Lực bán USD, vàng tăng mạnh
Ngày 28.10, giá vàng tăng 700.000 đồng/lượng, vàng SJC tăng mạnh lên 45,7 - 45,72 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới tăng vọt lên 1.750 USD/ounce (tăng 38 USD/ounce so với chiều ngày 27.10). Cuối ngày, giá vàng thế giới có xu hướng giảm về 1.735 - 1.740 USD/ounce, giá vàng SJC giảm về 44,95 - 45,25 triệu đồng/lượng. Lực bán vàng chốt lời trong ngày 28.10 diễn ra mạnh khiến giá vàng không tăng mạnh theo giá thế giới và khoảng cách chênh lệch giá trong nước cao hơn giá thế giới rút ngắn còn khoảng 400.000 - 600.000 đồng/lượng. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty SJC, cho biết công ty đã mua vào được hơn 4.000 lượng vàng trong ngày 28.10, trong khi số vàng bán ra không đáng kể. Công ty PNJ cũng đã mua vào 1.400 lượng, bán ra 450 lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ mua vào 2.300 lượng, bán ra 700 lượng. Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền - Giám đốc kinh doanh SBJ - cho biết: “Lực bán vàng mạnh vào sáng 28.10. Trong những ngày qua, giá vàng thế giới liên tục tăng nhanh nên khả năng giá sẽ giảm lại. Chính vì vậy mà một số nhà đầu tư chớp cơ hội chốt lời số vàng đã mua trước đó”. Trong tuần trước, giá vàng SJC còn 42,9 - 43 triệu đồng/lượng nên những người gom vàng giá này có thể chốt lời hơn 2 triệu đồng/lượng.
|
Việc các tổ chức mua được vàng trên thị trường đã nhanh chóng xả nguồn USD mua được trước đó khiến giá USD liên ngân hàng liên tục giảm mạnh trong những ngày gần đây. Ngày 28.10, giá USD liên ngân hàng tiếp tục giảm 150 đồng/USD so với ngày 27.10, còn 21.200 - 21.300 đồng/USD. Cùng ngày, NHNN công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 15 đồng/USD, lên 20.803 đồng/USD. Giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tăng thêm 15 đồng/USD và chính thức vượt mức 21.000 đồng/USD, lên 21.005 - 21.011 đồng/USD. Giá USD tự do cũng tăng nhẹ 50 đồng/USD, lên 21.350 - 21.500 đồng/USD. Giải thích lý do đến thời điểm này các đơn vị xả USD ra, tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng cho biết: “Trước đây, các đơn vị (gồm các ngân hàng và SJC) bán vàng mua USD. Nay khi các đơn vị mua được vàng trong nước sẽ thực hiện bán lại USD và đóng trạng thái vàng đã mua ở nước ngoài trước đó. Giá vàng thế giới tăng là thời điểm thuận lợi để thực hiện việc cân đối này”.
Siết thị trường vàng
Cùng ngày, NHNN đã công bố những điểm chính của dự thảo Nghị định Quản lý thị trường vàng. Theo đó, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng và những đơn vị sản xuất vàng miếng phải đảm bảo một số điều kiện. Với những điều kiện đưa ra, số đơn vị sản xuất vàng miếng sẽ giảm. Sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần và quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đặc biệt là quy định kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Dự thảo nghị định còn thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng. Kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy, việc mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và bị xử lý theo pháp luật.
Nghị định tạo cơ chế cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường như cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng.
Việc nâng cao vai trò can thiệp và quản lý của NHNN sẽ giúp kiểm soát cung - cầu vàng trên thị trường, bình ổn giá vàng, từ đó khắc phục tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, góp phần tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Đồng thời, hoạt động mua, bán vàng can thiệp của NHNN trong tương lai có thể giúp duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế, do đó hạn chế việc buôn lậu vàng qua biên giới.
Điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng miếng Đơn vị được phép sản xuất vàng miếng phải hội đủ các điều kiện sau: doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Điều kiện mua bán kinh doanh vàng miếng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, theo dự thảo Nghị định Quản lý thị trường vàng. |
Thanh Xuân
Bình luận (0)