Trong khi khu vực trung tâm đang bị rào chắn để thi công khiến không gian dành cho du khách bị giới hạn, thì các điểm tham quan chính của khách du lịch quốc tế ở TP.HCM lại bị cắt xén để cho thuê mặt bằng làm nhà hàng, quán cà phê, bãi giữ xe...
|
Bảo tàng Lịch sử VN tọa lạc bên cạnh Thảo cầm viên Sài Gòn (Q.1) là điểm tham quan quan trọng của du khách quốc tế vì lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm và kiến trúc kiểu Pháp đặc trưng còn lưu lại ở TP.HCM. Tuy nhiên, sự chăm chút không chu đáo khiến bảo tàng ngày càng tàn tạ.
"Bê" nhà hàng vào bảo tàng
Vừa bước vào cổng bán vé, du khách bất ngờ với quán cà phê Bảo tàng của Công ty TNHH kết nối mạng Sáng tạo án ngữ ngay mặt tiền căn nhà cổ. Tận dụng mái hiên để cơi nới mái che ra sát bãi giữ xe gắn máy, quán cà phê còn “ăn” vào một phần của phòng đáng lẽ ra phải được làm nơi trưng bày cổ vật. Ngoài sân, bàn ghế bày biện rất luộm thuộm.
|
Không chỉ thế, bảo tàng còn cho thuê mặt bằng mở nhà hàng Batalis. Tấm bảng hiệu của nhà hàng giới thiệu nhận đặt tiệc tất niên, liên hoan, sinh nhật và cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện bên trong khuôn viên. Khi chúng tôi liên hệ đặt bữa ăn cho du khách ở đây, cô nhân viên dẫn chúng tôi vào bên trong bảo tàng để khảo sát mới thấy, nhà hàng chiếm trọn tầng ba của khu nhà trưng bày, có không gian nhìn xuống khoảng sân giữa bảo tàng. Theo lời cô nhân viên, nhà hàng có sức chứa cùng lúc gần 200 khách, được đưa vào khai thác từ mấy năm nay.
Bảo tàng TP.HCM ở đường Lý Tự Trọng (Q.1) cũng cho thuê sân để khách gửi xe ô tô và phía sau cũng kèm một quán ăn. Quán trông rất nhếch nhác, che chắn tạm bợ khiến cảnh quan của khu nhà xưa này trở nên xấu xí. Ở cổng bán vé có dán một tấm giấy ghi rõ giá cho thuê dịch vụ trong giờ hành chính: Chụp ảnh đám cưới giá 400.000 đồng đối với cô dâu, chú rể; chụp ảnh thời trang, nghệ thuật; quay phim thời trang, nghệ thuật; thu phí bến bãi đậu ô tô… Khoảng sân trống lẽ ra dành để phục vụ du khách nghỉ ngơi, chụp ảnh, thì được tận dụng cho thuê làm bãi đậu xe ô tô chật nêm.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng có rất nhiều công ty thuê mặt bằng kinh doanh. Ngoài sân có một quán cà phê nhưng đã dời đi, để lại khung cảnh tiêu điều của các bảng hiệu cũ kỹ...
“Cắt” bưu điện bán thức ăn nhanh
Thời gian qua, sự xuất hiện của một tiệm bán thức ăn nhanh thương hiệu ngoại ở khuôn viên Bưu điện TP.HCM gây choáng nhiều nhất đối với các công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế.
Nằm ngay góc đường Nguyễn Du và Quảng trường Công xã Paris, quán ăn chiếm một phần diện tích rất lớn của Bưu điện TP.HCM, mặt tiền hướng quảng trường của quán dài hơn 20 m. Chủ quán còn bày bàn ghế ra khu vườn nhỏ đối diện với công viên trước Nhà thờ Đức bà cho khách ngồi ăn uống. Từ đây trổ hai cái cổng để khách vào ra và một cổng nối với khu vực chính của bưu điện. Quán phục vụ khách suốt cả ngày đêm, nhất là cuối tuần, khách vào ra trông rất lộn xộn.
Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan Bưu điện TP.HCM, không cần bán vé, bưu điện cũng có nguồn thu rất lớn từ việc bán các bộ sưu tập tem, bưu ảnh và cho thuê mặt bằng bán đồ lưu niệm ở hai bên cánh gà. Do lượng du khách tập trung quá đông cộng với việc nơi đây còn làm nhiệm vụ giao dịch, nên bưu điện luôn chật chội. Theo một hướng dẫn viên có nhiều năm đưa khách quốc tế đến đây, Bưu điện TP.HCM có thể sử dụng mặt bằng đã cho quán bán thức ăn nhanh thuê để tổ chức nơi kinh doanh bưu ảnh, quà tặng... nhằm giải phóng lượng khách ở khu vực giao dịch. Khi đó, không gian bên trong bưu điện sẽ trở nên thông thoáng hơn để du khách thoải mái ngắm cảnh, chụp hình mà vẫn giữ cảnh quan chung của điểm đến này.
Theo ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, ở các bảo tàng hay di tích nổi tiếng trên thế giới không có chuyện cắt xén không gian để cho thuê làm quán ăn như bảo tàng, điểm tham quan ở TP.HCM. Nhiều nơi chỉ đặt mỗi máy bán nước tự động và chủ yếu bán đồ lưu niệm để có thêm nguồn thu. “Bưu điện TP.HCM và các bảo tàng là những điểm tham quan chính giữ chân du khách khi đến TP.HCM, nên cần được đầu tư, tôn tạo để hấp dẫn du khách chứ không phải bê nguyên một quán ăn đặt vào bên trong. Không chỉ phá vỡ cảnh quan, các dịch vụ này còn gây nhếch nhác, lộn xộn khi làm không đúng chức năng. Chức năng của bảo tàng, bưu điện là phục vụ khách chứ không phải kinh doanh. Vì thế, những nơi này cần phải trở về đúng với chức năng của mình”, ông Huê phát biểu.
|
Không những ít mà còn làm xấu
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, nhận xét TP.HCM không có nhiều sản phẩm du lịch. Suốt hàng chục năm qua chỉ dựa vào các bảo tàng, Bưu điện TP.HCM, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, Địa đạo Củ Chi mà thôi. Nhưng thay vì phải chăm chút, tìm cách làm mới các sản phẩm cũ này để hấp dẫn du khách thì lại đang phá hoại chúng, làm chúng trở nên nhàm chán, xấu xí hơn.
Đặc biệt, trong nhiều năm tới, khi khu vực trung tâm còn phải rào chắn để xây dựng metro, thì TP.HCM cần tạo không gian cho du khách dừng chân. Nếu không, du khách sẽ lựa chọn các điểm đến khác.
“Sợ rằng sẽ mất nguồn thu” Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM giải thích: Nếu đưa các quầy bán hàng lưu niệm ra khỏi khu vực giao dịch sợ rằng sẽ mất nguồn thu do khách không muốn di chuyển mất thời gian. Theo bà Vân, Bưu điện TP.HCM không cho thuê mặt bằng mà hợp tác kinh doanh với quán bán thức ăn nhanh. Bà Vân quả quyết quán ăn nhanh không gây trở ngại cho du khách mà còn tạo địa điểm để du khách sau khi tham quan vào đây ăn uống. Nhưng khảo sát nhanh của chúng tôi ở các công ty du lịch tại TP.HCM cho thấy, hầu như chẳng có du khách nào đến quán này. Các công ty đưa khách đến bưu điện rồi nhanh chóng rời đi sau khi chụp hình vì dịch vụ, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn. Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê nói thẳng: “Việc đặt quán ăn nhanh ở ngay Bưu điện TP.HCM còn phá vỡ không gian chung với kiến trúc lân cận là Nhà thờ Đức bà”. |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)