Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: 'Tôi miễn nhiễm với Facebook và Pokemon' ​

15/08/2016 19:10 GMT+7

Trong giới VĐV Việt Nam gần như tuyệt đại đa số sử dụng trang Facebook cá nhân, chỉ có hai người cự tuyệt với hình thức ‘giải trí’ này là hai chú cháu Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Thị Ánh Viên.

Từ ngày chính thức bước vào đời sống thể thao chuyên nghiệp cách đây đúng 5 năm, Ánh Viên được HLV Đặng Anh Tuấn “gò” vào cuộc sống khuôn khổ chưa từng thấy. Dù tập huấn tại đất nước hiện đại bậc nhất thế giới là Mỹ nhưng cô không có điện thoại riêng, không có Facebook như bạn bè cùng trang lứa, chỉ được phép sử dụng Ipad vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Năm ngoái, sau khi đạt thành công vang dội ở SEA Games 28, một nhà báo đã tự nguyện lập cho Viên một tài khoản Facebook cá nhân mang tên cô. Viên cũng sử dụng được “những” một vài lần rồi bỏ luôn đến tận bây giờ.

Cuộc sống “phi hiện đại” đã trở thành một phần tất yếu trong chặng đường dài gian khó của Viên hướng tới tấm huy chương Olympic 2020 (thứ mà cô chưa đạt được tại Thế vận hội lần này), HCV ASIAD năm 2018.

Viên không lẻ loi trong thế giới không hiện đại ấy. Bởi người đồng nghiệp mà cô rất đỗi kính trọng trong đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng nói không với Facebook. Dù anh cũng tự lập cho mình tài khoản mang tên Shooter Vinh, nhưng không đụng đến bao giờ. Hôm Vinh giành HCV Olympic, vào trang của Vinh, chỉ thấy “bà con” ào ào gửi lời chúc mừng. Ngày Vinh đoạt HCB, lại cũng chỉ thấy bà con vừa chúc mừng, vừa tiếc nuối, vừa chia sẻ. Còn hôm Vinh trở về Việt Nam, ngó vào Facebook của anh, lại thấy cả “xóm” cộng đồng mạng rồi bạn bè anh up ảnh Vinh bị vây kín trong biển người ở sân bay Nội Bài, kèm những lời cảm thán đủ mọi trạng thái.

Hỏi Vinh tại sao không thích sử dụng Facebook, Vinh giải thích cực kỳ đơn giản: “Ấy là một cách tốt để giữ gìn phong độ cao". Anh lý giải: “Trào lưu của xã hội hiện tại là chơi Facebook và Pokemon nhưng tôi miễn nhiễm. Mắt tôi bị cận nên nếu cứ dán mắt vào màn hình để lướt Facebook thì quá nguy hại, giảm thị lực nhanh chóng. Tôi cũng không sử dụng điện thoại quá nhiều, xem tivi cũng ít thôi. Những đồ dùng hiện đại này không tốt cho mắt của tôi”.

Vinh cũng cự tuyệt với thuốc lá: “Vô bổ chứ ích lợi gì đâu. Hút thuốc hại phổi mà với bắn súng, khâu hít thở cũng cực kỳ quan trọng. Hỏng phổi thì còn bắn biếc nỗi gì”.

Chả thế mà HLV Nguyễn Thị Nhung hết lời ca ngợi người học trò cưng của mình: “Vinh hội tụ đủ mọi phẩm chất tốt đẹp nhất của VĐV chuyên nghiệp. Ngoài tài năng và chí tiến thủ, Vinh biết từ bỏ những thói quen tưởng như khó bỏ nhất. Trong suốt thời gian tập huấn ở Hàn Quốc và Mỹ, tôi yêu cầu Vinh cai điện thoại, cai tivi.

Vinh và Trần Quốc Cường nghe răm rắp. Họ tự nguyện sống khắc khổ vì mục tiêu cao nhất cho chính bản thân mình, cho đội tuyển Việt Nam và cho Tổ quốc. Nói thì dễ nhưng làm cực khó. Nếu đang quen sử dụng Facebook mà bắt bạn “nhịn” một ngày, bạn đã bứt rứt. Nếu bạn có thói quen xem tivi, dù không quá nhiều nhưng bắt bạn cai hẳn, bạn sẽ bức bối. Nhưng Vinh làm những điều đó thản nhiên, không bao giờ kêu ca nửa lời. Vinh là người không thích than khổ. Làm HLV của Vinh bao nhiêu năm nay, duy nhất một lần Vinh than với tôi: Cái nghiệp này khổ quá, chỉ cần sơ sẩy một tí thôi là hỏng hết những gì mình gầy dựng. Ấy là lần Vinh bị cướp cò súng ở phát đạn cuối cùng tại ASIAD 2010 và để tuột vàng trong gang tấc”.

Hoàng Xuân Vinh bên cạnh gia đình Tuấn Phạm

Còn Vinh lý giải tại sao anh không vội vã bỏ nghề sau thất bại năm ấy: “Có lẽ trên hết là niềm đam mê. Tôi ngày càng cảm thấy yêu bắn súng, kể cả nó đã từng làm tôi chết đi sống lại nhiều lần. Nó truyền cảm hứng cho tôi và nuôi dưỡng khát vọng trong tôi. Nó đưa tôi đến với chiến thắng tại Olympic và với tôi đến thời điểm này, loạt bắn cuối cùng ở nội dung 10 m súng ngắn hơi sẽ là ký ức dữ dội nhất, mạnh mẽ nhất. Tải trọng áp lực ở loạt bắn vòng loại đã căng vì phải đứng trong top dẫn đầu mới vào chung kết, nhưng cuộc chiến thật sự chính là bài bắn chung kết. Khi chỉ còn tôi với vận động viên chủ nhà tranh chiếc huy chương vàng, mọi thứ như dồn nén vào viên cuối cùng. Lúc này hoặc sống hoặc chết. Mà muốn sống thì phải bình tĩnh để nuôi năng lượng nội tại. Và tôi đã “sống”! Ký ức ấy sẽ vĩnh viễn đi theo tôi đến hết cuộc đời”.

Tưởng đã chấm dứt câu chuyện ở đây, Vinh bỗng đột ngột nói thêm một câu: "À, còn thêm "ký ức" này nữa. Là tôi bị sốc lớn khi hàng nghìn người hâm mộ vây quanh ở sân bay Nội Bài. Tôi đã phải nhờ cán bộ an ninh "giải cứu" mới ra được đến chỗ vợ và các con của mình. Ôi, vất vả có kém gì đâu. Buồn cười quá đi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.