Cá thể cuối cùng của loài này được cho là đã biến mất khỏi bề mặt địa cầu cách đây khoảng 350.000 năm. Tuy nhiên, một hộp sọ trong tình trạng bảo quản tốt được tìm thấy tại Kazakhstan vào năm 2016 đã phủ nhận hoàn toàn giả thuyết trên. Hóa ra, sinh vật thường xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích phương Tây vẫn còn rong ruổi trên vùng đất băng giá cho đến khoảng 29.000 năm trước.
Thế nhưng, khác với sự tưởng tượng về giống loài huyền thoại tuyệt đẹp như lâu nay, kỳ lân trong thực tế chẳng giống hình ảnh của truyện tranh. Kỳ lân ngoài đời thực, có tên khoa học là Elasmotherium sibiricum, có kích thước khổng lồ, bộ lông dày và xù xì, và tất nhiên phải có một cái sừng trước trán.
Theo mô tả ban đầu, kỳ lân Siberia cao khoảng 2 m khi đứng, dài 4,5 m và trọng lượng cỡ 4 tấn. Kích thước này gần với tiêu chuẩn của voi ma mút lông xoắn hơn ngựa.
Bất chấp hình hài đồ sộ và ấn tượng, kỳ lân được cho là chủ yếu ăn cỏ. Để rút ra kết luận trên, các chuyên gia của Đại học Tomsk (Nga) đã dựa vào hộp sọ của con vật được tìm thấy tại vùng Pavlodar thuộc Kazakhstan. Theo báo cáo trên chuyên san American Journal of Applied Science, đội ngũ chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật carbon vô tuyến để xác định niên đại của con vật khi còn sống. Dựa vào kích thước và tình trạng của hộp sọ, nhiều khả năng nó thuộc về một con đực rất già, nhưng chưa rõ nguyên nhân tử vong. Các chuyên gia Nga hy vọng phát hiện mới có thể giúp họ hiểu thêm được tác động của các yếu tố môi trường đối với nguy cơ tuyệt chủng ở giống loài.
Rõ ràng bằng cách nào đó cá thể được tìm thấy ở vùng Pavlodar đã có thể sinh tồn thêm hàng trăm ngàn năm so với loài đã biến mất 350.000 năm trước ở các khu vực khác của Siberia. Biết đâu trong tương lai, con người có thể áp dụng bí quyết này để kéo dài giống nòi trong trường hợp xấu nhất.
Bình luận (0)