Dựa vào kết quả phân tích các mẫu đá mặt trăng được mang về địa cầu thông qua các sứ mệnh Apollo, nhiều khả năng mặt trăng của chúng ta hình thành trong vòng 50 triệu năm kể từ khi hệ mặt trời khai sinh. Điều này có nghĩa là vệ tinh tự nhiên của trái đất phải vào khoảng 4,51 tỉ năm tuổi, trong khi nhiều báo cáo trước đó cho rằng nó tượng hình cách thời điểm hệ mặt trời xuất hiện khoảng 150 triệu năm, tức trễ hơn đến 100 triệu năm theo phát hiện mới nhất.
Cuộc nghiên cứu được công bố vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày nhân loại lần đầu đặt chân lên mặt trăng. Khi đó, các phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là Neil Armstrong và Buzz Aldrin đồng thời thu thập nhiều mẫu vật trên bề mặt chị Hằng. Mục tiêu là nhằm tìm hiểu không chỉ lịch sử hình thành của mặt trăng mà còn của trái đất và các hành tinh xung quanh chúng ta. Theo một giả thuyết được nhiều người ủng hộ, mặt trăng có lẽ được sinh ra vào thời điểm một hành tinh lớn, cỡ sao Hỏa, đâm vào địa cầu còn non trẻ. Các vật liệu sản sinh trong quá trình va chạm bị quẳng vào quỹ đạo quanh trái đất, và dần dần hội tụ thành mặt trăng như chúng ta đang thấy ngày nay.
Tuy nhiên, vào thời điểm ban đầu, mặt trăng trông rất khác. Bề mặt của nó bị bao phủ bởi biển mắc ma được tạo thành từ nhiều loại đá, trước khi dần nguội lại và trở nên rắn chắc. Vì thế, các nhà nghiên cứu có thể phân tích tính chất tự nhiên dựa trên các hòn đá mang về từ mặt trăng và giám định kết cấu về mặt hóa học của chúng nhằm tìm hiểu chị Hằng hình thành như thế nào.
“Hiện vô phương tiến hành cuộc nghiên cứu tương tự ở trái đất vì hành tinh của chúng ta hoạt động địa chất không ngừng nghỉ”, theo Space.com dẫn lời đồng tác giả báo cáo Peter Sprung. Nói cách khác, mặt trăng giờ đây mang đến cơ hội độc nhất vô nhị để giới khoa học trái đất có thể nghiên cứu sự tiến hóa của các hành tinh trong hệ mặt trời.
Bình luận (0)