World Cup 2022: Chuyện thú vị của hai nền bóng đá Đức và Nhật Bản

23/11/2022 09:14 GMT+7

Dù đến từ hai châu lục khác nhau, vị thế và đẳng cấp khác nhau nhưng tuyển Đức và Nhật Bản cũng có những mối liên hệ thú vị.

Tính từ tháng 8.2021 (tức sau VCK EURO 2020), tuyển Đức giành lại được bóng ở 1/3 mặt sân phía cầu môn đối phương, bình quân 7,4 lần/trận. Giành lại được quả bóng như thế chính là chi tiết cốt lõi trong khái niệm “pressing tầm cao” mà giới chuyên môn thường hay nói đến trong vài năm gần đây. Trong số 32 đội bóng dự VCK World Cup 2022 thì Đức là đội đứng thứ nhì về chỉ số này. Đâu là đội duy nhất tại World Cup 2022 có tần suất pressing tầm cao thành công hơn cả Đức? Thật thú vị: đấy chính là đội Nhật Bản!

Daichi Kamada (9) đang chơi bóng ở Đức là trụ cột của tuyển Nhật Bản

Reuters

Mối liên hệ giữa hai nền bóng đá tưởng chừng chẳng mấy liên quan, Đức và Nhật, thật ra là vô cùng chặt chẽ, vượt xa sự hình dung của giới hâm mộ trung lập. Có một chi tiết chuyên môn quan trọng, ít ai lưu ý: Đức - chứ không phải Nhật - là nơi cung cấp tuyển thủ nhiều nhất cho tuyển Nhật tại VCK World Cup năm nay! Có 8 “chiến binh Samurai” đến từ sân cỏ Đức (7 cầu thủ thuộc Bundesliga, 1 cầu thủ thuộc giải hạng nhì Bundesliga 2), trong khi J-League chỉ cung cấp 7 tuyển thủ cho đội bóng của HLV Hajime Moriyasu.

Qatar 2022 chẳng hề là ngoại lệ. Trong suốt 3 kỳ World Cup gần đây, Bundesliga đã luôn là giải đấu cung cấp khoảng 1/3 danh sách tuyển Nhật ở VCK, nhiều hơn bất cứ giải VĐQG nào khác bên ngoài nước Nhật, và thường là xấp xỉ số cầu thủ Nhật đến từ J-League. Các ngôi sao Nhật nổi tiếng xưa nay như Shinji Kagawa, Shinji Okazaki, Makoto Hasebe… đều đã gắn bó với sân cỏ Đức. Còn trong đội hình hiện thời, có Wataru Endo, Ritsu Doan, Daichi Kamada, Maya Yoshida…

Tiền đạo Daichi Kamada nói về bóng đá Đức trước trận ra quân gặp đội tuyển này: “Rất nhiều cầu thủ Nhật hiện đang chơi bóng ở giải Bundesliga, và điều này làm chúng tôi cảm nhận một sự cân bằng với họ (các cầu thủ Đức). Ít ra, đây là tình trạng ngang hàng về mặt tinh thần”. So với phát biểu của Kamada, tiền vệ Ritsu Doan còn tin rằng anh và đồng đội đủ sức quyết đấu không chỉ với Đức mà với cả Tây Ban Nha nữa.

Không hề nói suông về mặt tinh thần, tuyển Nhật chơi pressing tầm cao tốt hơn cả tuyển Đức như vừa nêu, và đấy chỉ là một ví dụ. Thứ bóng đá cao cấp mà HLV Jurgen Klopp “truyền đạo” đến Liverpool chính là thương hiệu của bóng đá Đức. Vì sao các tuyển thủ Nhật lại tỏ ra đặc biệt phù hợp với lối đá pressing tầm cao nói riêng, hoặc phù hợp với triết lý của bóng đá Đức nói chung? Vì đấy cũng chính là sự tương đồng giữa cách nghĩ, cách sống của hai dân tộc Đức và Nhật. Họ đều tuyệt đối tuân thủ kỷ luật. Họ xem trọng quyền lợi của đội bóng hơn cá nhân mình. Thứ bóng đá của họ là thứ bóng đá có tính chiến thuật và giá trị đồng đội rất cao.

Từ hơn chục năm trước, giới bóng đá Nhật đã có chủ trương quan trọng liên quan sức mạnh của tuyển Nhật: hễ các cầu thủ ở J-League nhận được lời mời từ các giải đấu lớn tại châu Âu, CLB của họ sẽ bán miễn phí. Phần thiệt thòi của CLB sẽ được LĐBĐ Nhật và nhà tài trợ chiếu cố. Borussia Dortmund chỉ phải trả cho CLB Cerezo Osaka chút tiền gọi là “tài trợ hệ thống đào tạo trẻ” để có Shinji Kagawa. Cầu thủ Nhật xuất hiện ở khắp giải đấu lớn và cải thiện được đẳng cấp là vì vậy. Bundesliga thích hợp hơn cả vì so với Serie A, Premier League, La Liga thì Bundesliga không có giới hạn đáng kể về số lượng cầu thủ ngoài khối EU, cũng không cần giấy phép hành nghề.

Hai mươi năm trước, ngay lần đầu tiên xuất hiện, tuyển Senegal chẳng ai biết đến đã quật đổ ĐKVĐ Pháp trong trận khai mạc World Cup 2002, để rồi thẳng tiến đến vòng tứ kết (còn Pháp về nước ngay sau vòng bảng). Có gì liên quan? Xin thưa: đội Senegal khi ấy cũng gồm toàn cầu thủ đang chơi bóng ở Pháp, tương đồng về mọi mặt với “Les Bleus”, dù khác hẳn về đẳng cấp. Nhật cũng đang hy vọng một điều tương tự, khi lần đầu tiên gặp Đức ở đấu trường World Cup?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.