Xả lũ để… đón lũ

Trong khi vùng hạ du chưa thoát khỏi ngập lụt, chính quyền tỉnh Quảng Nam lại phải yêu cầu 4 thủy điện lớn phải xả lũ suốt 48 giờ để kịp... đón trận lũ mới, một “kịch bản” ngoài ý muốn.

Dự kiến, đến 19 giờ hôm nay (10.11), cả 4 hồ chứa thủy điện lớn tại Quảng Nam (gồm Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4) phải đưa mực nước hồ về lại cao trình “mực nước cao nhất trước lũ”.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, ngày 9.11, vùng áp thấp trên vùng biển miền Trung Philippines đã mạnh lên thành ATNĐ. Lúc 16 giờ cùng ngày, tâm ATNĐ nằm trên khu vực biển miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7 (từ 40 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 10.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (từ 60 - 90 km/giờ), giật cấp 12.

“Lệnh” xả lũ này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ban hành theo Công văn hỏa tốc số 6132/UBND-KTN, theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn mùa lũ, gửi đến Công ty thủy điện Sông Tranh, Công ty thủy điện Sông Bung, Công ty CP thủy điện A Vương, Công ty CP thủy điện Đăk Mi. Để đáp ứng yêu cầu này, các hồ chứa phải xả lũ liên tục 48 giờ, kể từ 19 giờ tối 8.11. Lưu lượng xả gồm chạy máy phát điện và xả tràn (Q xả) phải lớn hơn lưu lượng nước mưa đổ về hồ (Q về).
Khống chế mực nước dâng
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh (đóng tại xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My), cho hay đơn vị đã điều tiết lũ sau khi nhận công văn của tỉnh. Lúc 10 giờ 30 trưa 9.11, mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở cao trình 174 m, với lưu lượng xả về hạ du 1.120 m3/giây, đến 16 giờ cùng ngày, mực nước trong hồ rút xuống còn 173,61 m.
Dù lệnh điều tiết lũ được ban bố từ tối 8.11, nhưng hôm qua (9.11) lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục hội ý, ghi nhận diễn biến tình hình tại vùng hạ du để đối phó. Mối quan tâm hàng đầu của địa phương là khi vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn chưa “thoát” hẳn lũ, một số vùng thấp trũng vẫn còn bị cô lập cục bộ..., thì việc các hồ thủy điện phải xả điều tiết lũ sẽ gây nguy cơ lũ dâng trở lại. Vì vậy, ngay trong Công văn 6132, UBND tỉnh Quảng Nam đã dự lường bằng cách “kiểm soát” mực nước ở đoạn giữa (trạm thủy văn Ái Nghĩa, H.Đại Lộc và trạm thủy văn Câu Lâu, TX.Điện Bàn). Nếu 2 trạm này đo mực nước các sông lên mức báo động 2, các hồ chứa phải nhanh chóng khống chế mức Q xả bằng Q về, tức nước về hồ bao nhiêu thì xả bấy nhiêu.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết đến chiều tối 9.11, nước lũ trên sông Hoài (Hội An) ở mức báo động 1, đường Bạch Đằng ngập nhẹ (khoảng 10 cm) nhưng các hoạt động tổng duyệt cho chương trình tiếp đoàn phu quân, phu nhân của lãnh đạo các nước tham dự APEC diễn ra suôn sẻ. Mức lũ báo động 1 ở phố cổ Hội An được địa phương “đo lường trực quan” bằng đường Bạch Đằng, và tỉnh Quảng Nam yêu cầu xả lũ ở thượng nguồn không để nước tràn qua tuyến đường này.
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ điều tiết hôm qua 9.11 Ảnh: Mạnh Cường

“Tình huống bất khả kháng”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận việc địa phương yêu cầu 4 thủy điện xả lũ vào thời điểm này là tình huống bất khả kháng, nhất là địa bàn phố cổ Hội An đang tất bật dọn lũ trong 2 ngày qua.
Bất khả kháng, vì theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, đang có thêm đợt ATNĐ đi vào Biển Đông, theo hướng tây - tây bắc và gây mưa lớn trở lại tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Trong điều kiện vùng núi cao nhiều ngày qua hứng lượng mưa đặc biệt lớn (có nơi trên 1.140 mm tại Quảng Nam), đất đã bão hòa lượng nước ngấm... nên hễ có thêm đợt mưa mới thì lũ tràn về rất nhanh.
Trường hợp nhận thấy việc xả lũ (như hiện tại) gây nguy hiểm cho vùng hạ du, địa phương sẽ yêu cầu ngừng, và chọn “kịch bản” thứ 2 là cho xả chậm. Tuy nhiên, khi đợt ATNĐ sắp tới gây mưa lũ lớn thì các hồ chứa không có khả năng tham gia cắt lũ.
“Trong ngày 12 - 13.11 sắp tới, nếu mưa lớn trở lại thì địa phương phải buộc các hồ thủy điện xả nhanh để tăng dung tích đón lũ”, ông Thanh nói. Chưa kể, theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, 12 hồ chứa thủy lợi lớn và 32 hồ nhỏ đã tích đầy nước, 4 hồ khác đạt từ 80 - 90% dung tích.
Mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường nối TX.Điện Bàn lên H.Đại Lộc (Quảng Nam) ngập sâu

Đến 17 giờ chiều qua, các hồ thủy điện lớn vẫn đang xả mạnh về hạ lưu. Cụ thể, các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 xả về phía sông Vu Gia lưu lượng tổng cộng hơn 1.766 m3/giây; hồ chứa Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn hơn 1.199 m3/giây. Thêm cảnh báo mưa lớn chiều và tối 9.11 (có nơi trên 100 mm) của Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam cho thấy nguy cơ vẫn rình rập. Chính quyền tỉnh Quảng Nam giao cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến trên các sông và kiểm soát chặt chẽ tình hình mưa lũ.
Sáng 9.11, hơn 20 hộ dân ở TT.Trà My (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) đã di chuyển đồ đạc để tháo chạy khi ngọn núi sau nhà có dấu hiệu sạt lở. Tại H.Nam Trà My (Quảng Nam), khoảng 10 giờ ngày 9.11, thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở núi chiều 6.11 tại nóc U Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, H.Nam Trà My) đã được tìm thấy. Vụ sạt lở này vùi lấp 4 ngôi nhà, khiến 5 người trong gia đình anh Đỗ Thanh Vững (25 tuổi) tử vong.
Chiều qua, đại tá Nguyễn Giới, Trưởng công an H.Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy thi thể vợ chồng Hồ Văn Đức - Hồ Thị Thu trong vụ sạt lở núi xảy ra tại thôn 8, xã Phước Hiệp sáng 8.11. Ngoài ra, sau vụ sạt lở núi trên tuyến QL14E hôm 5.11 khiến 4 người bị vùi lấp, thi thể anh Hồ Văn Mơ (31 tuổi, ở xã Phước Đông, H.Phước Sơn) cũng vừa được tìm thấy; lực lượng cứu hộ đang đưa chó nghiệp vụ đến hiện trường để tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại. Đến chiều qua, vẫn còn 3 công nhân trong vụ sập nhà điều hành thủy điện Trà My 1 và Trà My 2 (đóng tại xã Trà Tân, H.Bắc Trà My) chưa tìm thấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.