Xa quá, trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ

02/04/2015 06:00 GMT+7

(TNO) 'Rồi từng trẻ tự kỷ sẽ phải rơi rụng dần, nếu có cố theo học lên được vài lớp cũng là khiên cưỡng vì trẻ không thể tự mình hòa nhập được', một phụ huynh có con đang học hòa nhập lớp 3 nói.

(TNO) "Rồi từng trẻ tự kỷ sẽ phải rơi rụng dần, nếu có cố theo học lên được vài lớp cũng là khiên cưỡng vì trẻ không thể tự mình hòa nhập được", một phụ huynh có con đang học hòa nhập lớp 3 nói. 

Biểu diễn văn nghệ tại Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: K.O
Reo vui hòa nhập
8 tuổi, bé Nam vào lớp 1 là sự kiện vĩ đại nhất đối với cuộc đời vợ chồng chị Nga. Cảnh bao ngày tháng rơi nước mắt trước cánh cổng trường khép kín văng vẳng tiếng ê a không còn nữa. Giấc mơ đã thành sự thật. 
Dẫu hồi hộp, lo lắng nhưng làm sao không hân hoan cho được khi đứa con mắc hội chứng tự kỷ của chị đã chính thức “tốt nghiệp” khỏi ngôi trường chuyên biệt gò bó chỉ có những đứa trẻ khờ khạo vật lộn với màu xanh, màu đỏ giống con chị ngày nào để đĩnh đạc bước chân vào một xã hội ríu rít tiếng cô, tiếng trò, nơi bé Nam sẽ được dạy bao kiến thức bổ ích sâu rộng, nơi bé Nam có thể đá cầu, rượt đuổi như bao đứa trẻ bình thường khác.
"Hòa nhập", hai tiếng ấy sao linh thiêng quá đỗi với chị. Vậy là 4 năm chị bỏ làm để vất vưởng theo con đi tập âm ngữ trị liệu, tâm vận động, điều hòa cảm giác, can thiệp cá nhân, điều trị tâm lý… nay đã sinh quả ngọt. Vậy là bao buổi chạy vạy xin xỏ đã không phải là công cốc. Con chị vào lớp 1!
Biết làm toán nhưng không biết chào
Nhưng 2 tháng trôi qua, bé Nam ngày càng hoảng loạn, những hành vi như tự đánh vào đầu, chui vào trong gầm ghế nằm co cụm mà phải mất bao công lao gia đình và các thầy cô giáo chuyên biệt mới “gỡ” được nay quay lại. Bé cảm thấy không an toàn, hơn ai hết, vợ chồng chị hiểu rõ điều này qua các biểu hiện của con.
“Con chị cứng đầu quá!”, “Con chị cứ chạy vòng vòng khiến cả lớp không thể học được”, “Con chị làm toán giỏi nhưng không làm được cái chuyện đơn giản nhất là đứng lên chào thầy cô”…, những lời than phiền của cô chủ nhiệm cộng với sự trêu ghẹo, xa lánh của bạn bè khiến chị quyết định ôm con quay lại trường chuyên biệt. Thực ra cô giáo đã cố gắng hết sức nhưng cô không biết phải làm gì với bé Nam. Cô không được đào tạo để dạy những đứa trẻ như thế, cô chẳng hiểu gì về tự kỷ. Cô chỉ bị buộc nhận cho một đứa trẻ “ngoài hành tinh” hoàn toàn xa lạ với khả năng giáo dục bình thường của cô.
Chương trình học “áp” trẻ khó khăn
May mắn hơn chị Nga, anh Thịnh gởi con vào một trường hòa nhập ở quận 3 (TP.HCM) có bề dày nhiều năm nhận trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, các thầy cô ít nhiều đã hiểu về hội chứng tự kỷ, về những khó khăn trong ngôn ngữ, giao tiếp, xúc giác… mà trẻ tự kỷ thường gặp phải.
Những quả bong bóng bay xa, mang theo ước mơ được hòa nhập của trẻ tự kỷ - Ảnh: K.O
Khả năng trí tuệ của con anh không đến nỗi tệ, dù khá vất vả, bé có thể theo được đến lớp 4. Nhưng mỗi ngày đi học đều là cực hình với đứa trẻ vì không ai chơi cùng, đó là chưa kể lắm lúc bị bạn bè bắt nạt vì quá khờ khạo.
Giao tiếp chính là khó khăn lớn nhất mà hầu hết trẻ tự kỷ gặp phải. Với lối suy nghĩ rập khuôn, cực kỳ cứng nhắc, việc xử lý bao nhiêu là tình huống khác biệt trong mối quan hệ bạn bè hằng ngày, việc theo được các trò chơi của bạn là nhiệm vụ bất khả thi với con anh. Bé không thể hòa nhập về mặt xã hội và cũng không được ai hỗ trợ để làm điều đó.
Nhiều phụ huynh khác thì than phiền chương trình học quá nặng, có những môn con họ không thể nào học được, chẳng hạn như tiếng Anh, làm văn… Một chương trình giáo dục đã quá nặng cho những đứa trẻ bình thường mà bê y nguyên áp vào những đứa trẻ có nhiều khó khăn càng áp lực hơn cho trẻ.
“Các lãnh đạo ngành giáo dục hô hào giáo dục hòa nhập nhưng chẳng làm gì cả, buộc đứa trẻ vốn dĩ đã có khó khăn phải bơi theo chương trình có sẵn do người bình thường áp đặt thay vì người bình thường có những điều chỉnh, hỗ trợ thích hợp, chẳng hạn giảm tải các môn đòi hỏi óc tưởng tượng, có giáo viên giáo dục đặc biệt hỗ trợ kiến thức cho trẻ trong những giờ cá nhân, có nhân viên cộng đồng giúp trẻ hòa nhập về mặt xã hội, có những chương trình tập huấn cho trẻ bình thường giúp đỡ bạn… Rồi từng trẻ tự kỷ sẽ phải rơi rụng dần, nếu có cố theo học lên được vài lớp thì cũng là khiên cưỡng vì trẻ không thể tự mình hòa nhập được”, một phụ huynh có con đang học hòa nhập lớp 3 nói.
“Nói tới giáo dục hòa nhập, nhiều người chỉ nghĩ rằng đưa trẻ tự kỷ tới trường để học. Thật ra phụ huynh có thể thuê gia sư để dạy kiến thức cho con, họ chỉ không bao giờ “thuê” được môi trường học đường. Trẻ tự kỷ rất cần được hòa nhập trong giao tiếp xã hội, vốn đòi hỏi nhiều kỹ năng cực kỳ khó khăn cho người tự kỷ như hiểu được ngôn ngữ hình thể, biết truyền đi những thông điệp không lời, biết vượt qua mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau… Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn, nếu các thầy cô không được hướng dẫn rất cụ thể, trẻ tự kỷ sẽ không thể nào kết bạn, duy trì quan hệ bạn bè, làm sao có thể hòa nhập vào xã hội? Rồi trẻ sẽ tiếp tục cô độc một mình, chương trình hòa nhập coi như thất bại”, bà Phạm Thị Kim Tâm, Phó chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.