"Thật không thể tưởng tượng nổi, đây là kiểu đi lễ chùa kỳ lạ, kém văn minh nhất mà tôi được chứng kiến", một Phó giáo sư Đại học Bách Khoa Đà Nẵng ra Huế viếng Chùa Phật Đứng lần đầu tiên trong ngày mùng một tết đã thốt lên câu nhận xét trên khi chứng kiến cảnh hàng trăm chai nước lọc đã được mở nắp, được người đi lễ chùa cắm luôn bó nhang bên cạnh.
Em Nguyễn Công Luân - học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) và em trai nhặt 2 chai nhựa bỏ vào thùng rác. Nhưng vừa vào ngay bên hông tượng Phật, lại gặp đống chai nhựa này
|
Khói nhang nghi ngút, mọi người vẫn tiếp tục cầu khấn, lượng chai nước mỗi lúc mỗi nhiều, ken đặc sân chùa, không có lối đi cho người đi bộ. Nhiều chai nước bị người đi vô tình đá ngã đổ nước ra sân lênh láng
|
Khói nhang nghi ngút, mắt ai cũng cay xè không nhìn được nhau. Trên bàn vốn chỉ để bày đồ ra lễ chật kín chai nước và bó nhang thắp nửa chừng.
|
Đáng nói là người trẻ đi lễ chùa rất nhiều. Đa số là những trai thanh gái lịch. Mỗi (hai) người xách tòng teng bịch ni-lông đựng hai chai nước suối và một bó nhang. Lúc ra về, tất cả được họ để lại... tại sân trước mặt tượng Phật.
|
"Tục lệ" mang theo chai nước và bó nhang để khấn vái tại đây được một số người đi lễ chùa giải thích là mong muốn Bồ tát ban nước "cam lồ" để tẩy trừ khổ đau, bệnh tật. Nhưng nếu vậy, tại sao lại không mang nước "cam lồ" ra về sau khi khấn xin Bồ tát?
Nhang dùng thừa được bỏ ngổn ngang trên bệ đá, ghế đá...
|
Rác thải nhựa và ni-lông không chỉ ngập sân chùa mà được bỏ bất kỳ chỗ nào... còn trống trong khuôn viên, trên ghế đá, gốc cây, chậu cây...
|
Vẫn có người liên tục thu gom và quét rác trên sân chùa, nhưng với lượng người đi lễ đông và lượng rác thải vô tư - vô ý thức như thế này, không dễ dàng để thu dọn nhanh được.
|
Nhìn lượng thùng giấy mỗi người bán nước suối xếp gọn ở đây, mới thấy lượng chai nhựa được xả thải chỉ trong một ngày lên con số hàng ngàn...
|
Càng về chiều, những đoàn người đi lễ chùa vẫn tiếp tục đến, trên tay mỗi người, vẫn tòng teng bịch ni-lông và hai chai nước...
|
Ngày đầu năm, rất nhiều khách rời chùa với lòng trĩu nặng, dấu hỏi lớn: Đến thế kỷ 21 vẫn còn kiểu lễ chùa xả rác nhựa vô ý thức thế này hay sao? Đáng nói hơn, nó diễn ra tại ngôi chùa được coi là nơi linh thiêng của Huế. Tỉnh Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc tuyên chiến với rác thải nhựa, nói không với túi ni-lông tại các siêu thị, chợ, nói không với chai đựng nước nhựa tại trường học, công sở, tổ chức các ngày Chủ Nhật xanh khá hiệu quả… Nên chăng, cần có những bảng hướng dẫn khuyến cáo khách lễ chùa không nên chọn cách lễ chùa = xả rác nhựa, ni-lông thế này?
Bình luận (0)