Tìm sâm khó hơn tìm vàng

27/10/2013 09:25 GMT+7

Ở Kon Tum, đất của sâm Ngọc Linh là xã Măng Ri và Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông. Thế nhưng do khai thác triệt để, sâm Ngọc Linh ngày càng hiếm đi, thị trường lại xuất hiện sâm Ngọc Linh giả.

Một thời sâm đổi... kem

 
Xã Măng Ri dưới chân dãy Ngọc Linh, được xem là thủ phủ mua bán sâm Ngọc Linh

Nghe khách hỏi mua sâm Ngọc Linh, Phó công an xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, ông A Đăng trố mắt nhìn tôi từ đầu đến chân: “Ở đây sâm dây quán nào cũng có bán. Sâm rừng thì mùa này làm gì có nữa mà mua?”. Nói đoạn, ông A Đăng chỉ lên ngọn núi xanh xa xa có làn sương trắng như tấm voan phủ lên mờ mờ nói nửa thật nửa đùa: “Núi Ngọc Linh đó, muốn sâm thì lên đó mà kiếm”.

Trò chuyện, ông A Đăng bảo, nói là sống trên đất sâm Ngọc Linh nhưng loại củ sâm trồng nho nhỏ thì thấy rồi, còn củ sâm tự nhiên lấy từ núi Ngọc Linh cao gần 2.600 m kia thì từ ba năm trở lại đây ông không thấy nữa. Trong ký ức của mình, ông A Đăng vẫn nhớ chuyện già làng và đàn ông ở đây mỗi lần đi rừng Ngọc Linh về đều mang cả ba lô hay non non 1/3 bao đựng gạo (loại 25 kg) củ sâm. Sau đó, sợ sâm mốc nên mang ra phơi khô để đó dùng dần như “người Kinh dưới đồng bằng ăn khoai lang”.

Còn Bí thư Xã đoàn Măng Ri, anh A Mon kể: “Hồi đó không ai biết mua bán sâm Ngọc Linh. Cha tôi đi rừng về vác cả bao sâm, cho tụi tôi vài củ. Tụi tôi đợi mấy người bán kem dạo hay bong bóng vào đổi. Cứ mỗi củ sâm đổi được... một cây kem, hoặc hai cái bong bóng thổi chơi”. Theo A Mon, có thể mấy người bán kem, bong bóng dạo ban đầu không biết giá trị sâm này, nhưng sau đó biết được vậy mà vẫn đổi “rẻ như cho”.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng Phó bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông, ông Đỗ Tấn Dạng bảo: “Cái đó thiệt chứ không chơi. Hồi tụi tôi đi công tác ở xã Măng Ri, đồng bào cho ít thì 4-5 củ sâm, nhiều thì cả chục củ, nhưng tụi anh chê vì mang trên ba lô... mệt, nên không lấy”.

 

Cha tôi đi rừng về vác cả bao sâm, cho tụi tôi vài củ. Tụi tôi đợi mấy người bán kem dạo hay bong bóng vào đổi. Cứ mỗi củ sâm đổi được... một cây kem, hoặc hai cái bong bóng thổi chơi

Anh A Mon, Bí thư Xã đoàn Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông

Sâm giả tận... ruột

Đường bê tông vào UBND xã Măng Ri dài hơn 500 m, có hàng loạt quán mọc lên. Phan Thế Nhuận, quê ở tỉnh Hà Nam vào buôn bán gần 10 năm ở đây khẳng định: “Quán nào cũng mua bán sâm hết. Có điều đến hôm nay tìm được củ sâm Ngọc Linh tự nhiên chính hiệu còn khó hơn vàng”. Tôi ngỏ ý muốn mua củ sâm nhỏ để dùng, Nhuận lắc đầu: “Nói thiệt, quán em không có. Còn hàng chục quán ở đây, nếu có chỉ một vài quán thôi, mà có cũng chỉ vài củ, may mắn lắm mới mua được”. Thế rồi Nhuận khuyên khách nên mua sâm Ngọc Linh được trồng, không nên mua sâm tự nhiên vì “sâm bây giờ giả tận... ruột” dù chúng tôi đang đứng tại Măng Ri, nơi được coi là “thánh địa” của sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.

Thấy tôi ngạc nhiên, bởi đâu đâu người ta cũng rao bán sâm tự nhiên Kon Tum mà vì sao tại “thủ phủ chính hãng” lại nói là sâm giả? Nhuận giải thích: Mấy năm nay, sâm Ngọc Linh có giá, đoàn người bản xứ lên núi Ngọc Linh tìm sâm ngày càng nhiều, vơ sạch từ lớn đến nhỏ để bán, dù việc này đã bị cấm từ lâu. Vì vậy sâm hiếm dần. “Lâu lâu có người tìm được củ sâm. Vừa ra tới đầu rừng đã có người mua nóng ngay, có đâu nữa mà mang về bán cho các hàng quán tại chỗ, nói gì đến quán xá ở ngoài huyện và các thành phố lớn”, Nhuận nói. Cũng theo Nhuận, chỉ có ai buôn bán sâm uy tín lâu nay mới mua được hàng.

 
Phan Thế Nhuận: “Sâm Ngọc Linh giờ đã hiếm rồi, chỉ có sâm dây và sâm giả thôi!”  - Ảnh: Phạm Anh     

Theo giới thiệu của một người quen, tôi và anh bạn đồng nghiệp ở Báo Kon Tum vào nhà một chủ buôn bán sâm Ngọc Linh ở thị trấn Đăk Tô (Kon Tum) “xem hàng”. Ban đầu, chị V. chủ nhà hồ hởi vào trong nhà mang ra một gói to, mở mấy lớp giấy báo, ni lông, hai củ sâm to bằng ngón tay cái, dài khoảng gang tay còn nguyên lá rất đẹp. Chị V., bảo là hàng hiếm, mới mua được vài ngày và nếu mua sẽ bán giá 20 triệu đồng. Cũng theo chị V., lâu nay sâm Ngọc Linh giả phần nào đã làm hạ giá của sâm Ngọc Linh thật.

Hỏi vì sao có sâm giả tại đây, một người quen đang công tác ở Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông cho biết, mấy năm nay củ vũ diệp tam thất được tuồn từ Trung Quốc vào tận các thôn làng ở huyện Tu Mơ Rông. “Mỗi ký tam thất chỉ mấy chục ngàn đồng, trong khi đó, mỗi ký sâm Ngọc Linh là mấy chục triệu đồng”, người này nói. Theo đó, các củ tam thất khi về vùng sâu, vùng xa Tu Mơ Rông thì đưa cho người dân tộc chôn xuống đất để... dính tí đất Kon Tum cho dễ qua mặt khách hàng. Có điều, sâm Ngọc Linh thứ thiệt không bao giờ có tí đất bám vào. Vì sâm này sống trên thảm mục cây rừng, làm gì dính đất.

Ngày một cạn kiệt

Một chủ mua bán sâm có thâm niên gần 20 năm ở thị trấn Đăk Tô tên Quán cho biết, mấy năm nay loại củ ráy, tam thất từ Trung Quốc được nhập vào để trà trộn với sâm thật, rất nhiều người không phân biệt được thật - giả. Chỉ dân sành sâm Ngọc Linh nhìn bề ngoài sẽ nhận ra sâm giả: đó là sâm Ngọc Linh thật, lá mọc so le, còn củ sâm giả, lá mọc thẳng. “Khi ngâm rượu thì hai loại sâm Ngọc Linh và tam thất có mùi, vị, màu nước như nhau. Nhưng nhấm sâm Ngọc Linh, ban đầu thấy vị đắng, sau đó có vị ngọt. Củ ráy, tam thất khi bẻ ra có ruột trắng như củ mì, cắn vào sẽ cay xé miệng”, anh Quán giải thích.

Theo anh Quán, sâm giả nhập vào là do sâm Ngọc Linh ngày càng cạn kiệt. Ngày trước mua củ sâm Ngọc Linh 1 - 2 kg là chuyện thường, nhưng “lâu lắm rồi chưa mua được loại sâm này”. Khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, may mắn lắm anh Quán mới mua được sâm Ngọc Linh củ 3 lạng, còn lại 4 - 5 củ/kg tươi, giá 17 triệu đồng; hay 3 củ/kg giá 30 triệu đồng. Theo anh Quán, giá sâm Ngọc Linh khô xịn 100% hiện nay giá trên 200 triệu đồng, còn lại loại 2 củ/kg sâm Ngọc Linh tươi cũng 50-60 triệu đồng.

Kỹ sư Võ Khắc Phục, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tu Mơ Rông, cho biết để bảo tồn sâm Ngọc Linh, địa phương đã hai lần cấp giống cho đồng bào thiểu số ở các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Tê Xăng trồng trong rừng. Có điều, giống sâm này khó nhân rộng và rất đắt. Năm 2012, huyện đặt Công ty TNHH lâm trường Đăk Tô để cấp cây giống cho đồng bào nhưng không có. Đến giữa năm 2013 giống này mới có thì mỗi mầm giống là 50.000 đồng, còn nếu mua ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thì 80.000 - 90.000 đồng/mầm. “Thế nhưng không phải ai được cấp để trồng sâm Ngọc Linh cũng đảm bảo sống. Bởi đã từng cấp cho dân xã Ngọc Lây, nhưng có hộ giữ được, hộ thì để chết cả”, ông Phục nói. 

Phát triển 1.000 ha sâm ngọc linh

Phó bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông, ông Đỗ Tấn Dạng cho biết: Huyện và tỉnh Kon Tum cũng có nghị quyết hẳn hoi về việc phát triển diện tích cây sâm Ngọc Linh. Kế hoạch đến năm 2022, huyện Tu Mơ Rông phát triển 1.000 ha sâm Ngọc Linh. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư 567 tỉ đồng vào dự án này, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào để phát triển sâm quý cũng như ngăn chặn tình trạng giả sâm Ngọc Linh bán trên thị trường.

Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay tại Quảng Nam đã thành lập Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (gọi tắt là Trung tâm phát triển sâm) là đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.

 
Củ sâm Ngọc Linh  

Phạm Anh

>> Thiên đường công nghệ trên xứ củ sâm
>> Trả nợ bằng nhân sâm
>> Lưu ý khi dùng nhân sâm
>> Cách ngâm rượu bổ nhân sâm
>> Công dụng của nhân sâm và hạt lanh
>> Có phải mọi loại nhân sâm đều bổ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.