Thắc mắc về thủ tục hành chính được phúc đáp trên website - Ảnh: G.T |
Là một xã biển bãi ngang, cách trung tâm thành phố Huế hơn 49 km, trong khi internet tốc độ cao ADSL vẫn còn được sử dụng rộng rãi nhiều nơi, thì từ năm 2011, ở Phong Hải, cả UBND xã và người dân đều “chê” ADSL. Ở đây UBND xã đã dùng đường truyền internet cáp quang (FTTH) tốc độ cao.
Từ khi cầu Ca Cút (tức cầu Tam Giang) hoàn thành, khoảng cách từ Huế về Phong Hải được rút ngắn, toàn bộ lãnh đạo, cán bộ xã tranh thủ đi học vi tính. UBND xã cũng đã cử một số cán bộ lên tỉnh học quản trị mạng để chuẩn bị cho ra đời website xã. Với sự giúp đỡ của Sở TT-TT và Trung tâm CNTT tỉnh, ngày 26.10.2011, website phonghai.thuathienhue.gov.vn chính thức đi vào hoạt động, trở thành xã đầu tiên trong tỉnh có website. Ngay khi website hoạt động rất nhiều người “comment” vào chúc mừng, động viên lãnh đạo xã, trong đó có nhiều ý kiến của kiều bào gửi về từ Mỹ, Úc, Canada…
Có trang thông tin điện tử, lãnh đạo xã quyết định trích ngân sách đầu tư thiết bị hiện đại hoá bộ máy hoạt động. Trên 20 phòng làm việc đều được cấp 2 - 4 bộ máy vi tính lẫn máy in, loại 30 triệu đồng/bộ; mua mới hàng chục máy điện thoại để kết nối thông tin nội bộ. “Trước kia tải một vài trang tài liệu cứ ngồi chờ máy chạy, nay chỉ cần “lích” chuột là chạy vèo vèo. Dường như cán bộ nào cũng có máy tính nên không khí làm việc rất hăng say” - Phó chủ tịch UBND kiêm Phó ban biên tập website xã Phong Hải Phan Văn Khánh hào hứng kể.
Về xã Phong Hải, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn với cảnh mới 9 giờ sáng trụ sở UBND xã đã thưa người. “Phần nhiều người dân đến xã chỉ việc trình ký là xong, tụi tui khỏi giải thích nhiều. Ký xong thì họ đi về chứ ở đây làm chi?” - một cán bộ bộ phận “một cửa” cười giải thích. Trần Thanh Thảo, 25 tuổi, ở thôn Hải Phú, một trong hai người dân có mặt ở UBND xã cười mãn nguyện: “Trước khi mình tới đây thì đã xem hết các thủ tục, hướng dẫn trên website của xã rồi. Chỉ mất hơn 10 phút là mình nhận lại giấy tờ rồi về thôi”. Thảo là cán bộ đội tự quản Ga Hà Nội. Khi về quê làm thủ tục cắt hộ khẩu, em gái của Thảo cũng nhờ anh đến xã điều chỉnh giấy khai sinh. Cả hai loại giấy tờ, sau khi nộp vào bộ phận “một cửa” chừng 15 - 20 phút sau thì Thảo đã thảnh thơi ra về.
Phong Hải là xã vùng biển, trên 60% trong số 1.184 hộ hành nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm trở lại đây người dân Phong Hải còn khấm khá lên nhờ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo UBND xã Phong Hải, hiện có trên 90% số nhà đã có máy vi tính, 80% trong số đó đã kết nối internet, nhờ thế nên việc tiếp cận thông tin của người dân rất thuận lợi. Nếu cần giải quyết bất cứ giấy tờ, thủ tục hành chính gì website của xã cũng đều có sẵn hướng dẫn.
Ngoài ra, “mỗi cán bộ là một người đưa tin, viết báo” nên lượng “tin, bài” về xã luôn được cập nhật thường xuyên. “Với 60 - 70% gia đình có người thân ở nước ngoài, tôi nghĩ website của xã cũng góp phần kết nối với bà con, đọc thông tin quê hương chắc họ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà” - ông Khánh thổ lộ.
Gia Tân
Bình luận (0)