Xa tít những con tàu

29/01/2012 00:55 GMT+7

Thứ hai Tôi và A làm quen với nhau bằng mắt. A còn rất trẻ, sơ mi trắng cộc tay với vạt áo bỏ gọn ghẽ trong quần jeans xanh.

Thứ hai

Tôi và A làm quen với nhau bằng mắt. A còn rất trẻ, sơ mi trắng cộc tay với vạt áo bỏ gọn ghẽ trong quần jeans xanh.

>> Nghe đọc truyện

Một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt nâu ẩn dưới hàng mi dài cong veo như bờ mi người đẹp. Những ngón tay thon dài, trắng hồng luôn đan vào nhau trên chiếc bàn chỉ để hai chai nước trắng.

A luôn nhìn ra cửa sổ. Tôi cũng vậy. Suốt gần một trăm cây số đầu tiên của cuộc hành trình, chúng tôi là hai hành khách không một lần cười trước những bông đùa chung quanh.

Tàu dừng lại ở một ga xép.

Con tàu vừa đi qua một cơn mưa. Hơi nước còn bám vào những ô cửa kính, tô cho nó một màu bàng bạc, mỏng manh, có vẻ khi ai đó nhón tay chạm khẽ, tất thảy sẽ tan như mây.

Tôi không nhìn thấy gì bên ngoài ô cửa.

“Chị biết không, trước đây, ở sân ga này có một cây bàng. Vào cuối đông, khi những đoàn tàu chở người ta ngược bắc xuôi nam để về quê ăn tết, nó khoe ra cả một khối lá đỏ rực. Nó là một cây bàng có linh hồn. Nó biết đợi chờ và hy vọng”.

“Nó đợi chờ điều gì và hy vọng điều gì?”.

“Nó đợi chờ những hành khách biết đợi chờ nó, và hy vọng họ không lỗi hẹn”.

“Nó vẫn ở đâu đó ngoài kia phải không?”.

“Không. Nó đã biến mất vào một ngày tồi tệ nào đó. Em không biết nữa”.

Một vài cơn gió mạnh ào qua ngoài ô cửa toa tàu. A khẽ thu hai vai lại, những ngón tay thon dài sạch sẽ đặt trên bàn, đôi mắt buông vào khoảng trống ô cửa.

Con tàu có lẽ đã đưa tôi trôi xa xôi tới một miền nào đó, một miền tôi chưa từng đến. Hướng con tàu đi là nơi tôi chờ đợi.

***

Tôi đã không biết phải làm gì với nỗi phân vân của mình mỗi khi bước chân lên tàu. Vé trên tay, tôi thường không biết nên ngồi nhìn về phía tàu đi, hướng mà người ta gọi là tương lai, hay ngồi nhìn lại hướng mình vừa từ giã.

Có lẽ không có nhiều người bận tâm vì điều đó. Vé đã trên tay, người ta chỉ việc ngồi vào đúng chỗ ghi trên vé.

Tôi thường có những tưởng tượng không hay về những con tàu và những sân ga. Thật kỳ lạ khi tôi luôn nghĩ chúng tượng trưng cho những cuộc chia ly, đem lại cho người ta nỗi buồn ly biệt hơn là đem đến niềm hạnh phúc đoàn tụ.

Tôi nhớ lần anh tiễn tôi lên một chuyến tàu thế này. Tôi đã đứng lặng ngắm anh khuất dần trên sân ga, lẫn vào muôn người đưa tiễn, nước mắt tự dưng lăn dài, để lại cảm giác lành lạnh đầy trên má. Tôi vẫn còn cảm thấy nụ cười vui tươi và ánh mắt cũng rất vui tươi của anh. Nhưng không hiểu sao, tôi lại có một dự cảm lạ lùng, là lần chúng tôi chia tay trên sân ga đó sẽ không bao giờ còn gặp lại.

Đúng là tôi đã chẳng bao giờ gặp lại anh nữa. Và đúng là cảm giác về một tình yêu chân thành cũng trôi theo chuyến tàu đi mãi.

A đến và ngồi trước tôi. Một vẻ mặt bình thản. Một thái độ bình thản. A có lẽ không có người tiễn chân và cũng không quan tâm đến điều đó. Không màu sắc, không bụi bẩn và ồn ào. Khi A ngồi đan tay ngay ngắn trên bàn, đôi mắt với hàng mi cong veo nhìn ra ngoài ô cửa ngắm cảnh vật đang lùi lại phía sau, tôi đã nghĩ A vừa đến từ một miền sạch bong hoang tưởng nào đó.

Thứ ba

Căn phòng nhỏ nằm trên gác hai, có ô cửa nhỏ mở ra, chạm vào những chiếc lá xanh biếc lấm tấm bụi đường của một cây ngọc lan. Dưới tán ngọc lan là đôi chân sắt xoãi dài đến những miền xa tắp của con đường sắt. A nói gia đình mình rời căn nhà này lên thành phố làm việc đã lâu, mỗi năm mọi người chỉ về một vài lần, mỗi lần một vài tuần. Và thường chỉ có mỗi mình A, hiếm khi có người khác - như tôi bây giờ chẳng hạn.

“A thích ngắm tàu chạy qua dưới hàng cây kia. A thích thế”.

Khi mở cửa sổ cho tôi, A giải thích đơn giản như vậy. Căn phòng gọn gàng, thoảng mùi thời gian bị lãng quên.

“Chúng mình uống cà phê nhé. Chị có bị mất ngủ vì cà phê không?”.

Tôi không trả lời.

Ô cửa mở ra khoảng xanh của ngọc lan khiến tôi chênh chao. Khi còn nhỏ, tôi cũng từng sống trong một căn gác như thế. Căn gác nhỏ chật chội, mà tôi thì mỗi ngày một lớn. Bên kia tán lá là một căn phòng, của một người hàng xóm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người hàng xóm đó, chỉ nhận ra sự hiện diện của người đó qua những tiếng vĩ cầm, âm thanh da diết khôn nguôi.

Không hiểu sao tôi cứ nghĩ người đó là một hoàng tử bị phù phép, sống trong căn phòng vốn là một tòa lâu đài bị phù phép, và chàng đang đợi chờ được một cô gái giải thoát với nụ hôn đầu đời thanh khiết.

Cuối cùng, tôi đã biết vị hoàng tử của mình, khi chàng tham gia một ban nhạc sinh viên.

Khi tôi nhận ra mình đã quá yêu hoàng tử thì cũng là lúc chàng đưa người yêu về ra mắt.

 
Minh họa: Tuấn Anh

***

“Hoa này là hoa gì vậy? Trông lạ mà quen quá, A không nhớ đã gặp ở đâu nữa”.

Khi đó tôi đang nằm sấp, hai chân duỗi dài, hai tay thu gọn, giấu vào giữa ngực, vì thế A mặc sức ve vuốt lưng, vai tôi, rồi cuối cùng, những ngón tay thon dài đó vén những lọn tóc màu ánh tím trượt khỏi gáy của tôi, và nhìn thấy bông hoa nhỏ.

Tôi không đáp gì về bông hoa.

Còn cô gái, cái người mà hoàng tử bị phù phép đã đưa về giới thiệu gia đình ấy, không hề là một mỹ nhân, chỉ là một cô gái bình thường. Cô hay mặc quần âu đen, sơ mi trắng cộc tay, tóc ngắn ngang vai, cột cao lên thành cái đuôi gà lúc lắc. Chính vì cái đuôi gà cột cao như thế, khiến chiếc cổ trắng thon dài của cô như được tôn thêm, lộ rõ cái gáy trắng mịn.

Một lần, khi tôi đi từ ngoài vào, thu hút sự chú ý đầu tiên của tôi chính là cái gáy ấy. Lúc ấy cô đang cúi xuống chỉnh dây đàn, khiến cái gáy càng lộ hơn. Khi đứng đằng sau cô, tôi thấy rõ trên gáy cô có xăm một chữ “an” nho nhỏ.

Thứ tư

Tôi nằm nghiêng, đối diện với gương mặt A say ngủ. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác muốn níu giữ một khuôn mặt thân yêu với mình như thế. Nhưng gương mặt A có thân yêu không? Có thể tạm coi như vậy, khi thần ái tình chưa kịp đến đón A đi.

Tôi không có cảm tình với vị thần tình ái. Đó là một đứa trẻ luôn gây tai họa.

A đã hỏi về bông hoa trên gáy tôi từ hôm qua và tôi vẫn chưa trả lời. Ngoài anh, A là người đầu tiên quan tâm đến điều đó.

Tôi nhớ đến cô gái của anh.

Mỗi hình xăm đều có nguyên do của nó. Nhiều người xăm hình vì quy định của tổ chức, do sở thích nhất thời hay đơn giản chỉ là gửi gắm một mong mỏi riêng tư. Cô gái của anh xăm chữ “an”, do mong muốn được bình an, hay nó chỉ là một mốt thịnh hành trong giới xăm hình, tôi cũng chẳng biết. Có điều tôi biết rõ là cô ấy rất thích khoe hình xăm của mình. Cô luôn lắc lắc đuôi tóc sau gáy, để nó đu đưa và chữ “an” ẩn hiện.

Đôi khi một hình xăm lại đem đến cho tôi những ý nghĩ khác thường. Cô gái họa sĩ tôi gặp trong một hội nghị kia là ví dụ. Cô ngồi ở hàng ghế trước tôi. Mái tóc sóng mượt phủ lên đôi vai tròn căng đầy nữ tính. Cô không bao giờ ngoái lại phía sau, nhưng chốc chốc cô lại lấy tay vén mớ tóc dài ra trước ngực, để lộ khoảng gáy có một hình xăm.

Đến giờ tôi cũng không thể nhận ra hình xăm đó là hình gì, muốn nói lên điều gì. Nhưng đó là một hình xăm kỳ lạ, như một vết chém sâu của một thanh đao cùn mẻ sau gáy cô gái. Và ngay lập tức tôi có một tưởng tượng rùng rợn là cô gái đã đến ngồi trước tôi với cái đầu bị đứt lìa mới lắp lại, còn nguyên vết máu tím bầm.

Cô gái cứ lặp đi lặp lại động tác kéo tóc ra trước ngực, rồi một lúc lại hất ngược ra sau như thế cho đến khi hội nghị tan.

“Em có hình xăm trên gáy thật đẹp”.

Anh, người con trai đầu tiên ôm tôi vào lòng, phát hiện ra hình bông hoa trên gáy tôi và hôn lên đó.

Nhưng trên gáy tôi, bông hoa đó không phải là một hình xăm.

 Mẹ tôi vẫn kể rằng trước khi sinh tôi, bà mộng thấy một điều rất lạ. Có một bà cụ bế một bé gái trên tay. Đứa bé được cuộn trong một chiếc khăn bông rất đẹp. Bà cụ còn dắt theo một bé trai khác. Bà đến bên mẹ và nói rằng bà muốn cho mẹ đứa

bé gái. Mẹ tỉnh mộng, liền ngay sau đó mẹ trở dạ, và tôi chào đời.

Câu chuyện của mẹ không có gì đặc biệt. Người mẹ gặp trong mộng không phải  thần tiên nên tôi chỉ là một cô bé bình thường. Nhưng câu chuyện lại có sức hút với tôi một cách kỳ lạ.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện. Nó theo tôi lẵng nhẵng giống hệt một đứa bé hư ưa vòi vĩnh. Đến nỗi vào một đêm nọ, tôi đã nằm mộng chính giấc mộng của mẹ năm xưa. Chỉ khác là lần này, tôi chính là đứa bé đó.

Tôi thấy người ta cuộn tôi trong chiếc khăn bông, bế tôi đi dọc một con đường có hàng cây nở hoa rất đẹp. Tôi không biết đó là hoa gì, và cũng chưa từng nhìn thấy nó ngoài đời thực.

Người ấy một tay bế tôi, một tay dắt một cậu bé. Cậu bé khóc lặng khi người ta trao tôi cho mẹ. Cậu bé muốn giữ tôi lại. Nhưng mẹ đã không chút chần chừ, mang tôi đi khỏi.

Cậu bé đó là ai? Là anh trai của tôi kiếp trước? Là người tình của tôi kiếp trước? Là người tình trong kiếp này? Hay là ai đó bí ẩn mà tôi chưa thể nghĩ ra?

Cứ như thế, tôi bị giam giữ trong giấc mơ đó. Tôi luôn tưởng tượng về người đó. Chúng tôi đã mãi mãi chia ly giữa vòng luân hồi, hay cả hai đều ở trong kiếp này mà chưa thể gặp được nhau? Hay đã gặp nhau rồi mà không nhận ra nhau?

Tôi hỏi mẹ nhiều lần rằng thật có kiếp sau kiếp trước hay không. Mẹ không phải nhà khoa học, cũng không phải nhà hiền triết, nên bà trả lời tôi theo cách của bà. Bà không khẳng định hay phủ định, chỉ đơn giản kể những câu chuyện.

Tôi kể cho anh nghe, anh cười, lại hôn lên bông hoa bí ẩn sau gáy tôi, nói có lẽ em phải tìm đúng người nào nhận ra bông hoa đó là hoa gì thì em mới cưới làm chồng phải không?

Anh không biết tên loài hoa đó. Tôi cũng không biết. Tôi sinh ra đã có nó rồi.

Thứ sáu

Đêm trước trời trở gió và cơn mưa mùa đông rả rích ngoài cửa sổ làm không gian thoắt lạnh. A dậy sớm, xỏ chân vào đôi tất dày màu xanh ngọc, pha cà phê và ngồi bên tôi, luồn tay qua làn tóc dày, vuốt nhẹ lên gáy tôi.

“A muốn như thế này mãi. Mà chị có chán A không?”.

Tôi giấu nụ cười dưới gối. Đôi gối trên giường không có mùi nào khác ngoài mùi A. Nhưng hôm qua, khi chuông điện thoại đổ, A băn khoăn lúc lâu rồi mới ra nghe điện. Tôi ở trong phòng đợi A gần hai tiếng đồng hồ.

Tôi biết thần ái tình đã đến, nhưng còn đang rập rình ngoài cửa. Hôm nay là thứ sáu.

“Hôm nay xấu trời. Dù sao cũng sắp hết kỳ nghỉ rồi”.

A vô tình buông một câu than thở. Và vẫn âu yếm nhìn tôi.

Tôi biết A muốn nói gì trong đôi mắt đó. A không tin chuyện tình kỳ lạ, thậm chí là kỳ quái này. Nó đến với A quá bất ngờ. A còn quá trẻ.

Và A vẫn còn giữ những mối quan hệ vẹn nguyên trước chuyến tàu đưa tôi đến.

Thứ bảy

A ngủ, khuôn mặt thanh tú với đôi mắt nâu ẩn dưới hàng mi dài cong veo như bờ mi người đẹp. Những ngón tay thon dài, trắng hồng để hờ trên mặt chăn trắng điểm xuyết những bông hoa màu hồng và những chiếc lá nhỏ xanh nhạt.

Tôi muốn chạm tay lên khuôn mặt A, lên bờ môi gợi cảm, bờ môi đã từng lần tìm đầy dịu dàng, bỡ ngỡ trên cơ thể tôi.

Lâu lắm rồi, từ khi anh tiễn tôi lên một chuyến tàu, tôi mới thấy lại cảm giác tim thắt đau trước một cuộc chia ly.

Ngoài ô cửa, cơn mưa mùa đông vẫn tí tách thấm ướt đôi chân sắt dài dằng dặc chạy suốt bắc nam của những con tàu.

Một con tàu có lẽ sắp qua đây.

***

Con tàu đi vào một cơn mưa.

Tôi lại ngồi bên ô cửa. Trước mặt tôi là một đôi trai gái. Họ có lẽ mới yêu nhau, có lẽ vẫn còn cảm thấy bỡ ngỡ, nồng nàn.

Tôi nhìn họ, không dám hình dung A thế nào khi trở dậy và tôi không còn ở đó. Và  mọi dấu vết về tôi đều xóa sạch như chưa từng có.

Từ sau cuộc chia ly với anh, tôi chưa bao giờ yêu ai, thích ai quá một tuần. Tôi đã tìm mọi cách để thích họ lâu hơn, mà vẫn không thể.

Con tàu cứ vùn vụt mang tôi đi.

Vào lúc tàu dừng lại ở một ga xép, khi trông thấy bên đường có một hàng cây trổ hoa giữa mùa đông, tôi đột nhiên nhớ đến giấc mộng năm nào.

…Có một người bế tôi trao cho mẹ, tay kia dắt một cậu bé. Cậu bé khóc ngằn ngặt khi mẹ bế tôi đi. Bên đường có hàng cây đang trổ hoa.

“Hoa này là hoa gì vậy? Trông lạ mà quen quá, A không nhớ đã gặp ở đâu nữa”.

Tôi đã không trả lời A tên loài hoa in hình trên gáy tôi.

Tôi không biết.

Khi sinh ra tôi đã có nó rồi.

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.