, chứ không phải áp đặt khuyến nghị FCTC một cách cứng nhắc ở tất cả các thị trường. Bài viết nhấn mạnh, hệ lụy cho cách tiếp cận rập khuôn này chính là chỉ khiến các quốc gia ngày càng xa rời mục tiêu sức khỏe cộng đồng quan trọng hơn, đó là giảm thiểu số ca tử vong do thuốc lá điếu gây ra ở người trưởng thành hút thuốc.

Đến nay, mặc dù WHO vẫn chưa hoàn toàn đón nhận các giải pháp giảm tác hại, cũng như tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước nâng cao cảnh giác trước sự xuất hiện của những sản phẩm này, nhưng tại kỳ họp COP10 các đại biểu tham dự đã có một quyết định có tính lịch sử. Đó là, đồng ý thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục xem xét, đánh giá và đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 sắp tới (năm 2025) đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, thay vì đưa ra kết luận tại kỳ họp năm nay. Quyết định này được các chuyên gia đánh giá là động thái tích cực của WHO góp phần làm dịu đi sự bất bình của các chuyên gia khi Tổ chức này vẫn "phớt lờ" chiến lược giảm tác hại do chính họ đã đặt ra.

WHO có đang ‘lãng quên’ chiến lược giảm tác hại?- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật của kỳ họp COP10 chính là điều 2.1 kêu gọi các bên thực thi chính sách đo lường, kiểm soát thuốc lá vượt ngoài khuyến nghị của Công ước FCTC để đạt được mục đích mà mỗi quốc gia đặt ra trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.